Hội nghị toàn quốc công tác tài chính và sản xuất kinh doanh của Đảng
Trong 2 ngày 14-15/12, tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Đảng.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN |
Tham dự hội nghị có hơn 400 đại biểu, gồm đại diện Thường trực, lãnh đạo văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí trực tiếp làm công tác tham mưu quản lý tài chính và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của Đảng.
Hội nghị đã đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ ra những mặt đã đạt được: Các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tài chính Đảng luôn phát huy truyền thống, chấp hành nguyên tắc và pháp luật khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành công việc với chất lượng ngày càng cao, hiệu quả, bảo đảm các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, góp phần tích cực, phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp; từng bước cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất các cơ quan của Đảng, hiện đại hóa điều kiện làm việc; quan tâm chăm lo đời sống và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ theo quy định.
Bên cạnh ưu điểm, thành tích cơ bản nêu trên, Hội nghị đã nghiêm túc đánh giá những hạn chế, tồn tại của công tác này những năm qua. Cụ thể là công tác tham mưu, đề xuất giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về công tác quản lý tài chính, tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của Đảng có lúc, có việc chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Nhiều quy định về tài chính đảng, về định mức, tiêu chuẩn không còn phù hợp với thực tế nhưng chậm tổng kết, đánh giá để kịp thời bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Ở một số nơi, việc quản lý, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất làm việc chưa đúng quy định; cá biệt có cấp ủy chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu; chỉ đạo chưa mạnh mẽ triển khai thực hiện khoán chi.
Đối với hoạt động kinh tế đảng, một số đơn vị, địa phương chậm chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về sắp xếp doanh nghiệp. Một số đảng bộ cấp huyện còn lúng túng trong việc sử dụng nguồn thu từ đảng phí, để tồn đọng nhiều, chưa quan tâm, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát.
Hội nghị đã bàn và thống nhất về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2021. Để bảo đảm phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng trong thời gian tới, tập trung triển khai quyết liệt, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, công tác tài chính đảng cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ cơ bản như sau.
Cơ quan tài chính Đảng cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, lập dự toán, chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng kịp thời, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ của mỗi cấp ủy.
Quá trình thực hiện phải tuân theo các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của nhà nước về quản lý ngân sách; chịu sự kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan chức năng của Nhà nước và của Đảng.
Cơ quan tài chính đảng các cấp phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác tài chính đảng đối với các đơn vị trực thuộc và cơ quan tài chính đảng cấp dưới, việc chi phí phục vụ cho các hoạt động của Đảng phải chuẩn mực, phù hợp, làm gương cho các đơn vị khác học tập, noi theo.
Ông Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN |
Văn phòng Trung ương Đảng chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành thông tư mới về cơ chế quản lý tài chính đảng; kịp thời hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách mới của Nhà nước; các cấp ủy cần chỉ đạo nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; sớm hướng dẫn việc xác lập quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản trên đất của Đảng từ Trung ương đến địa phương.
Đối với các doanh nghiệp của Đảng, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đúng quy định pháp luật, cần tổ chức tái cơ cấu lại để có hiệu quả, góp phần bổ sung ngân sách đảng.
Văn phòng Trung ương Đảng và các cấp ủy nghiên cứu, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động kinh tế đảng nhằm tạo nguồn thu bổ sung cho ngân sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu chi đặc biệt, chi đột xuất, phục vụ nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy và có tích lũy cho đầu tư phát triển. Tăng cường công tác hướng dẫn hoạt động kinh tế đảng, đưa hoạt động kinh tế đảng thống nhất từ Trung ương đến các tỉnh ủy, thành ủy.
Các cấp ủy chỉ đạo cơ quan chuyên môn quan tâm đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng, cập nhật chế độ, chính sách mới của Đảng, Nhà nước cho cán bộ làm công tác tài chính, quản lý tài sản. Tăng cường giáo dục, rèn luyện để mỗi cán bộ tài chính của Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tận tuỵ với công việc, không vụ lợi, cơ hội, thực dụng; có tư duy đổi mới, sáng tạo, lề lối, phong cách, phương pháp làm việc khoa học, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng trong tình hình mới.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-toan-quoc-cong-tac-tai-chinh-va-san-xuat-kinh-doanh-cua-dang/479908.vnp)