Thứ Sáu, 29/12/2017, 22:19 (GMT+7)
.

Thương lái mua sầu riêng "bẻ kèo"

Gần 1 tháng qua, người trồng sầu riêng trên địa bàn các huyện Cai Lậy, Cái Bè và TX. Cai Lậy bức xúc việc thương lái đặt tiền cọc mua sầu riêng với giá cao, nhưng khi đến thời điểm thu hoạch, giá giảm sâu thì kì kèo không chịu thu hoạch, kéo dài thời gian… Họ yêu cầu chủ vườn phải giảm giá hoặc chỉ thu hoạch đủ số tiền đã đặt cọc. Vấn đề này, nông dân rất bức xúc nhưng không thể làm gì khi thương lái luôn là người “nắm cán”.

Thương lái luôn “nắm cán” trong thu mua sầu riêng của người dân.
Thương lái luôn “nắm cán” trong thu mua sầu riêng của người dân.

Ông Nguyễn Văn Sáu, ấp 6, xã Long Trung, huyện Cai Lậy vừa thu hoạch 0,5 ha sầu riêng Ri6, cho biết trước khi vào vụ thu hoạch, thương lái đến đặt cọc 50 triệu đồng mua sầu riêng với giá 75.000 đồng/kg (mua loại 1 và 2). Tuy nhiên, gần đến ngày thu hoạch, ông liên hệ thương lái trên thì họ nói giá sầu riêng giảm quá mạnh, đầu ra không có nên yêu cầu ông giảm giá bán bằng với giá thị trường là 60.000 đồng/kg đối với trái loại 1 và 45.000 đồng/kg đối với trái loại 2. Ông Sáu không đồng ý và yêu cầu thương lái phải thực hiện đúng như hợp đồng đã ký. Sau đó, thương lái không nói gì mà kéo dài thời gian, trong khi sầu riêng đã quá ngày thu hoạch, cây bắt đầu xuống sức. Họ tiếp tục yêu cầu gia đình phải giảm giá, nếu không họ chỉ thu hoạch đủ số tiền đã đặt cọc, số lượng còn lại gia đình tìm thương lái khác bán. Mặc dù rất bức xúc nhưng ông đành phải bán cho họ với giá 60.000 đồng/kg.

Vụ mùa này, gia đình ông Sáu thu hoạch tổng cộng được 7,5 tấn trái sầu riêng. Việc giảm giá bán cho thương lái 15.000 đồng/kg, gia đình ông đã mất trên 100 triệu đồng. “Thương lái nói sầu riêng giảm giá thì nghe thế chứ nông dân có biết gì đâu. Nếu nông dân phá vỡ hợp đồng thì cũng không thể bán được cho thương lái khác, vì các thương lái đã móc nối với nhau. Còn nếu nông dân yêu cầu họ thực hiện theo hợp đồng thì họ kéo dài thời gian thu hoạch, khiến cây bị mất sức, trái thối…”- ông Sáu tâm tư.

Gần đó, gia đình ông Lê Văn Hải có 0,2 ha sầu riêng Ri6 cũng bị thương lái làm “khó” khi giá sầu riêng giảm. Dẫn chúng tôi đi 1 vòng khu vườn, ông Hải bức xúc: “Xử lý sầu riêng vụ nghịch, cây mất sức rất nhiều. Vậy mà đến ngày thu hoạch, thương lái lại kì kèo không chịu thu hoạch, cây phải nuôi trái thêm một thời gian nữa nên bị vắt kiệt sức. Hợp đồng là vậy nhưng khi xảy ra sự cố, nông dân vẫn chịu thiệt”.
Ông Thái Văn Lân, ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy trồng 1,3 ha sầu riêng Ri6, Monthong được gần 10 năm tuổi, bày tỏ: “Giờ đây tôi không còn mặn mà với việc định giá sầu riêng trước qua hợp đồng mua bán với thương lái. Bởi hợp đồng trước cũng chẳng có lợi gì, đôi khi còn bất lợi cho nhà vườn khi giá tăng cao”.

Trao đổi với chúng tôi, một thương lái thu mua sầu riêng trên địa bàn xã Long Trung, huyện Cai Lậy cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương lái không thực hiện đúng hợp đồng mua sầu riêng với nông dân là do giá sầu riêng giảm mạnh, đầu ra hạn hẹp. Đầu vụ, giá sầu riêng rất cao, có lúc trên 80.000 đồng/kg, một số doanh nghiệp tranh thủ thu gom sầu riêng ngay cả khi chưa đến thời điểm thu hoạch, nên chất lượng giảm dẫn đến giá giảm theo. Hơn nữa, thời điểm này, ở Thái Lan cũng như một số nước trồng sầu riêng đang vào mùa thu hoạch nên trái cây này bị dội chợ”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy Trần Thị Nguyên cho biết, nông dân và thương lái tự làm hợp đồng, tự giao dịch với nhau nên ngành rất khó can thiệp. Nếu nông dân tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác và có ký hợp đồng với thương lái, doanh nghiệp thu mua, khi xảy ra trường hợp “bẻ kèo” thì chính quyền vào cuộc, đòi quyền lợi cho dân. 

Giá nông sản tăng, giảm là chuyện bình thường trong cơ chế thị trường. Giá tăng cao, thương lái yêu cầu nhà vườn phải bán bằng với giá hợp đồng. Khi giá giảm, thương lái yêu cầu nhà vườn phải bán bằng với giá thị trường. Điều này đã tồn tại rất lâu và hầu như thương lái luôn là người “nắm cán”.

SĨ NGUYÊN

.
.
.