Thứ Bảy, 23/12/2017, 07:18 (GMT+7)
.
Dồn lực cho Đồng bằng sông Cửu Long

Bài 4: Chuyển động của thị trường

ĐBSCL không chỉ đối mặt với những yếu tố nội tại hay những tác động của điều kiện tự nhiên mà cùng với cả nước còn bị “sức ép” bên ngoài, trọng yếu nhất là việc thay đổi về cơ cấu và nhu cầu của thị trường tiêu thụ hàng hóa.

1. Do một thời gian dài ĐBSCL chỉ tập trung vào sản xuất cây lúa nên một khi cơ cấu thị trường thay đổi, chủ trương sản xuất cây lúa cũng cần được nhìn nhận lại một cách hợp lý hơn. Bởi theo phân tích của Bộ NN-PTNT, mặc dù gạo vẫn là mặt hàng lương thực chính nhưng nhu cầu gạo vẫn đang có xu hướng giảm dần, ngay cả nhu cầu tiêu thụ trong nước và trong khu vực.

Kết quả số liệu từ điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam, tại ĐBSCL, khối lượng tiêu thụ bình quân 1 người/tháng về gạo đã giảm từ 10,98 kg trong năm 2008 xuống còn 9,38 kg năm 2014. Còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2016, khối lượng gạo tiêu thụ tại Việt Nam sẽ giảm khoảng 10%, trong khi các sản phẩm chăn nuôi (thịt, sữa), thủy sản, rau quả sẽ tăng gấp đôi so với mức 2009. Chưa kể, trên bình diện thị trường quốc tế, theo OECD/FAO (2015), gạo được dùng chủ yếu làm thức ăn cho người sẽ có mức cầu tăng rất chậm, với tổng mức giao dịch thương mại về gạo toàn cầu chỉ tăng khoảng 1,5% trong toàn bộ giai đoạn 2016-2024.

Gạo cần hướng vào chất lượng.
Gạo cần hướng vào chất lượng.

Chưa kể, về nguồn cung gạo, bên cạnh các quốc gia có truyền thống xuất khẩu gạo như Việt Nam, Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, đã xuất hiện một số đối thủ cạnh tranh mới như Campuchia, Myanmar, làm cho thị trường xuất khẩu gạo hẹp đi và có xu hướng kéo mặt bằng giá gạo đi xuống. Theo như dự báo của WB, giá gạo của Việt Nam sẽ giảm 10%, từ 423 USD/tấn vào năm 2014 xuống còn 380 USD/tấn, vào năm 2025.   

Cơ cấu tiêu dùng một số loại nông sản khác trên thị trường cũng có xu hướng thay đổi rất nhanh, nhất là đối với trái cây và cây lâu năm khác. Theo dự báo của WB được đưa ra vào năm 2016, trong tương lai, lượng cầu trái cây ở Việt Nam sẽ tăng từ 5 triệu tấn vào năm 2009 lên 7 triệu tấn vào năm 2030. Trên thế giới, thị trường trái cây được dự báo tiếp tục rộng mở. Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu nhiều chủng loại trái cây đặc sản nhiệt đới có giá trị cao. Bên cạnh đó, đã xuất hiện sản phẩm của một số cây lâu năm có thị trường tiềm năng như dừa, ca cao…

Một vài thành quả điển hình từ sự liên kết

Thời gian qua, một vài mô hình liên kết sản xuất ở ĐBSCL cũng manh nha hình thành. Chẳng hạn, đối với lúa gạo, Công ty ADC hỗ trợ kinh phí cho Hợp tác xã Mỹ Thành (Tiền Giang) xây dựng mô hình sản xuất để được công nhận lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, sau đó bao tiêu toàn bộ số lúa này với giá cao hơn thị trường tới 20%. Hay Công ty Lương thực Tiền Giang ký hợp đồng bao tiêu hàng trăm ha lúa chất lượng cao và an toàn nhiều năm nay, đảm bảo nông dân có lãi và không lo lúa ứ đọng. Đối với cây ăn trái, đến nay chưa có DN trong nước nào liên kết với nông dân thành công như Metro Cash&Carry. Tập đoàn này tham gia ngay từ đầu, hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trồng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và xoài cát Hòa Lộc tại Nông trường Sông Hậu theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sau khi được cấp chứng chỉ quan trọng này, Metro cũng bao tiêu luôn sản phẩm để phân phối trong hệ thống trên toàn thế giới. Đối với lĩnh vực thủy sản, mối liên kết giữa hai “nhà” DN và nông dân rõ nhất, hiệu quả nhất ở ĐBSCL là cá tra. Hầu hết DN xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL hiện nay đều tự chủ nguồn nguyên liệu bằng cách ký hợp đồng liên kết với nông dân thông qua các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Với cách làm này, các DN không lo thiếu nguyên liệu mà nông dân nuôi cá cũng không phải bỏ quá nhiều vốn đầu tư và không sợ bị thua lỗ.

