Thứ Năm, 21/12/2017, 19:39 (GMT+7)
.
Dồn lực cho Đồng bằng sông Cửu Long

Bài 3: Thách thức từ biến đổi khí hậu

Không chỉ xuất hiện những bất cập trong sản xuất, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn đứng trước nhiều thách thức trong sinh kế khởi nguồn từ những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, sạt lở…

Nghiên cứu về những biến đổi của tự nhiên trong vùng, Ths. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, ĐBSCL hiện đối diện với 3 thách thức chính, gồm: BĐKH tập trung vào sự thay đổi về nhiệt độ, mưa, gió, bão, nước biển dâng; những hiện tượng cực đoan như El Nino gây hạn mặn mùa khô năm 2016 và những vấn đề phát triển chưa bền vững ở ĐBSCL, trong đó gồm: Sụt lún với tốc độ trung bình 18 cm trong 25 năm qua (1991-2016) do sử dụng nước ngầm quá mức, khai thác nước ngầm ven biển và ô nhiễm nước mặt sông rạch ở vùng nội địa.

Sạt lở ở biển Tân Thành huyện Gò Công Đông.
Sạt lở ở biển Tân Thành huyện Gò Công Đông.

Kết quả nghiên cứu một cách khoa học về quy luật tự nhiên, theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện, ĐBSCL do quá trình bồi đắp của phù sa, cát sỏi tạo nên trong quá trình “kiến tạo đồng bằng”; trong quá trình đó, sạt lở và bồi đắp là một quá trình tự nhiên. Tuy nhiên, một thời gian dài trong quá khứ, nhất là trước năm 1992 khi các đập dòng chính sông Mekong bắt đầu được xây dựng, trong quá trình kiến tạo đồng bằng tổng lượng bồi đắp của ĐBSCL lớn hơn tổng lượng sạt lở nên không có hiện tượng sạt lở trên diện rộng.

Sạt lở diễn biến phức tạp

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, tình hình sạt lở từ năm 2010 của ĐBSCL diễn biến phức tạp hơn. Theo đó, khu vực ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở, với tổng chiều dài trên 786 km. Sạt lở bờ sông chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền và sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch. Sạt lở bờ biển cũng diễn biến rất phức tạp và có xu thế ngày càng gia tăng, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực ĐBSCL giảm khoảng 300 ha/năm, trong đó chủ yếu khu vực bờ biển thuộc tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, hiện có 49 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 266 km, trong đó có 40 khu vực thường xuyên bị xói lở, với tốc độ xói lở từ 10-45m/năm, đặc biệt là trong những năm gần đây như: Gò Công Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre); Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu); bờ Biển Đông thuộc huyên Ngọc Hiển, bờ biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, Năm Căn (Cà Mau); An Minh, An Biên (Kiên Giang). Ngoài ra cũng có 22 khu vực thường xuyên bị bồi lắng với tốc độ bồi lắng từ 3-10 m/năm. Theo tiêu chí về phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển quy định tại Quyết định 01 ngày 4-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có: 40 điểm sạt lở đăc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng), tổng chiều dài 131 km; 154 điểm sạt lở nguy hiểm, tổng chiều dài 116 km; 369 điểm sạt lở bình thường, tổng chiều dài 539 km. Còn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, bên cạnh xói lở hệ thống đê biển, từ đầu năm 2017 đến nay, Tiền Giang có gần 90 điểm sạt lở mới, tập trung ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè và TX. Cai Lậy…

Tuy nhiên, trong 25 năm vừa qua, sạt lở có khuynh hướng trội hơn bồi đắp; nhất trong 10 năm và 5 năm gần đây nhất, sạt lở càng gia tăng. Hiện nay, hơn 50% tổng chiều dài bờ biển của ĐBSCL đang bị sạt lở dữ dội, có nơi bờ biển lấn sâu vào đến hơn 50 m. Nguyên nhân của tình hình sạt lở trong thời gian 25 năm vừa qua, càng về gần đây càng gia tăng, phải do những yếu tố có biến động bất thường sau 1992. Điều này cũng có nghĩa là những yếu tố nào không thay đổi nhiều hoặc thay đổi không đáng kể thì không phải là nguyên nhân hoặc chỉ là nguyên nhân phụ.

