Thứ Ba, 05/12/2017, 06:21 (GMT+7)
.

Tiềm năng hợp tác giữa Ấn Độ và ĐBSCL còn rất lớn

Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do UBND tỉnh phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đồng tổ chức vào ngày 29-11.

Nhiều nhà đầu tư muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Nhiều nhà đầu tư muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Theo đánh giá của các chuyên gia, vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm của quyền lực toàn cầu trong thế kỷ XXI, là nơi tập trung những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ấn Độ không phải là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, nhưng với vị trí địa lý cận kề, quy mô dân số trên 1,2 tỷ người (năm 2014), diện tích 3,3 triệu km2 nên tầm ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa, quốc phòng - an ninh đối với khu vực rất lớn. 

Việt Nam - Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp lâu đời và năm 2007, hai nước đã nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhiều lần khẳng định Việt Nam là một trong những trụ cột trong Chính sách Hướng Đông của mình và các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng coi Ấn Độ là đối tác đặc biệt quan trọng có cùng chia sẻ nhận thức chung về các vấn đề lớn trên trường quốc tế. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện đang phát triển sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội đến quốc phòng - an ninh. Với Ấn Độ, Việt Nam là cầu nối với Đông Nam Á; còn với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác tin cậy hàng đầu có thể giúp Việt Nam phát triển nội lực và củng cố môi trường an ninh. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong tương lai vẫn còn rất lớn, bởi Việt Nam và Ấn Độ ngày càng nhận thức rõ rằng, hai nước có rất nhiều lợi ích chiến lược chung trong phát triển kinh tế - thương mại và duy trì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương ổn định, hòa bình, phát triển.

Đánh giá về tầm quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và các tỉnh, thành ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, hội thảo lần này sẽ là diễn đàn kết nối các cơ quan, doanh nghiệp (DN) Ấn Độ với các cơ quan, DN của các tỉnh, thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh trong nhiều lĩnh vực, nhưng đậm nét nhất là nông nghiệp và thủy sản. Diễn đàn này cũng sẽ tạo điều kiện giúp các DN Ấn Độ tìm hiểu rõ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (mạng lưới giao thông, điện, nước, cảng biển, viễn thông…), chế độ, chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đồng thời, các cơ quan, DN trong nước thông qua diễn đàn sẽ tìm hiểu về chính sách thuế quan, hàng rào kỹ thuật, điều kiện ưu đãi đầu tư, dịch vụ logistics, các đối tác xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ…

Là đơn vị có thời gian làm ăn ở thị trường Ấn Độ và nhận diện được các tiềm năng trong tương lai, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng, Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn, thị trường đang phát triển rất nhanh. Từ năm 2015, công ty đã tiếp cận và xuất khẩu (XK) vào thị trường Ấn Độ, với dòng sản phẩm chính là Pagasius fillet đông lạnh và Pagasius fillet tẩm bột chiên, được thị trường Ấn Độ nhiệt tình chấp nhận. Với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm, công ty dự kiến doanh thu năm 2017 vào thị trường Ấn Độ đạt khoảng 15 triệu USD và sẽ tiếp tục tăng ở các năm sau. “Trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh dài hạn, công ty xác định Ấn Độ là thị trường rất tiềm năng và có vị trí quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam cũng như khu vực và quốc tế. Công ty sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm và giữ vững về mặt chất lượng; cũng như phát huy những giá trị cốt lõi của công ty để đáp ứng ngày càng tốt hơn thị hiếu, yêu cầu của thị trường Ấn Độ” - ông Đạo nhận định.

Cũng nhìn về những giá trị tiềm năng ở thị trường Ấn Độ, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường cho rằng, trong thời gian qua các sản phẩm thanh long của công ty đã có vị trí tương xứng trên thị trường thế giới mang thương hiệu Cát Tường, với trang trại đạt tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP. Trong quá trình phát triển, công ty đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm, phát triển công nghệ để đủ điều kiện XK vào các thị trường có yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật, như công nghệ xử lý nhiệt hơi nước nóng cho các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Úc… và đã xây dựng nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn XK vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, công ty cũng nhìn nhận được những cơ hội to lớn trong việc phát triển các sản phẩm rau, quả an toàn, hữu cơ nhằm cung cấp các sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. “Công ty muốn hợp tác với các DN nhập khẩu Ấn Độ để giới thiệu sản phẩm rau, quả đặc sắc của Tiền Giang. Mặt khác, công ty cũng mong muốn tiếp xúc với các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực trồng trọt và chế biến nông sản của Ấn Độ”- ông Sang cho biết.

Nhân sự kiện này, các DN của Ấn Độ cũng mong muốn tìm hiểu môi trường, các dự án kêu gọi đầu tư, đặc biệt tìm kiếm đối tác trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Ông D K Singh, Chủ tịch Cơ quan phát triển XK nông sản và thực phẩm Ấn Độ cho rằng, Việt Nam nói chung, các tỉnh, thành ĐBSCL nói riêng có rất nhiều tiềm năng, nhất là các sản phẩm trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, thời gian qua liên kết hợp tác giữa các DN của Việt Nam và Ấn Độ dường như chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế. “Đó là những điều mà chúng tôi mong muốn cải thiện trong thời gian tới”- ông D K Singh nhấn mạnh.
Đánh giá về những cơ hội và tiềm năng có thể hợp tác giữa Ấn Độ và các tỉnh, thành ĐBSCL, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, trước những tiềm năng và lợi thế hiện hữu, các tỉnh, thành ĐBSCL và Ấn Độ trong thời gian tới có thể hợp tác trên một số lĩnh vực trọng điểm như: Giống cây ăn quả, ngành hàng lúa - gạo nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; chế biến XK, nhất là thủy sản; ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; giao lưu giữa nông dân Việt Nam và Ấn Độ; đào tạo và giao lưu văn hóa.

PHƯƠNG ANH

.
.
.