Bài 2: Những vấn đề nội tại
Việc quá lệ thuộc vào sản xuất nông nghiệp (NN) cùng với những tác động bất lợi của tự nhiên đã làm cho ĐBSCL bộc lộ nhiều bất cập. Chưa kể, bên cạnh những vấn đề nội tại của ngành NN, các khó khăn trong phát triển vùng và các thách thức nghiêm trọng từ bên ngoài, có thể thấy rằng nếu vẫn tiếp tục với mô hình phát triển NN hiện nay, ĐBSCL rất khó có thể duy trì tăng trưởng bền vững và cải thiện sinh kế ổn định cho người dân trong vùng.
1. Số liệu nghiên cứu và phân tích của các nhà khoa học cho thấy, sự phát triển thiếu bền vững của ngành NN của khu vực ĐBSCL đã bộc lộ trong những năm gần đây khi tốc độ tăng trưởng của NN của vùng đã chậm lại, từ mức 7,15%/năm giai đoạn 2001-2010, xuống còn khoảng 5% vào giai đoạn 2011-2016. Cùng với đó là việc đóng góp của ngành NN vùng ĐBSCL vào GDP NN toàn quốc cũng giảm dần từ mức 52,8% vào năm 2000, xuống còn 37% năm 2015.
Tăng trưởng của ngành nông nghiệp có hướng chậm lại. |
Về mặt cơ cấu kinh tế, ÐBSCL vẫn còn kém mức trung bình của cả nước khi vẫn chủ yếu dựa vào NN, với mức độ đóng góp chiếm ở mức 32,3% vào tổng GDP của vùng (so với 18% của cả nước) vào năm 2016; trong khi đó sự phát triển của ngành Công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản của vùng còn chậm, số lượng cơ sở kinh doanh trong ngành Công nghiệp chế biến của ĐBSCL năm 2016 khoảng hơn 107.000 cơ sở, chỉ chiếm khoảng 13% tổng số cơ sở sản xuất chế biến cả nước, thấp hơn nhiều so với các vùng khác (Đồng bằng sông Hồng chiếm 36,5%). Trong khi đó, cơ cấu nội ngành NN của ĐBSCL cũng đang dịch chuyển với tốc độ khá chậm, đến gần đây vẫn chủ yếu dựa vào trồng trọt (trên 60% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản).
Nhìn từ thực tiễn mới thấy rằng, suốt hơn 40 năm thống nhất đất nước, chính sách an ninh lương thực đã ăn sâu vào cội rễ của từng người nông dân và lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất các cấp đối với vùng ĐBSCL. Theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, thời gian qua Nhà nước hầu hết đầu tư tổ chức sản xuất NN chỉ cho cây lúa, từ hệ thống thủy lợi dẫn ngọt và ngăn mặn, không màng gì đến phí tổn rất cao của Nhà nước mà không hiệu quả kinh tế và thiệt hại về lợi tức của nông dân trồng lúa, cho dù Việt Nam xuất khẩu gạo nhì, ba trên thế giới. Nông dân phần lớn sản xuất với quán tính trồng lúa và lúa vì Nhà nước đã tổ chức hạ tầng để trồng lúa; diện tích nhỏ lẻ và manh mún, tự phát, với kỹ thuật không phù hợp trong thời BĐKH. Một ít nông dân cá thể khác trồng cây ăn quả, nuôi tôm, nuôi cá một cách tư phát, không được hệ thống Nhà nước đầu tư.
Trên bình diện tổng thể, theo đánh giá của các chuyên gia, việc tập trung quá mức vào sản xuất lúa thâm canh, chuyển sang hệ thống canh tác 3 vụ lúa/năm đã tạo ra những hệ lụy đáng báo động về sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Nhiều vùng ở thượng nguồn chỉ quy hoạch sản xuất 2 vụ lúa song trong những năm qua đã phát triển mạnh vụ 3, tác động nghiêm trọng đến không gian chứa lũ, dòng chảy lũ, nước ngầm, độ phì nhiêu của đất và môi trường.
Thâm canh NN cũng làm giảm độ phì nhiêu của đất và tăng nguy cơ sâu bệnh tại ĐBSCL, dẫn tới việc sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, diện tích nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là tôm, cá tra) tăng nhanh trong giai đoạn 2000-2010, thiếu kiểm soát về môi trường, dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày một giảm, ngư trường khai thác ngày càng xa, diện tích rừng ở các tỉnh ĐBSCL tiếp tục thu hẹp (giảm 28.387 ha), xâm hại chủ yếu do nuôi trồng thủy sản.