Nếu nhìn ở khía cạnh khác, ĐBSCL hiện không chỉ đối mặt với sạt lở mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ những tác động của BĐKH. Nếu tính theo kịch bản quốc gia về BĐKH năm 2016, đối với kịch bản trung bình, đến năm 2100, khu vực ĐBSCL nhiệt độ trung bình có thể tăng 1,7-1,9oC, mưa có thể tăng 5-15% và nước biển dâng từ 32-78 cm; với kịch bản BĐKH cao, đến cuối thế kỷ khu vực ĐBSCL nhiệt độ trung bình có thể tăng 3,0oC-3,5oC, mưa có thể tăng trên 20% và nước biển dâng từ 48-106 cm.

Hạn mặn gay gắt trong năm 2016 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa ở các huyện phía Đông.
Hạn mặn gay gắt trong năm 2016 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa ở các huyện phía Đông.

Hệ quả của BĐKH được dự báo sẽ có những tác động đáng kể. Chẳng hạn đối với trồng trọt, với dự báo nhiệt độ tăng, hạn hán (thiếu nước tưới) kết hợp với xâm nhập mặn gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Chưa kể, lũ lớn vào ĐBSCL xảy ra ít hơn (8-10%), trong khi lũ nhỏ và cực nhỏ sẽ xảy ra nhiều hơn (90-92%). Về dòng chảy mùa khô, do việc điều tiết và vận hành thủy điện, làm dòng chảy thay đổi trái quy luật, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc chủ động sản xuất trên đồng bằng. Về tải lượng phù sa, ước tính đến giai đoạn 2050-2060, khi các hồ chứa được xây dựng xong, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn dưới 10% so với khi chưa có các công trình này. Điều này làm gia tăng xói lở trên ĐBSCL và các vùng cửa sông ven biển cũng như chất lượng đất canh tác.

Hậu quả là ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Nếu tính theo kịch bản trung bình về BĐKH, năng suất lúa đông xuân giảm khoảng 405 kg/ha vào năm 2030 và hơn 716 kg/ha vào năm 2050. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng gần 39% diện tích ĐBSCL, khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Dấu hiệu bất thường của thời tiết

Theo kết quả báo cáo của Nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đặc điểm khí hậu và bước đầu đánh giá sự tác động của BĐKH đến vùng Gò Công” gần đây cho thấy, trong vòng 28 năm, tại Trạm Vàm Kênh mực nước trung bình đã tăng thêm 19 cm; tại Trạm thủy văn Hòa Bình, mực nước trung bình tăng khá mạnh, tăng thêm 23 cm. Khi nước biển dâng tất nhiên sẽ làm cho thời gian nước ngọt thu hẹp lại. Song song đó, trong vòng 28 năm qua, nền nhiệt cũng tăng đáng kể, đặc biệt từ năm 1988 đến thời điểm nghiên cứu, nhiệt độ trong khu vực đã tăng khoảng 0,10C/thập kỷ. Trong khi đó, mùa mưa trong vùng có xu hướng kết thúc sớm. Qua đó, nhóm nghiên cứu khẳng định, BĐKH tác động đến vùng Gò Công không còn là vấn đề lý thuyết mà thực tế đang diễn ra và đang tác động đến các ngành kinh tế - xã hội, môi trường cũng như đời sống người dân trong vùng.

Còn theo ghi nhận về diễn biến khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến nay của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, mặn xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Trung bình nhiều năm mặn bắt đầu xuất hiện ở Trạm Thủy văn Hòa Bình từ đầu tháng 2 nhưng năm 2013 mặn xuất hiện 1g/l ngay trong tháng 1. Năm 2014, mặn xuất hiện vào tháng 12 và trong năm 2015, mặn xuất hiện rất sớm vào ngày 20-11-2015. Đặc biệt là tình hình xâm nhập mặn trong năm 2016 cũng xuất hiện rất sớm và lấn sâu vào các huyện phía Tây của tỉnh.

