Vú sữa sẵn sàng vào thị trường Hoa Kỳ
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là 1 trong 7 loại trái cây chủ lực của tỉnh, là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Loại trái cây đặc sản này đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Sau 10 năm đàm phán, Hoa Kỳ đã chấp nhận nhập khẩu trái vú sữa tươi của Việt Nam. Dự kiến đầu tháng 12-2017, lô hàng đầu tiên sẽ được khởi động sang thị trường này.
Ông Đặng Văn Thọ bao trái vú sữa để chuẩn bị xuất khẩu đi Hoa Kỳ. |
TẤT BẬT CHUẨN BỊ
Vùng trồng vú sữa Lò Rèn ở xã Long Hưng (huyện Châu Thành) là nơi được chọn sản phẩm để xuất khẩu lô hàng đầu tiên đi Hoa Kỳ. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị ở nơi đây đang gấp rút hơn bao giờ hết. Ông Huỳnh Văn Thọ, ấp Nam, trồng 0,4 ha vú sữa Lò Rèn hơn 6 năm tuổi cho biết, cây vú sữa của ông đang vào tuổi cho trái sai. Sau khi nghe thông tin trái vú sữa sẽ được xuất đi Hoa Kỳ trong vụ này, ông thuê nhân công bao từng trái một. Ông Thọ cho biết, trước giờ, ông canh tác theo kiểu truyền thống, không bao trái nên chi phí rất ít. Giờ đây, để có trái vú sữa ngon, đẹp, chất lượng và đạt tiêu chuẩn xuất đi Hoa Kỳ, công chăm sóc phải gấp 10 lần trước đây.
Gần đó, vườn vú sữa Lò Rèn 0,2 ha của ông Đặng Văn Thọ cũng được chọn để xuất lô hàng đầu tiên đi Hoa Kỳ. Nhiều ngày qua, ông tỉ mỉ lựa chọn những trái đẹp, có triển vọng xuất khẩu để bao trái. Ông Thọ bộc bạch: “Hơn 10 năm trồng vú sữa, tôi chỉ bán cho thương lái. Giờ đây, ngành chức năng chọn vườn tôi để lấy trái xuất khẩu nên gia đình vui lắm và đang trông chờ từng ngày”.
Gia đình ông Lê Văn Mong, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) cũng được doanh nghiệp chọn đầu tư và bao tiêu vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tham quan 0,8 ha vườn vú sữa từ 4 - 8 năm tuổi đang cho trái non, ông Mong không giấu được niềm vui: “Mấy ngày qua, nhiều bà con trong xóm hỏi thăm tôi về trái vú sữa xuất khẩu như thế nào. Sau khi trao đổi với bà con về kỹ thuật chăm sóc và chất lượng trái xuất khẩu, tôi cũng động viên bà con phải canh tác theo quy trình mà ngành chức năng đã đưa ra và đáp ứng được các tiêu chuẩn mà đối tác đặt hàng”.
Nghe tin xuất khẩu vú sữa đi Hoa Kỳ, nông dân rất vui mừng. Họ cho rằng có thể đây là một bước đột phá lớn để nâng cao chất lượng cho trái vú sữa và tăng thu nhập cho người trồng. Tuy nhiên, nhiều nông dân cũng lo ngại rằng: Trước đây, người trồng cũng hào hứng chuẩn bị cho trái vú sữa xuất khẩu nhưng đã bị thất bại vì doanh nghiệp chỉ chọn những trái đẹp, còn hàng thừa bị “bỏ rơi”. Số bị thừa, họ đành bán cho thương lái với giá rất thấp. Vì vậy, việc chọn vùng nguyên liệu vú sữa xuất khẩu lần này hy vọng doanh nghiệp thu mua hết trái vú sữa của nông dân, với giá phải chăng. Có như vậy, vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân mới bền vững.
SẴN SÀNG CHO LÔ HÀNG ĐẦU TIÊN
Tiền Giang có hơn 450 ha vú sữa và được trồng tập trung ở 2 huyện Châu Thành, Cai Lậy và TX. Cai Lậy; trong đó, diện tích vú sữa cho trái trên 432 ha (vú sữa Lò Rèn 392 ha, vú sữa nâu 40 ha). Để xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên vào thị trường Hoa Kỳ, ngành chức năng đã chọn Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường để khởi động lô hàng đi Hoa Kỳ. Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc công ty cho biết: “Doanh nghiệp đang tập trung cao độ cho việc xuất khẩu lô hàng vú sữa đầu tiên. Hiện công ty đã chọn vùng nguyên liệu, đưa cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn nông dân, theo dõi thường xuyên vùng trồng và đang hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục mà phía Hoa Kỳ yêu cầu”.
