Thứ Ba, 19/12/2017, 09:56 (GMT+7)
.

Dồn lực cho Đồng bằng sông Cửu Long

Bức tranh về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giờ đây không chỉ được nhắc đến như vựa lúa của cả nước mà còn từ những “ngổn ngang” trước biến đổi khí hậu (BĐKH), sạt lở, bất cập trong sản xuất nông nghiệp (NN) và câu chuyện sinh kế của người dân. Dồn lực để thay đổi ĐBSCL hay ít nhất là thích ứng với những gì đã, đang diễn ra vẫn còn là câu chuyện dài và phức tạp.

BÀI 1: “Dư địa” còn lớn

Sau hàng chục năm khai thác vùng đất đầy tiềm năng, các nhà khoa học đã nhìn nhận rằng, ĐBSCL đâu chỉ có lợi thế về NN hay thủy sản mà còn ở nhiều yếu tố khác. Mặc dù thành quả ĐBSCL mang lại trong thời gian qua là không nhỏ nhưng dường như “dư địa” để khai thác vẫn còn rất lớn.

Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 40.604 km2, với trên 700 km bờ biển và khoảng 330 km đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Đây là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, là vùng sản xuất NN và thủy sản lớn nhất cả nước, có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), an ninh quốc phòng. Từ lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, mục tiêu chung là nhanh chóng xây dựng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; là địa bàn cầu nối để chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực… đã được đặt ra từ chục năm trước.

Gạo vẫn là sản phẩm chủ lực của ĐBSCL.
Gạo vẫn là sản phẩm chủ lực của ĐBSCL.

Để cụ thể hóa các chủ trương, ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các bộ, ngành đã bắt tay vào quy hoạch, khai thác ĐBSCL. Khâu đột phá đầu tiên là tiến hành thau chua và mặn để khai thác 3 tiểu vùng đất rộng người thưa ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau.

Theo TS. Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế đã có hơn 20.000 km kênh các loại được đào để thau chua, rửa mặn nhằm đưa phù sa từ sông Mêkông vào sâu trong Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Rất nhiều cống ngăn mặn, nhằm giữ ngọt và “ngọt hóa” những vùng bị nhiễm mặn ở các vùng Gò Công Đông - Gò Công Tây, Nam Măng Thít, sông Ba Lai, vùng bán đảo Cà Mau… cũng đã được xây dựng.

Mục tiêu chính của những động thái này là để tăng diện tích canh tác lúa hai vụ ở những nơi nào có thể. Ở các tỉnh từ An Giang, Đồng Tháp, còn xây dựng đê bao vượt lũ để làm lúa 3 vụ. Từ đó, tổng diện tích lúa 3 vụ có đến trên 300.000 ha. Nhờ đó, vùng ĐBSCL đã làm tốt chức năng là vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước, đảm bảo chức năng an ninh lương thực cho đến nay.

Dấu ấn của Nông nghiệp Tiền Giang

Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa nhận định, ngành NN của Tiền Giang những năm qua cũng có bước phát triển khá nhanh. Theo đó, cây lúa vẫn là cây lương thực trọng điểm, với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 220.000 ha, sản lượng đạt 1,3 triệu tấn; 73.000 ha cây ăn trái, với sản lượng đạt 1,3 triệu tấn các loại, tập trung nhiều nhất vẫn là: Thanh long, xoài, sầu riêng, khóm. Ngoài ra, Tiền Giang còn có một số loại cây ăn trái nhác như: Vú sữa Lò Rèn, nhãn, cam, chôm chôm, mãng cầu Xiêm… Các vùng nguyên liệu này đang được triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn G.A.P (hiện có khoảng 700 ha cây ăn trái đã đạt chứng nhận G.A.P); việc sản xuất rải vụ trong năm đã đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Chưa kể, Tiền Giang hiện có khoảng 15.500 ha nuôi trồng thủy sản, với 16 nhà máy chế biến có tổng công suất đạt 180.000 tấn mỗi năm; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 300 triệu USD/năm… Hiện tại, Tiền Giang cũng đang triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành NN Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Nhìn một cách tổng thể, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, trong những năm vừa qua, Đảng, chính phủ, các ban ngành, các địa phương đã ban hành nhiều chiến lược, chính sách định hướng phát triển KT-XH nói chung và NN nói riêng của vùng một cách bền vững và thích ứng với BĐKH. Kết quả là, đến nay đã có 8 bản quy hoạch và chiến lược phát triển KT-XH của ĐBSCL được ban hành.

Gần đây nhất là vào năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 245 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định 639 phê duyệt Quy hoạch NN, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện BĐKH; Quyết định 805 quy hoạch NN, nông thôn vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Ngoài ra, ngành NN cũng có một số dự án lớn được triển khai tại vùng như: Dự án Chuyển đổi NN bền vững (VNSAT), Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Nhằm thúc đẩy thực hiện liên kết vùng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 593 vào năm 2016 về Quy chế thí điểm liên kết phát triển KT-XH vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. 

Trái cây là lợi thế của ĐBSCL.
Và trái cây cũng là một lợi thế của ĐBSCL.