Theo phân tích của GS. Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH, BĐKH là thách thức lớn, dù nỗ lực thích ứng của Trung ương, địa phương đã tăng, nhưng ở quy mô nhỏ không bảo vệ được những đối tượng dễ bị tổn thương. Mặc dù, ngân sách của Trung ương, địa phương dành cho thích ứng với BĐKH cũng tăng trong những năm qua nhưng vẫn hạn chế, phần lớn chỉ tập trung vào ngắn hạn. Tác động rõ rệt nhất của BĐKH đối với ĐBSCL là diễn biến bất thường của thời tiết, hạn mặn gay gắt, sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Còn TS. Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhận định, giải pháp chung BĐKH và nước biển dâng là một thực tế hiện hữu đã, đang và sẽ xảy ra theo chiều hướng bất lợi, có ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, BĐKH và nước biển dâng là một vấn đề rất phức tạp, tác động tới tất cả các lĩnh vực, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, từ tự nhiên đến kinh tế - xã hội, môi trường trên một phạm vi rộng lớn và lâu dài.

Vì vậy, chuyển đổi mô hình phát triển ứng phó với BĐKH và nước biển dâng cần phải được tiến hành ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, ở tất cả các ngành từ quản lý tài nguyên đến sử dụng và khai thác tài nguyên, ở tất cả các lĩnh vực từ sơ cấp đến thứ cấp, bằng sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ trong một chiến lược tổng thể chung ở cấp quốc gia và với cộng đồng quốc tế. Hay nói một cách tổng quát hơn là “Ứng phó với BĐKH mang tính quốc gia, khu vực, toàn cầu và phải được coi là nhiệm vụ của cả  hệ thống chính trị, của toàn xã hội và mọi người dân được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, tổng hợp, ngành, liên ngành, vùng, liên vùng”.

Triều cường cũng thường xuyên xảy ra trên địa bàn Tiền Giang.
Triều cường cũng thường xuyên xảy ra trên địa bàn Tiền Giang.

Giải pháp được đặt ra để thích ứng với BĐKH, theo TS. Hoàng Ngọc Phong,  Chính phủ cần có cơ chế chính sách riêng cho vùng ĐBSCL để đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong bối cảnh hạn, mặn gia tăng và thích ứng với BĐKH dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL theo hướng tích hợp, xây dựng chiến lược tổng thể về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở.

Bên cạnh đó là đầu tư thông minh và bảo đảm hiệu quả; giải quyết sinh kế đảm bảo đời sống cho người dân theo hướng ổn định lâu dài và phát triển. Chưa kể, cần rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, hoàn thiện đồng bộ với chủ trương tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực.

“Các bộ, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau để đối diện với các thách thức. Vấn đề đổi mới thể chế và xác định cơ chế phối hợp là cần thiết từ tổ chức, phối hợp và điều hành thực hiện. Các doanh nghiệp và ngươi dân cần nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai và BĐKH trong bối cảnh hội nhập sâu rộng” - TS. Hoàng Ngọc Phong nhấn mạnh. 

Còn theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng các địa phương vùng ven biển ở khu vực ĐBSCL nên tìm cách “sống chung” với hạn, mặn hơn là phải ứng phó theo kiểu chống lại thiên nhiên. Dẫn chứng về điều này, GS-TS. Võ Tòng Xuân cho biết hiện nay, nông dân ở vùng Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Thạnh Phú (Bến Tre) hay Giá Rai (Bạc Liêu) chẳng những không lo xâm nhập mặn mà còn đang chờ nước mặn về để thả nuôi tôm. Ngay khi vụ thu hoạch tôm vừa kết thúc cũng là lúc có mưa xuống người dân đưa mặn ra ngoài, giữ nước để trồng lúa.

“Các địa phương nên xem đây là cơ hội để cơ cấu lại sản xuất chứ không nên ngồi đó mà than bị xâm nhập mặn hoặc đầu tư hàng tỷ đồng vào các công trình ngăn mặn rất lãng phí. Chỉ trồng lúa thì nông dân có giàu lên được đâu, nếu như nông dân ở các vùng này cứ tiếp tục trồng lúa là phí ngân sách, tài nguyên nước. Thay vào đó đầu tư nuôi trồng các loại cây con khác có lợi hơn và còn mở lối ra cho nông dân kiếm được tiền nhiều hơn”- GS-TS. Võ Tòng Xuân khuyến cáo.

ANH PHƯƠNG

(Còn tiếp)

.
.
.