Công ty Xuất nhập khẩu Đại Lâm Mộc (huyện Châu Thành) cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu vú sữa để tham gia xuất khẩu vú sữa đi Hoa Kỳ. Giám đốc công ty Trần Trung Hiếu chia sẻ: “Để kịp thời có nguồn vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, suốt 1 năm qua công ty đã tiến hành đầu tư phân, thuốc vi sinh và tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các nhà vườn. Đến nay, bà con trong tổ sản xuất đang thực hiện đúng quy trình. Có rất nhiều nước nhập khẩu trái cây vào thị trường Hoa Kỳ; vì vậy trái cây của ta phải có chất lượng, giá cả cạnh tranh mới tồn tại được ở thị trường này lâu dài. Ngoài ra, nguồn hàng phải thật sự an toàn. Nếu lô hàng vú sữa đầu tiên nhập vào thị trường này thất bại vì sản phẩm không “sạch” thì sau này sẽ khó có cơ hội nữa”.
Công ty Xuất nhập khẩu Đại Lâm Mộc đã từng đóng hàng xuất khẩu trái thanh long, chôm chôm sang thị trường Hoa Kỳ. Hiện công ty đang phối hợp các xã Bàn Long, Bình Trưng (huyện Châu Thành) và xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) để thành lập Tổ hợp tác sản xuất vú sữa, liên kết 16 hộ nông dân tiêu biểu với diện tích trồng 10,5 ha. “Trước mắt, công ty sẽ đầu tư bằng cách giao phân bón sinh học cho nhà vườn chăm sóc cây thay thế cho phân bón hóa học, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn và kiểm soát chất lượng chặt chẽ để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu. Đồng thời, công ty thu mua trái đạt tiêu chuẩn với giá cao hơn thị trường khoảng 5%. Sau khi đã xuất hàng ổn định, công ty sẽ tiếp tục đầu tư tăng diện tích lên khoảng 20 - 30 ha”- ông Hiếu cho biết.
Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Văn Hóa cho biết, Sở NN&PTNT đã phối hợp với 2 huyện Châu Thành, Cai Lậy và TX. Cai Lậy xác định vùng trồng vú sữa để Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu vùng II xem xét cấp mã số, đồng thời tiến hành tập huấn cho nông dân ở các xã trồng vú sữa về kỹ thuật canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây vú sữa, nhất là không sử dụng 5 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mà phía Hoa Kỳ cảnh báo mức dư lượng (đặc biệt là hoạt chất Carbendazim bị cấm sử dụng tại Hoa Kỳ) để nông dân biết và không sử dụng. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cũng hướng dẫn bao trái trước khi thu hoạch vú sữa khoảng 21 ngày. Hiện tại, 3 công ty đã triển khai các hoạt động để xúc tiến việc xuất khẩu vú sữa, đã xác định gắn kết vùng trồng, định vị để cấp mã số với tổng diện tích 43,9 ha. Các công ty này đã hoàn tất xong các thủ tục gửi Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II xem xét cấp mã số và bản đồ liều lượng chiếu xạ cho vú sữa để gửi cho phía Hoa Kỳ.
Phát biểu xung quanh vấn đề trái vú sữa xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng: “Việc xuất khẩu vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ phải tính đến vấn đề duy trì lâu dài. Trước đây, chúng ta đã từng thất bại trong việc xuất khẩu vú sữa ra thị trường nước ngoài thì lần này không để lặp lại nữa. Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phải tạo được vùng nguyên liệu và phải hỗ trợ cho nông dân trong việc canh tác cũng như thu mua. Một số doanh nghiệp trước đây chỉ chọn mua những trái đạt chất lượng, đẹp để xuất khẩu, còn hàng thừa thì bỏ mặc nông dân giải quyết nên liên kết giữa họ đã thất bại. Nguồn hàng xuất khẩu sau đó cũng không có cho doanh nghiệp duy trì cung ứng cho đối tác”.
SĨ NGUYÊN