Bài cuối: Cần một tư duy mới
Sau một chặng đường khá dài khai thác điều kiện tự nhiên, các tiềm năng, lợi thế giờ đây các bộ, ngành, các nhà khoa học bắt đầu nhìn nhận một cách toàn diện những “ngổn ngang” của ĐBSCL. Đó cũng là bước đi cần thiết để ĐBSCL phát triển một cách bền vững.
1. Những “ngổn ngang” của ĐBSCL một lần nữa đã được các nhà khoa học đưa ra phân tích, đánh giá tại Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Chính phủ tổ chức tại TP. Cần Thơ gần đây. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đặc biệt lưu ý đến những thách thức của ĐBSCL. Điểm mấu chốt là BĐKH đã và đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây; tác động lớn đến phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng. Những tác động tiêu cực của BĐKH đã trở nên nghiêm trọng hơn bởi yếu tố con người như việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên đất, nước... Chưa kể, nhiều ý kiến cho rằng, tác hại của “nhân tai” còn lớn hơn, đến sớm hơn tác động tiêu cực của BĐKH.
Cần nhìn nhận lại cơ cấu sản xuât nông nghiệp ĐBSCL. |
“Tất nhiên, đây là vấn đề có tính chất liên ngành, vượt qua phạm vi của một ngành và ranh giới hành chính của một địa phương. Còn trên thực tế vừa qua cho thấy, các chương trình dự án, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp đã và đang được thực hiện theo góc nhìn riêng rẽ của từng bộ, ngành, địa phương, còn thiên về ứng phó cục bộ; không dựa trên việc xem xét tổng thể về không gian, thời gian, liên ngành, liên vùng’’- Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Còn nếu nhìn vào khía cạnh quy hoạch ở ĐBSCL cũng cần phải xem xét và đánh giá lại. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay ĐBSCL đã có hơn 2.500 quy hoạch được lập cho vùng. Riêng quy hoạch cấp vùng hiện có tới 22 bản quy hoạch, bao gồm 3 quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội; 5 quy hoạch về xây dựng; 7 quy hoạch về phát triển nông nghiệp (NN), nông thôn; 7 quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực chủ yếu (giao thông, điện lực, thương mại, du lịch, thông tin và truyền thông).
Chú trọng “Hồ sinh thái” GS.TSKH. Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, để phát triển bền vững, cần có quy định các khu đô thị mới dành khoảng 10% quỹ đất để xây dựng hồ sinh thái đa mục tiêu: Lấy đất để san lấp nền (giảm nhu cầu cát khai thác từ sông khoảng 60-80%); chống úng ngập do mưa lớn; cung cấp nước sinh hoạt nhằm hạn chế và không khai thác nước ngầm - nguyên nhân chính gây lún sụt đất; cải tạo vi khí hậu cho các khu đô thị; 50% diện tích mặt hồ có thể bố trí năng lương mặt trời cung cấp được cho khoảng 50% dân số ở khu đô thị. Trước mắt là “Hồ sinh thái”, rồi tiến tới xây dựng các “đô thị và làng sinh thái” là giải pháp đa mục tiêu tạo sự phát triển bền vững ĐBSCL… |
Bên cạnh đó, các quy hoạch cấp vùng cũng được lập theo các phạm vi không gian khác nhau, gồm phạm vi toàn vùng ĐBSCL (13 tỉnh, thành), vùng kinh tế trọng điểm (4 tỉnh, thành) và vùng biển, ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan. “Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch, thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn; không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, thiếu tính khả thi; chất lượng quy hoạch kém gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cản trở việc đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Nếu nhìn nhận một cách toàn diện hơn, ĐBSCL vẫn còn một số lĩnh vực chưa được tập trung đầu tư, khai thác. Chẳng hạn như, với lợi thế hệ thống sông ngòi chằng chịt, đặc biệt sông Hậu có độ sâu tương đối lớn (13-15 m), nhưng thời gian qua chỉ có tàu tải trọng 5.000 tấn ra vào được do sự bồi lấp tại cửa sông. Đây thực sự là một lãng phí lớn đối với vận chuyển hàng hóa của cả vùng.