Ở khía cạnh khác, thủy sản cũng là nhóm ngành được đánh giá sẽ có nhiều triển vọng để phát triển. Theo kết quả tính toán dựa vào nguồn số liệu của FAO và UNDP (2015) cho thấy, nếu khu vực nuôi tôm thế giới không chịu biến động lớn của thi ̣trường, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, đặc biệt là sự tác động của BĐKH, đến năm 2020, lượng cung đạt 3,8 triệu tấn và lượng cầu đạt 4,56 triệu tấn, thiếu hụt khoảng 0,76 triệu tấn; đến năm 2030, lượng cung đạt 4,22 triệu tấn và lượng cầu đạt khoảng 5,25 triệu tấn, lượng tôm thiếu hụt khoảng 1,03 triệu tấn. Trong trường hợp có tác động xấu của BĐKH thì thiếu hụt nguồn cung so với mức tăng trưởng cao của cầu sẽ còn lớn hơn. Đây là mặt hàng có giá trị cao, với nhu cầu thị trường khá lớn, nên rất đáng được ưu tiên trong chiến lược phát triển của ĐBSCL.

Thủy sản vẫn còn là lợi thế của ĐBSCL.
Thủy sản vẫn còn là lợi thế của ĐBSCL.

Trong khi đó, cấu trúc chuỗi giá trị trong sản xuất cũng là vấn đề cần nhìn nhận lại đối với ĐBSCL. Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, trong thời gian tới sẽ có sự dịch chuyển từ sản xuất cấp độ địa phương, quy mô nhỏ, buôn bán trao tay, thâm dụng lao động sang chuỗi cung ứng quốc tế, quy mô lớn, thâm dụng vốn và công nghệ trong mọi công đoạn.

Trong trào lưu đó, ngành bán lẻ của Việt Nam sẽ tiếp tục được hiện đại hóa. Các cửa hàng tiện ích và chuỗi siêu thị sẽ ngày trở nên phổ biến ở Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy, ngành bán lẻ hiện đại sẽ bắt đầu phát triển bằng cách bán hàng chế biến sẵn (đồ hộp, hàng khô, hàng đóng gói) và sau đó sẽ bổ sung thêm các mặt hàng chế biến (sản phẩm sữa, thịt chế biến, đóng gói và hoa quả chế biến) và cuối cùng là rau và quả tươi…

2. Với những thay đổi về thị trường và nhu cầu nông sản trong nước cũng như quốc tế như trên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc tập trung vào sản xuất lúa gạo với phẩm cấp thấp của ĐBSCL như hiện nay sẽ khó duy trì được năng lực cạnh tranh trong tương lai. Vì vậy, ưu tiên của ĐBSCL nên dành cho các ngành hàng thủy sản và trái cây có nhiều tiềm năng thị trường và có giá trị cao hơn.

Bên cạnh đó, phần lớn các thị trường xuất khẩu (châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản và chính ngạch Trung Quốc) đều đòi hỏi các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn. Đối với thị trường trong nước, hệ thống thu mua sẽ hướng tới cơ cấu tổ chức theo liên kết dọc từ trang trại đến tận bàn ăn, với việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Lợi thế từ rau quả

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, trong những năm vừa qua, ngành hàng trái cây của Việt Nam có sự phát triển rất nhanh, bền vững và trở thành nông sản xuất khẩu chủ lực, đứng đầu là các nông sản thuộc lĩnh vực trồng trọt. Chỉ tính riêng 11 tháng của năm 2017, xuất khẩu rau quả, chủ yếu là quả, của Việt Nam đã đạt 3,16 tỷ USD, tăng đến 43% so với cùng kỳ của năm 2016. Theo dự kiến của Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2017, xuất khẩu rau quả có thể đạt xấp xỉ 3,5 tỷ USD. Đây là con số rất ấn tượng. Dựa trên tình hình thực tế và dự báo, trong thời gian tới tiềm năng phát triển trái cây còn rất nhiều “dư địa”, cả về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và kinh nghiệm canh tác của bà con nông dân đã được nâng lên, đặc biệt là thị trường tiêu thụ trong nước và trên thế giới. Nếu nhìn vào giao dịch thương mại trên thế giới, vào năm 2004 tổng giá trị thương mại trái cây của thế giới chỉ vào khoảng 111 tỷ USD, đến năm 2015 đã đạt trên 230 tỷ USD. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam. Ngay cả thị trường trong nước, với gần 100 triệu dân và với xu thế người dân ngày càng sử dụng nhiều rau quả hơn, giảm lượng tinh bột, cũng sẽ là cơ hội tốt để ngành hàng trái cây phát triển.

Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL là phải chuyển đổi toàn bộ hệ thống chính sách, cơ sở hạ tầng, đầu tư, thương mại đang tập trung vào sản xuất lúa gạo sang các giống lúa có chất lượng cao, giá trị cao và hướng tới các sản phẩm nông nghiệp (NN) khác có giá trị cao hơn.

Nhìn ở khía cạnh khác, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ ở ĐBSCL. Dự báo tăng trưởng dân số đô thị ở ĐBSCL sẽ đạt khoảng 30 triệu dân trước năm 2050. Tất nhiên, công nghiệp hóa và đô thị hóa tiếp tục phát triển sẽ cạnh tranh các nguồn lực tự nhiên, đặc biệt là đất và nước vốn đang dành cho sản xuất NN.

Hai quá trình này cũng tạo ra nhiều sức ép với môi trường và sức tải tự nhiên (ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, tăng chất thải rắn và nước thải). Bên cạnh đó, việc phát triển đô thị ở quy mô lớn cũng sẽ tiếp tục làm quá trình lún sụt đồng bằng trầm trọng hơn. Các xu hướng này đòi hỏi việc thực hiện quy hoạch không gian thích hợp, cung cấp nước hiệu quả, đầu tư vào xử lý nước và thực thi nghiêm ngặt quy định môi trường.  

Xuất khẩu trái cây đang có xu hướng tăng tốc.
Xuất khẩu trái cây đang có xu hướng tăng tốc.

Chính từ thực tiễn như thế, ĐBSCL cần phải chuyển mình, nhất là trong sản xuất NN. Theo đánh giá của các nhà khoa học, trên thực tế, khu vực ĐBSCL có khá nhiều mô hình để nông dân có thể cải thiện thu nhập tốt hơn trồng lúa, song vấn đề là lắp các mô hình này vào những vùng đất nào, tạo điều kiện ra sao để nó chạy và mang lại lợi ích thật sự cho nông dân. Vướng mắc lớn nhất cho vấn đề này chính là chưa tháo gỡ được để đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, nghĩa là doanh nghiệp (DN) phải tham gia đầu tư vào NN.

Thực tế cho thấy, cho đến nay, DN đầu tư vào NN chỉ chiếm dưới 1% tổng vốn mà cộng đồng DN đã đầu tư. Điều này có thể xem là một “thất bại” chính sách liên kết DN với NN. Chuyển đổi cơ cấu NN, đặc biệt ở những vùng trồng lúa kém hiệu quả, “nhạy cảm” với BĐKH, xâm nhập mặn… nhất định phải gỡ nút thắt này. Trách nhiệm của Nhà nước là có chính sách thế nào để thúc đẩy và khuyến khích đầu tư của DN vào NN từ 1% tăng lên mức 5%, rồi đạt 10% trong các năm tới.

Theo phân tích của GS-TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, có thực tế là quy hoạch vùng NN ở ĐBSCL thường là duy ý chí thay vì theo nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất đồng bộ theo chuỗi giá trị, do đó bản đồ quy hoạch thường là để trang trí hơn là để sử dụng. Nhược điểm lớn nhất của quy hoạch NN là quy hoạch riêng lẻ từng ngành, không tích hợp lại được đồng bộ, ngành nào cũng làm quy hoạch và cho rằng quy hoạch của mình là quan trọng nhất. Thực tế này sẽ dẫn đến hệ lụy là rất tốn kém, nhưng kết quả cuối cùng vẫn khó hoặc không thực hiện được.

“Hướng sản xuất NN tới đây là chú trọng cây gì, con gì và thị trường sản phẩm đó ở đâu đang hoặc sắp cần?. Không nên chọn cây trồng sử dụng quá nhiều nước ngọt đắt tiền nhưng giá trị thương mại lại rất thấp. Trong quá trình chọn lựa cây, con, cần thiết phải có các nhà DN tham gia từ đầu, vì họ là người sau cùng đầu tư sản xuất nguyên liệu và chế biến thành các mặt hàng cung cấp cho thị trường. Mũi nhọn NN là tùy thị trường đòi hỏi, tùy vùng sinh thái thích nghi (không gian), tùy từng thời điểm kinh tế - xã hội (thời gian), mà quyết định sự chọn lựa cây, con cho sản xuất”- GS-TS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

ANH PHƯƠNG

Còn tiếp

.
.
.