Liên kết phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ III năm 2017, chiều 1-12, tại huyện Cái Bè đã diễn ra Hội thảo Liên kết phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười và TP. Hồ Chí Minh. Tham dự hội thảo, có ông Nguyễn Kiều Linh, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo 3 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An; các trường đào tạo các ngành nghề về du lịch tại TP. Hồ Chí Minh và đông đảo các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh.
Các đồng chí chủ trì hội thảo. |
Tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm 3 tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp và Long An, có diện tích khoảng 700 ngàn ha. Trong đó, 36% diện tích thuộc tỉnh Đồng Tháp, 45% thuộc tỉnh Long An và 19% thuộc tỉnh Tiền Giang. Tiểu vùng nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với sản phẩm khai thác du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng.
Nhận thức được liên kết phát triển là tất yếu, khách quan trong điều kiện hội nhập và cũng nhằm sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn. Song song đó, việc liên kết cũng hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương; đồng thời phát huy thế mạnh và hỗ trợ giữa các địa phương trong mối liên kết với TP. Hồ Chí Minh.
Do đó, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động liên kết thúc đẩy phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười với TP. Hồ Chí Minh, hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề chính sau: Liên kết để chia sẻ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học kỹ thuật, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong phát triển du lịch mà nhất là khởi nghiệp trên lĩnh vực du lịch. Liên kết khai thác tài nguyên du lịch hợp lý, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; trong kết nối tour, tuyến du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với 3 tỉnh thuộc tiểu vùng.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Hình thành liên kết chiến lược thu hút khách nội địa và quốc tế; liên kết trong đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án phát triển du lịch. Đây là nội dung TP. Hồ Chí Minh có vai trò chủ đạo.
Liên kết trong xúc tiến, quảng bá du lịch, khai thác các thị trường trong và ngoài nước; liên kết trong đào tạo, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ các tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, chia sẻ nhân lực chất lượng cao trong hoạt động du lịch.
Tại hội thảo các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học cùng các đại biểu còn tích cực tham gia thảo luận và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động liên kết phát triển du lịch của tiểu vùng; đồng thời đi đến thống nhất kế hoạch hành động. Xem đây là trách nhiệm cá nhân, đơn vị mình tham gia vào sự nghiệp phát triển du lịch của tiểu vùng nói chung và của tỉnh, thành phố nói riêng.
Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn phát biểu tại hội thảo. |
Trong năm 2016, 3 tỉnh trong tiều vùng Đồng Tháp Mười đã đón được 5,1 triệu khách du lịch (chiếm 19,76% tổng lượt khách đến vùng ĐBSCL), trong đó có 730 ngàn khách quốc tế (chiếm 35% lượt khách quốc tế đến vùng ĐBSCL).
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, đã định hướng khu du lịch cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) và khu Tràm Chim - Láng Sen (Long An và Đồng Tháp) là 2/5 khu du lịch Quốc gia của vùng ĐBSCL. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch tiểu vùng trong mối liên kết phát triển du lịch cả vùng ĐBSCL.
HỮU NGHỊ