Thứ Tư, 13/12/2017, 16:03 (GMT+7)
.

Quyết tâm "lên tàu" 4.0?

 Đó là khuyến cáo của PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi đề cập về cách mạng công nghiệp (CN) 4.0 đã, đang diễn ra và tác động trực tiếp vào sự phát triển của Việt Nam, tại buổi báo cáo chuyên đề cách mạng CN 4.0 - tác động, cơ hội, thách thức và các vấn đề đặt ra do UBND tỉnh tổ chức gần đây.

Nhiều công cụ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Nhiều công cụ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, hiện nay có nhiều nhận định khác nhau về cách mạng CN 4.0 nhưng có thể thống nhất lại rằng, CN 4.0 là sự tích hợp cao độ của hệ thống siêu kết nối số - vật lý với sự đột phá của IoT (Internet of things - Kết nối vạn vật) và AI (Artificial intelligence - Trí tuệ nhân tạo). Những công nghệ nền tảng như IoT, AI, in 3D… với nền tảng là công nghệ thông tin đang làm thay đổi sản xuất thế giới. Theo đó, CN 4.0 sẽ mở ra cơ hội cho từng cá nhân, tổ chức và từng dân tộc. Quốc gia nào tận dụng được, phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm sẽ vượt lên, nếu không sẽ bị tụt hậu.

Cần hành động thực tiễn

PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam là một dân tộc thông minh, nhạy bén với thời đại nhất là thông qua một số dấu mốc như: “Cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt” vào năm 1976, “Phát triển kinh tế tri thức” năm 1996 hay “Cách mạng CN 4.0” được đề cập gần đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chúng ta thông minh, nhận thức ra vấn đề nhưng không hành động nên Việt Nam bị lỡ nhịp, tụt hậu phát triển và đang tụt hậu ngày càng xa hơn. Những điều đó vẫn còn là nguy cơ lớn nhất. "Liệu lần này Việt Nam có lỡ nhịp CN 4.0? Khả năng Việt Nam vẫn “không tham gia” cách mạng CN 4.0 là rất lớn do nói nhiều nhưng ít có hành động cụ thể. Chúng ta đang rất cần những hành động thực tiễn”- PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

 

Tất nhiên, CN 4.0 cũng mang tính vô tận của cơ hội và cả thách thức. Theo nghiên cứu và phân tích của các chuyên gia, CN 4.0 sẽ mang lại năng lực mới, nhu cầu mới, gắn với năng lực sáng tạo vô tận của trí não - không phải năng lực cơ bắp hữu hạn của con người, từ đó mở ra không gian phát triển vô tận. CN 4.0 làm thay đổi một cách căn bản cách con người sống, làm việc và quan hệ với nhau. Đó là một hệ phát triển với logic mới, khác biệt. Thế nhưng, năng lực cá thể là hữu hạn đang phải đối mặt với những cơ hội vô tận nên tạo ra những thách thức chưa từng thấy. “Cách mạng CN 4.0 sẽ có tác động to lớn về kinh tế - xã hội và môi trường, ở tất cả các cấp độ từ toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động của cách mạng CN 4.0 rất tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh ngắn hạn đến trung hạn. Chính vì thế chúng ta cần có nhận thức đúng, hành động đúng, đừng để lỡ nhịp cách mạng CN 4.0”- PGS.TS. Trần Đình Thiên khuyến cáo.

Nếu nhìn ở phạm vi hẹp, đối với doanh nghiệp (DN), PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, CN 4.0 sẽ mang lại nhiều lợi ích trực tiếp. Chẳng hạn như: Giảm chi phí giao dịch và quản lý; tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác; tăng cơ hội kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số...; tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái kinh tế điện tử kết hợp tài chính, y tế, bảo hiểm, du lịch, giáo dục hay ứng dụng các công nghệ hiện đại để hỗ trợ phát triển và cung cấp sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao hơn, cải tiến quy trình, tăng năng suất lao động; đồng thời mở ra cơ hội mới, đột phá, ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn… Tuy nhiên, CN 4.0 cũng đem lại không ít thách thức đối với DN: Thay đổi mô hình kinh doanh, tổ chức, mô thức quản trị, văn hóa kinh doanh và loại hình DN; đòi hỏi thay đổi và đầu tư lớn cho công nghệ thông tin hay cạnh tranh ngày càng tinh vi và khốc liệt hơn.

4 lần cách mạng CN

Cuộc cách mạng CN lần thứ 1 (từ năm 1780): Động cơ đốt trong, xảy ra khi loài người phát minh ra động cơ hơi nước. Cách mạng CN lần thứ 2 (từ năm 1870) khi loài người phát minh ra động cơ điện. Cách mạng CN lần thứ 3 (từ năm 1969) bắt đầu tin học hóa và tự động hóa.

Cuộc cách mạng CN lần thứ 4 diễn ra từ năm 2000: Cuộc cách mạng kỹ thuật số, nhưng đến năm 2013 thì “CN 4.0” (Industry 4.0) bắt đầu được biết ở Đức. Hiện tại, nó đã lan rộng sang các nước phát triển và trở thành một phần quan trọng của cách mạng CN lần thứ 4. Cách mạng CN 4.0 không chỉ là một khái niệm, mà nó đã và đang diễn ra, cũng như có sức ảnh hưởng ngày càng lớn đến cuộc sống của con người. Cách mạng CN 4.0 sẽ thay đổi hoàn toàn cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp, thậm chí là thay đổi cả hệ giá trị của con người.

Còn nhìn trên bình diện tổng thể, CN 4.0 được dự báo sẽ tác động lớn đến phát triển của Việt Nam. Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nếu như trước cách mạng CN 4.0 Việt Nam có lợi thế địa kinh tế và nguồn lao động trẻ, dồi dào nên có sự dịch chuyển trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam; Việt Nam cũng có thể tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu lắp ráp, trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi cách mạng CN 4.0 diễn ra sẽ làm thay đổi, làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ cũng như lợi thế địa kinh tế khi đưa CN chế tạo quay lại các nước phát triển để gần thị trường tiêu thụ và các trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Trước những gì đang diễn ra và những dự báo cho chặng đường tiếp theo, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng cần có cách tiếp cận mới về cách mạng CN 4.0. Trước tiên là phải tập trung giải tỏa các vấn đề căn bản nhưng phải thay đổi cách làm, căn cứ vào các cam kết quốc tế để thích ứng và hội nhập một cách cao nhất. “Tất nhiên, đổi mới nhưng theo logic “thay cũ” là không ổn và phải chấp nhận trả giá trong quá trình chuyển đổi. Đối mặt với cách mạng CN 4.0 không thể thực hiện theo kiểu “be bờ” chống lũ lụt. Chúng ta phải có quyết tâm “lên tàu 4.0” để sớm tạo ra lợi thế cạnh tranh và tạo vị thế mới”- PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH

.
.
.