Đi vào cụ thể các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy NN bền vững tại ĐBSCL. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương tích cực chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cây trồng cạn khác với mục tiêu tăng tính linh hoạt của đất lúa, đạt diện tích chuyển đổi đất trồng lúa toàn vùng là 78.375 ha, chuyển nhiều nhất sang rau, dưa hấu, ngô…

Bộ NN-PTNT cũng đã kết hợp các tỉnh ĐBSCL chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm tránh hạn mặn cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu ở các khu vực ven biển, thu hẹp lúa xuân hè và tăng vụ thu đông. Nhiều mô hình cánh đồng lớn đã ra đời tại ĐBSCL giúp nông dân sản xuất nhỏ hình thành các vùng sản xuất lớn kết nối với doanh nghiệp dựa trên cơ chế hợp đồng, đạt tổng diện tích 196.087 ha.

8 lý do để đầu tư vào ĐBSCL

TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ đưa ra nhận định, ĐBSCL sẽ trở thành địa điểm mới của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với 8 lý do: Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, môi trường đầu tư lý tưởng, kết nối giao thông trực tiếp và cơ sở hạ tầng hoàn hảo, hơn 17 triệu người tiêu dùng, lực lượng lao động hùng hậu và các tiêu chuẩn xã hội cao, ngành nuôi trồng thủy sản và NN đang phát triển mạnh mẽ, BĐKH được xem như cơ hội kinh doanh và cơ hội phát triển rộng mở. Kết quả gần đây cho thấy, GRDP của vùng năm 2016 đạt hơn 524.000 tỷ đồng (chiếm 18% so cả nước, giá so sánh 2010). Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 690.000 tỷ đồng, chiếm 19,5% cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (1988-2015) đạt hơn 16,7 tỷ USD, bằng 6% tổng FDI cả nước. Toàn vùng hiện có hơn 65.000 doanh nghiệp đang hoạt động…

Một số mô hình chăn nuôi thích ứng tốt với BĐKH cũng đã được triển khai thực hiện như: Vịt chạy đồng, vịt biển, chim yến, ong; đồng thời, các địa phương cũng đang cố gắng phát triển chăn nuôi bò thịt, tận dụng phụ phẩm NN như là rơm, rạ làm thức ăn. Nhiều giải pháp trong ngành thủy sản nhằm chủ động thích ứng với BĐKH đã được thực hiện như: Rà soát, điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp của mỗi vùng; kịp thời hướng dẫn người nuôi cải tạo ao đầm, thả giống cỡ lớn sau để rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, đã có nhiều mô hình phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH như: Tôm lúa, tôm rừng tại vùng ven biển, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Nông dân ĐBSCL đã tích cực chuyển đổi cơ cấu đối tượng nuôi, từ nuôi chuyên tôm sang nuôi ghép với cua, cá biển ở các vùng nuôi quảng canh…

Cùng với những hoạt động cụ thể và tích cực nhằm khai thác vùng đất đầy tiêm năng, với dân số 17,5 triệu người, cũng theo TS. Hoàng Ngọc Phong, trong nhiều năm qua, kinh tế vùng ĐBSCL đã có mức tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước (7,7% giai đoạn 2001-2005; 7,5% giai đoạn 2006-2010; giai đoạn 2011-2015 khoảng 6,5%); cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tiến bộ; hệ thống kết cấu hạ tầng bước đầu được đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu phát triển KT-XH…

Nuôi trồng thủy sản cũng phát triển nhanh chóng.
Nuôi trồng thủy sản cũng phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, thế mạnh kinh tế của ĐBSCL vẫn là ngành NN (chiếm hơn 32% GDP vùng năm 2016). Tính đến tháng 4-2017, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng và hơn 36% lượng trái cây cả nước. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của vùng tăng bình quân 7,15%/năm giai đoạn 2001-2010, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (5,32%/năm) và tăng ở tất cả 3 ngành, trong đó: Thủy sản tăng hơn 14%/năm, NN tăng hơn 4%/năm và lâm nghiệp tăng hơn 2%/năm. ĐBSCL là khu vực dẫn đầu cả nước về xuất khẩu lúa gạo, trái cây và thủy sản.

 ĐBSCL hiện cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, chiếm 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD năm 2016. Hầu như toàn bộ xuất khẩu cá tra đến từ ĐBSCL, với sản lượng cá tra hơn 1 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD năm 2016. Sản xuất tôm của vùng chiếm 80% sản lượng, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, với kim ngạch xuất khẩu 3,15 tỷ USD năm 2016.

Xuất khẩu trái cây của ĐBSCL tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua, với kim ngạch khoảng 329 triệu lên khoảng 1,1 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2016. Với 75% dân cư tập trung ở nông thôn, thành tựu phát triển NN của ĐBSCL thời gian qua đã hỗ trợ mạnh mẽ cho giảm tỷ lệ nghèo. Tỷ lệ nghèo của vùng ĐBSCL đã giảm tương đối ấn tượng từ khoảng 15% xuống còn dưới 10% trong giai đoạn 2006-2016…

ANH PHƯƠNG

(Còn tiếp)

.
.
.