Đánh giá chung của Bộ NN-PTNT cũng cho thấy, nông dân ĐBSCL còn lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Trong khi đó, hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm và giám sát chất lượng con giống, thuốc, hóa chất, thức ăn còn thiếu chặt chẽ. Hệ lụy là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản ĐBSCL chưa thực đảm bảo, thiếu bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, thương hiệu, năng lực cạnh tranh của nông sản.
Tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị nông sản ở ĐBSCL cũng là một “nút thắt” trong phát triển NN vùng. Phần lớn các hộ nông dân ĐBSCL có quy mô nhỏ, không có kho trữ, ít vốn, dễ bị các thương lái ép giá và thường chịu nhiều rủi ro nhất khi có biến động bất lợi trên thị trường về giá đầu vào và đầu ra. Các tổ chức tập thể như hợp tác xã, hiệp hội lại chưa phát huy hiệu quả và chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp theo hình thức hợp đồng nông sản vẫn còn không ít và lỏng lẻo.
Việc quá chú trọng vào cây lúa cũng trở nên thách thức đối với ĐBSCL. |
2. Nhìn một cách tổng thể, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, sinh kế của người nông dân ĐBSCL cải thiện tương đối chậm so với mặt bằng chung cả nước. Tính đến tháng 3-2017, tỷ lệ xã đạt nông thôn mới của ĐBSCL cũng chỉ ở mức hơn 22%, thấp hơn mức cả nước là hơn 30% và chưa bằng một nửa so với tỷ lệ của Đồng bằng sông Hồng là hơn 55%. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của người dân ĐBSCL chỉ vào khoảng 1,8 triệu đồng, thấp hơn mức trung bình toàn quốc khoảng 200.000 đồng.
Chưa kể, tỷ lệ nghèo của ĐBSCL năm 2016 là 9,66% cao hơn khá nhiều so với mức 4,76% của Đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, lao động trong ở ĐBSCL bị tắc lại ở khu vực NN do khu vực dịch vụ và công nghiệp không tạo ra nhiều việc làm. Kết quả khảo sát cho thấy, trong giai đoạn 2010-2016, tỷ lệ lao động NN của vùng chỉ giảm từ mức 32% xuống còn 30%. Phần lớn dân cư nông thôn ở ĐBSCL làm việc ở khu vực phi chính thức có điều kiện làm việc khá rủi ro.
3 nút thắt trong ứng dụng khoa học công nghệ Theo đánh giá của các chuyên gia, 3 khâu yếu kém nhất về mặt khoa học công nghệ trong NN ở ĐBSCL là giống (trái cây, chăn nuôi, thủy sản), thức ăn thủy sản và chế biến sâu (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản). Hiện tại, ĐBSCL chưa có các cơ sở phát triển giống chăn nuôi, đặc biệt là các giống thích ứng với BĐKH. Mặc dù ĐBSCL là thủ phủ của thủy sản cả nước, sản xuất con giống và quản lý chất lượng con giống của vùng còn rất hạn chế. Trong khi hiện có trên 80% lượng thức ăn phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc do các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sản xuất; người nuôi trồng không chủ động được trong sản xuất mỗi khi có biến động lớn về giá thức ăn (thức ăn chiếm trên 80% giá thành sản phẩm). Các cơ sở chế biến nông sản, thủy sản đổi mới công nghệ chậm, cơ cấu sản phẩm vẫn chủ yếu là sản phẩm đông lạnh có giá trị thấp, các sản phẩm được chế biến sâu, có giá trị cao chưa nhiều, tính cạnh tranh kém; việc cơ giới hóa tự động hóa còn thấp, sử dụng nhiều nhân công, năng suất và chất lượng sản phẩm tạo ra chưa cao. |
Còn theo Điều tra mức sống hộ gia đình, trong giai đoạn 2010-2014, số lượng lao động nông thôn trên 15 tuổi ở ĐBSCL có việc làm chính thức chỉ tăng nhẹ từ hơn 18% lên 23%. Tỷ lệ lao động di cư ra khỏi khu vực cũng ở mức khá cao, với tỷ lệ 6,7% tổng dân số vào năm 2014 và phần lớn cũng đi vào khu vực phi chính thức.
