"Vị ngọt" của ốc đắng
Có câu “Đã là người miền Tây không ai mà không biết ốc đắng”, bởi ốc đắng gắn liền với người dân vùng sông nước từ bao đời nay. Thế nhưng, những năm gần đây ốc đắng trở nên khan hiếm, con nhỏ, thịt không còn béo, ngon như lúc trước nữa. Khoảng nửa tháng nay, người dân ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè xôn xao vì ốc đắng xuất hiện trở lại, dày đặc trên các con kinh. Nhiều người kéo nhau đi bắt ốc đắng với thu nhập cao bất ngờ.
Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Bé Hai bắt được 50 kg ốc đắng. |
ĐỦ KIỂU BẮT ỐC ĐẮNG
Khi mùa nước nổi vừa xuống, những sản vật được thiên nhiên ban tặng như: Cá chốt, cá rô và các loại ốc... cũng vơi đi dần. Thế nhưng, thật bất ngờ, khoảng nửa tháng nay ở vùng đất xã Mỹ Trung lại xuất hiện những con ốc đắng to, tròn. Nhiều người vui mừng vì ốc đắng gần gũi với người dân từ bao đời nay đã trở lại. Ốc đắng có mình tròn, to cỡ đầu ngón trỏ (cũng có khi lớn hơn), màu nâu thẫm, đuôi nhọn, trôn ốc xoắn nhặt (tương tự như ốc gạo). Tuy không to, nhiều thịt như ốc bươu, ốc lác, nhưng khi nhắc đến ẩm thực miệt đồng quê thì người ta lại nghĩ ngay về loài ốc đắng.
Ốc đắng khi bắt lên được ngâm trong nước lạnh cùng vài trái ớt sừng đập giập cho ốc nhả hết bùn, thức ăn ra nhanh. Ngoài món ốc luộc với sả hoặc lá ổi, lá chanh dùng với nước mắm chanh sả ớt (hay cơm mẻ sả ớt), thịt ốc đắng có thể chế biến ra nhiều món ngon khác như: Gỏi ốc đắng trộn bắp chuối, chả ốc đắng, ốc đắng chiên trứng, ốc đắng kho sả ớt, ốc đắng kho dừa. |
Không ai biết rõ vì sao năm nay ốc đắng lại xuất hiện nhiều như thế. Có người lý giải, vì thức ăn ở các ao nuôi ếch đổ ra ngoài kinh nên ốc phát triển mạnh. Cũng có người cho rằng, đó là sự hào sảng mà thiên nhiên ban tặng cho người dân cơ cực nơi đây.
Ốc đắng thường trú ở những bụi rậm nằm ven các con kinh. Vì vậy, khi con nước vừa xuống, chị Nguyễn Thị Bé Hai bơi xuồng dọc theo các con kinh, dỡ từng bụi cây. Ốc đắng bám dày đặc các bụi cây, chị chỉ cần giũ mạnh cho ốc rơi xuống xuồng rồi đi tiếp đến những bụi cây khác. Bắt ốc theo cách này nhanh, đơn giản mà vẫn có thể bắt được nhiều ốc. Nhiều ngày qua, ốc đắng nhiều đến mức bám dày đặc các bụi cây dọc theo các con kinh ở xã Mỹ Trung, khi bắt xong khoảng 2 - 3 giờ quay lại ốc đắng đã bám vào dày đặc trở lại. Ông Trương Quốc Mừng vừa lội sông kéo theo cái thau đựng ốc buộc vào lưng vừa nói: “Ốc nhiều đến mức bắt hoài không hết, cứ lội xuống kinh nhìn thấy ốc là mê liền”. Theo ông Mừng, lội kinh, sông bắt ốc tuy vất vả nhưng có thể vào sát các bờ để bắt, còn khi bơi xuồng chỉ bắt được ở mé ngoài.
Để thuận tiện bắt ốc, người ta thường “đặt ốc” bằng cách dùng bao đựng lúa hay bao thức ăn chăn nuôi, tàu dừa, tàu lá chuối đặt xuống các mé kinh, rồi dùng sợi dây buộc vào gốc cây để cố định vị trí. Qua một đêm, ốc sẽ bám vào đó, người dân chỉ cần dỡ lên bắt thôi.
THU NHẬP “NGỌT”
Mỗi ngày, một người bắt ốc đắng từ lúc nước ròng đến nước lớn có thể thu được trên dưới 50 kg. Với giá ốc đắng hiện nay khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg, người bắt ốc có thể thu nhập được vài trăm ngàn đồng. Chị Bé Hai cho biết, ốc đắng sau khi bắt sẽ được lựa ra. Những con ốc lớn được chị mang ra chợ Cái Bè (huyện Cái Bè) hoặc chợ Tân Phong (huyện Cai Lậy) bán, mỗi ngày thu nhập được khoảng 500.000 ngàn đồng. Còn những con ốc nhỏ chị để lại dùng làm thức ăn cho các vật nuôi. Chị cho biết: “Ở đây, người ta kéo nhau đi bắt ốc đắng nhiều lắm, người thì bắt ốc đắng để bán, có người bắt để ăn. Ốc đắng có thể làm được nhiều món ăn ngon được nhiều người ưa thích”.
Ông Trương Quốc Mừng vừa bưng thau ốc về nói: “Tôi mới xuống bắt khoảng 1 giờ đã được gần 15 kg. Lâu lắm rồi chưa ăn ốc đắng, nhớ hương vị của loại ốc này nên xuống bắt cho gia đình ăn”.
QUỐC TUẤN