Thứ Bảy, 18/11/2017, 18:11 (GMT+7)
.

Xây dựng liên kết chuỗi trong sản xuất tôm - lúa

Để nâng cao thu nhập, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, Dự án “Phát triển sản xuất tôm - lúa” đã được huyện Tân Phú Đông xây dựng và sẽ triển khai trong thời gian tới. Qua đó, hứa hẹn sẽ giúp mô hình tôm - lúa phát triển bền vững.

Mô hình tôm - lúa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Mô hình tôm - lúa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tân Phú Đông, sản xuất 1 vụ tôm luân canh 1 vụ lúa được xem là mô hình thông minh, thân thiện với môi trường. Mô hình này chủ yếu phát triển trên diện tích nuôi quảng canh, tập trung ở xã Phú Tân và một phần xã Phú Đông, diện tích canh tác khoảng 565 ha (Phú Đông 45 ha; Phú Tân 520 ha). Việc sản xuất theo mô hình này phù hợp với quy hoạch của địa phương. Ngoài nguồn thu từ tôm, cá... người dân còn có thêm thu nhập từ cây lúa.
Ông Ngô Văn Nhàn (ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) cho biết: Gia đình tôi chuyển sang sản xuất theo mô hình tôm - lúa từ năm 2013. Có thể nói, cái lợi của sản xuất theo mô hình này là chi phí đầu vào thấp. Lúa không cần phải bón phân nhiều, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tôm cũng không cần cho ăn. Những năm đầu, chưa sản xuất theo mô hình tôm - lúa, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn. Nhờ canh tác mô hình này, cuộc sống gia đình đã ổn định.

Nhằm góp phần phát triển sản xuất tôm - lúa theo hướng nâng cao số lượng, chất lượng, huyện Tân Phú Đông đã vận động thành lập Tổ hợp tác (THT) Nông thủy sản Phú Tân. THT được ngành Nông nghiệp tập huấn kỹ thuật sản xuất tôm - lúa, lồng ghép triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản để thành viên trong tổ áp dụng. Bên cạnh đó, THT đã ký hợp đồng với DNTN Đoàn Văn Trí (Tiền Giang) để tiêu thụ lúa, kết quả cho thấy giá bán cao hơn so với những hộ bán cho thương lái khác.

Tổ trưởng THT Nông thủy sản Phú Tân Hà Văn Hải cho biết: THT có 26 thành viên với diện tích canh tác 98,2 ha. Các thành viên của THT đều canh tác theo mô hình tôm - lúa. Mấy năm nay, việc sản xuất theo mô hình này rất đạt hiệu quả. Sau khi thu hoạch lúa, chúng tôi sẽ tiến hành thả tôm sú giống. Nhờ có gốc rạ, tôm sẽ bám vào đây để ăn các sinh vật phù du nên lớn rất nhanh. Tiếp đến khoảng cuối tháng giêng, chúng tôi sẽ xuống giống thêm 1 đợt tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra, một số hộ dân còn thả thêm cua giống để tăng thêm thu nhập.

Có thể nói, đầu ra cho nông sản luôn là vấn đề được nông dân cũng như các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, để giải quyết bài toán đầu ra, phát triển bền vững mô hình tôm - lúa, huyện Tân Phú Đông đã xây dựng Dự án “Phát triển sản xuất tôm - lúa”. Việc xây dựng dự án được địa phương đánh giá là rất cần thiết. Hiện nay, Dự án “Phát triển sản xuất tôm - lúa” đã được Sở NN-PTNT phê duyệt. Dự án sẽ được triển khai từ tháng 1-2018 đến tháng 12-2018 trên quy mô 100 ha. Theo đó, Dự án sẽ hỗ trợ 5 triệu con giống tôm sú, 10 tấn lúa giống và phân bón cho các hộ tham gia. Bên cạnh đó, người dân sẽ được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tham quan các mô hình và được các cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất. Có thể nói, ngoài việc hỗ trợ về vật lực, khi tham gia dự án, bà con nông dân sẽ an tâm về “bài toán” đầu ra cho nông sản. Theo đó, con tôm sẽ được Công ty TNHH MTV Thủy sản Diệp Nga (tỉnh Long An) ký kết hợp đồng thu mua, lúa sẽ được Công ty TNHH GFC (TP. Cần Thơ) ký kết tiêu thụ. Qua đó, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Theo Phó Trưởng phòng NN-PTNN huyện Tân Phú Đông Nguyễn Trung Hòa, Dự án “Phát triển sản xuất tôm - lúa” ra đời nhằm phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho 2 xã Phú Tân, Phú Đông giai đoạn 2017 - 2020 và sau năm 2020; đồng thời làm tiền đề để nhân rộng phát triển cho các năm tiếp theo.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Trung Hòa, về mặt kinh tế, theo dự kiến, Dự án “Phát triển sản xuất tôm - lúa” sẽ giúp các hộ tham gia có lợi nhuận trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha (tôm 35 triệu đồng, lúa 25 triệu đồng). Về mặt xã hội, dự án sẽ làm thay đổi được nhận thức của người dân trong sản xuất.

Khuyến khích nông dân tham gia nhiều hơn nhất là những hộ có vốn đầu tư thấp. Tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi, đa dạng hóa sản phẩm; đồng thời góp phần phát triển các hoạt động kinh doanh tôm - lúa giống, cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua thủy sản...

Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết thêm, mô hình tôm - lúa được xem là loại hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, giúp cải tạo môi trường ao nuôi (lúa sẽ hấp thu những chất mùn bã hữu cơ, chất thải của tôm, từ đó giúp hạn chế sử dụng phân bón). Đặc biệt, mô hình này thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Việc ra đời dự án là bước đi cần thiết để mô hình tôm - lúa phát triển bền vững trên vùng đất cù lao.

MINH THÀNH

.
.
.