Điểm mấu chốt dẫn đến thực trạng này, theo phân tích của các nhà khoa học, ĐBSCL thiếu chiến lược và chính sách căn cơ cho toàn đồng bằng, thiếu tính kết nối giữa phát triển NN, nông thôn với công nghiệp hóa, đô thị hóa. Trong khi định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL tương đối rõ nét với trọng tâm là lúa gạo, trái cây, thủy sản, thì chiến lược phát triển công nghiệp và dịch vụ của vùng chưa thực sự được định vị, không rút được lao động khỏi NN.
Mặc dù là một vùng sản xuất nông sản trọng điểm, nhưng phần lớn nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... vẫn nhập từ ngoài vào và sản phẩm sản xuất chủ yếu ở dạng thô, thiếu đa dạng về chủng loại. Công nghiệp chế biến nông sản và các dịch vụ hậu cần NN của vùng vẫn chưa cất cánh được như kỳ vọng.
Một điểm đáng lo ngại nữa là các mô hình đô thị ĐBSCL đều không kèm theo sức sống kinh tế, chủ yếu vẫn là các trung tâm hành chính, chưa thực sự trở thành các trung tâm về khoa học công nghệ, kiến thức và tài chính của vùng. Sự phát triển chưa tương xứng của khu vực công nghiệp - dịch vụ đã không tạo ra được nhiều sức hút đối với lực lượng lao động dôi dư trong khu vực nông thôn. Hệ lụy là việc di cư của nông dân ra nước ngoài, lên TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh có công nghiệp phát triển ở Đông Nam bộ diễn ra rất mạnh trong thời gian qua.
Nông nghiệp ĐBSCL cần một hướng đi mới. |
Chưa kể, ĐBSCL thiếu thể chế phát triển liên kết vùng. Không gian kinh tế vùng bị chia cắt, nhiều cụm ngành kinh tế và sản phẩm chủ lực vùng mà các tỉnh có lợi thế chưa được liên kết tốt, thậm chí còn tình trạng cạnh tranh cục bộ lẫn nhau. Việc phân cấp ra quyết định về đầu tư công đã giúp cho các địa phương phát huy tính chủ động sáng tạo, nhưng cũng góp phần tạo ra sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành tại ĐBSCL, dẫn đến các quyết định đầu tư không đạt đuợc tối ưu. Kết quả là đầu tư trùng lắp, dàn trải, dễ phá vỡ qui hoạch vùng.
Một trong những hạn chế cũng được nhìn nhận là trong liên kết giữa các lĩnh vực trong nội bộ ngành NN và phát triển nông thôn. Hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL vẫn tập trung chủ yếu phục vụ sản xuất lúa gạo, chưa đảm bảo cho phát triển các sản phẩm có giá trị cao thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) như cây trồng cạn và đặc biệt là thủy sản. Tương tự, việc phục hồi và phát triển rừng ngập mặn của các vùng ven biển, đặc biệt là bán đảo Cà Mau gặp nhiều khó khăn do chưa thực sự hài hòa, gắn với sinh kế của các hộ nuôi trồng thủy sản tại đây, hay như mô hình tôm rừng, tôm lúa đã phát triển với quy mô lớn nhưng vẫn chưa có các quy hoạch cụ thể và đầu tư cơ sở hạ tầng đi kèm phù hợp.
Chưa kể, đầu tư công hạn chế, hạ tầng kết nối kém. Các tỉnh ĐBSCL đang thiếu những hạ tầng hậu cần phục vụ cho NN như: Cảng, kho bãi, giao thông và các dịch vụ giao nhận. Hậu quả là hơn 70% hàng hóa của vùng này phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu mới có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Trong khi đó, thu hút đầu tư tư nhân của vùng còn nhiều hạn chế.
Vị trí xếp hạng mức độ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các tỉnh trong vùng chỉ ở mức trung bình từ hạng 17 đến 27 giai đoạn 2010-2016. Điều này cùng với những hạn chế về hạ tầng kết nối và những điều kiện khác đã kìm hãm khả năng thu hút đầu tư tư nhân cho vùng. Bênh cạnh đó, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp của ĐBSCL trong giai đoạn 2010-2016 thấp nhất trong cả nước, chỉ khoảng 8% (thấp hơn khá nhiều so với Đồng bằng sông Hồng ở mức 21% và Đông Nam bộ ở mức 120%).
ANH PHƯƠNG
(Còn tiếp)