Bởi theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, hằng năm chỉ tính riêng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của vùng ĐBSCL khoảng 15-16 triệu tấn; trong đó, chỉ gần 30% khối lượng hàng hóa là đi thẳng từ các cảng trong vùng ĐBSCL bằng tàu thuyền nhỏ, còn lại hơn 70% lượng hàng trên phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TP. Hồ Chí Minh hay Vũng Tàu.
Nếu chỉ tính riêng chi phí vận chuyển bằng đường bộ, một tấn hàng xuất khẩu lên TP. Hồ Chí Minh phải “cõng” thêm gần 10 USD. Chính vì yếu tố này đã góp phần làm cho hàng hóa, nông sản của khu vực ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực vì phải cộng chi phí vận chuyển. Yếu tố còn chưa kể đến là mất an toàn giao thông đường bộ, gây ùn tắc cho TP. Hồ Chí Minh, ảnh hưởng môi trường…
Liên kết sản xuất là vấn đề cần thiết đang được đặt ra. |
2. Nhìn vào thực trạng, trước những “ngổn ngang” cốt yếu vẫn là tìm ra giải pháp khắc phục. Là khu vực phụ thuộc nhiều vào sản xuất NN nên tạo sự thay đổi cho ĐBSCL ít nhất cũng bắt đầu từ lĩnh vực này. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) đưa ra quan điểm riêng, là cần đổi mới tư duy, chuyển đổi mô hình sản xuất NN và phát triển bền vững toàn vùng. Vấn đề đang được đặt ra là tại sao chúng ta phải giữ trọng trách nặng nề để đảm bảo an ninh lương thực, trong khi ai cũng biết trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu? Tại sao chúng ta phải trồng những giống lúa chất lượng thấp để rồi đem xuất khẩu với giá rẻ cho người nghèo trong hơn một phần tư thế kỷ qua với vị trí số 2, số 3 thế giới.
“Thực tế, ở vùng ĐBSCL chỉ cần đảm bảo nước ngọt cho khoảng hơn 1 triệu ha chuyên canh lúa năng suất cao, chất lượng cao thừa đủ để người dân sống tốt (hiện đang quy hoạch ở vùng ĐBSCL đất chuyên trồng lúa khoảng 1,7 triệu ha). Còn khoảng hơn 500.000 ha nhiễm mặn có thể trồng lúa mùa đặc sản và tôm một vụ, sẽ có giá trị cao hơn. Việc đảm bảo nước ngọt cho khoảng 1 triệu ha cũng sẽ nhẹ nhàng hơn so với việc cứu thêm 500.000 ha nhiễm mặn”- Tiến sĩ Hoàng Ngọc Phong đưa ra nhận định.
Theo phân tích của các nhà khoa học, ĐBSCL mặc dù là vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng NN hầu hết vẫn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên và rất dễ bị tổn thương trước tình trạng BĐKH. Con số 10/13 tỉnh (2016) bị ảnh hưởng bởi hạn hán và nước mặn xâm lấn, 500.000 lúa bị mất mùa và với khoảng hơn 2 triệu người dân ĐBSCL (khoảng 12% dân số trong vùng) đang thiếu nước sinh hoạt đã chứng minh rằng chúng ta không thể phụ thuộc vào hệ thống nước tự nhiên nữa mà cần có giải pháp tổng thể được nghiên cứu đồng bộ, từ việc xây dựng hệ thống dẫn nước, chủ động có các hồ trữ nước và cả việc thay đổi cơ cấu NN sao cho phù hợp nhất cho từng tiểu vùng.
Tôn trọng quy luật tự nhiên Trên cơ sở thực tế hiện nay và xác định bước đi cho ĐBSCL trong thời gian tới, ngày 17-11 Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Quan điểm chỉ đạo chung của Nghị quyết 120 là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL. Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất NN thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế NN đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ NN ứng dụng công nghệ cao, NN hữu cơ và NN sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế NN. Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do BĐKH… |
Tìm kiếm chiến lược thích ứng (thích nghi) với BĐKH nói chung, tác động từ thượng lưu và từ biển, cùng sự tác động đa chiều của công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa mạng kết cấu hạ tầng đồng bộ… sẽ là những vấn đề cần có nghiên cứu cụ thể và ở tầm nhìn dài hạn. Trước mắt cần nghiên cứu vấn đề trữ lũ tại vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên cho việc sử dụng hợp lý nguồn nước.
Từ những vấn đề nội tại cũng như tác động bên ngoài, vấn đề đặt ra đối với ĐBSCL là thích ứng linh hoạt với các tác động do BĐKH, nước biển dâng, thực hiện phương châm sống chung với hạn mặn. Đây là yêu cầu bức thiết nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư của vùng ĐBSCL. Chưa kể, phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, tái tạo nguồn sinh cảnh tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học cho vùng ĐBSCL.
Hơn bao giờ, về cơ chế, sự liên kết chuỗi, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng là bức thiết. Bởi thực tế cho thấy, các tỉnh trong vùng ĐBSCL đều có điểm chung là hoạch định chiến lược, các chương trình, kế hoạch đầu tư đều theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, giảm nông nghiệp, hướng tới một “cơ cấu đẹp” nên cơ cấu kinh tế tương tự nhau hơn là dựa trên lợi thế chung (hợp tác) và khai thác lợi thế so sánh (đặc thù). Thực tế dễ nhận thấy nhất là tình trạng tỉnh nào cũng có khu, cụm công nghiệp, chợ đầu mối, nhà máy đường hoặc đang có xu hướng “chạy đua” xây dựng khu NN công nghệ cao, trung tâm giống… kết quả dẫn đến là đầu tư trùng lắp, dàn trải, chậm phát huy hiệu quả. Đến nay, tư duy này cần phải được nhìn nhận lại và thay đổi.
Công nghiệp chế biến là xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp. |
Nhìn một cách tổng thể hơn cho hướng đi mới của ĐBSCL, theo GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình khoa học Nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (1983-1990), ĐBSCL đang đối diện với sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Có ý kiến cho là cần phải nghiêm cấm khai thác cát sông nhưng điều cần làm là quản lý tốt hơn nghiêm cấm. Cũng có ý kiến cho là phải có quy hoạch tổng thể chỉnh trị bờ biển, phải có dự án chỉnh trị sông ở những đoạn bị sạt lở… nhưng đều là những dự án cực kỳ tốn kém, tác động sâu sắc đến đồng bằng, mà hiệu quả không chắc chắn bởi không chỉ có nguyên nhân tự nhiên mà còn có nguyên nhân kinh tế - xã hội nên cần phải nghiên cứu thật kỹ, không chia cắt, thiếu phối hợp, nhìn ngắn hạn, phớt lờ quy luật.
Chưa kể, theo quy hoạch chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam, vào năm 2030, ĐBSCL sẽ thành trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước với tổng công suất là 18.270 MW, ước tính sử dụng hàng chục triệu tấn than/năm. Đây cũng là một quyết định cần cân nhắc vì hậu quả tai hại đối với môi trường và sức khỏe người dân; phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường nghiêm túc cho từng nhà máy và báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược cho các nhà máy nhiệt điện than tại ĐBSCL. Chủ trương “Không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế” cũng phải được áp dụng cho ĐBSCL.
Còn theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH đòi hỏi phải xử lý các vấn đề một cách tổng thể dựa trên bản quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, với những quan điểm chủ đạo là tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái và chủ động thích ứng với BĐKH, thay thế cho quan điểm ứng phó, chống chọi, can thiệp sâu vào quy luật tự nhiên, làm hủy hoại môi trường và hệ sinh thái.
Bởi BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất. Bên cạnh đó, ĐBSCL cần xác định NN là ngành kinh tế chủ đạo, làm cơ sở để phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ… “Thay đổi tư duy về sản xuất NN đảm bảo canh tác bền vững, chú trọng giá trị kinh tế thay cho sản lượng; đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cuộc sống người dân”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
ANH PHƯƠNG