Thêm động lực khôi phục vùng trái cây đặc sản
Dự kiến ngày 26-12, lô hàng vú sữa đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Sự kiện này không chỉ tạo một bước ngoặt đối với trái cây Tiền Giang mà còn mở ra cơ hội, thêm động lực cho việc khôi phục vùng cây vú sữa nổi tiếng lâu nay của huyện Châu Thành.
Một cơ sở thu mua trái cây ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành chọn vú sữa Lò Rèn loại I để xuất đi các tỉnh. |
TẤT BẬT CHUẨN BỊ
Trở lại vùng trồng vú sữa được chọn xuất khẩu trái sang thị trường Hoa Kỳ, công tác chuẩn bị tất bật hơn bao giờ hết. Người thuê nhân công bao trái, người thu dọn vườn tượt, người chỉnh sửa lại từng túi bao trái… Đang loay hoay kiểm tra sâu bệnh trong vườn vú sữa 0,4 ha của mình, ông Huỳnh Văn Thọ, ấp Nam, xã Long Hưng (huyện Châu Thành) tâm sự: “Dự kiến 10 ngày nữa, vườn vú sữa Lò Rèn của gia đình sẽ cho thu hoạch rộ. Để trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chúng tôi phải áp dụng nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất, đặc biệt là hạn chế phun các loại thuốc mà phía Hoa Kỳ đã cảnh báo; phải bao trái, cách ly thuốc bảo vệ thực vật rất lâu mới tiến hành thu hoạch”.
Ông Huỳnh Văn Thọ trồng vú sữa Lò Rèn được 6 năm tuổi và đang thời kỳ cho sai trái. “Trước đây, mình canh tác theo kiểu truyền thống, không bao trái nên chi phí rất ít. Giờ đây, để có trái vú sữa ngon, đẹp, chất lượng và đạt tiêu chuẩn xuất đi Hoa Kỳ thì công chăm sóc phải gấp nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, trái vú sữa của mình được đi Hoa Kỳ và giá cả hấp dẫn thì cũng không đáng lo ngại” - ông Thọ tâm sự.
Để đánh dấu sự kiện quan trọng và cổ vũ, thúc đẩy việc mở rộng thị trường xuất khẩu trái vú sữa nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung, Lễ công bố lô hàng vú sữa Việt Nam đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ dự kiến vào ngày 26-12 sẽ được tổ chức trang trọng, với khoảng 150 đại biểu tham gia, bao gồm: Đại diện Bộ NN&PTNT, Cục Chế biến và Phát triển nông sản, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, các tỉnh bạn, nông dân trồng vú sữa tiêu biểu, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, báo chí Trung ương và địa phương. |
Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường là doanh nghiệp được chọn để xuất khẩu lô hàng vú sữa đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Ngành chức năng cũng chọn địa điểm của doanh nghiệp để tổ chức Lễ công bố. Lúc này, công tác chuẩn bị của công ty cũng gấp rút hơn bao giờ hết. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc công ty cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ gần như đã hoàn tất. Vùng trồng, nơi đóng gói, khu chiếu xạ đều đã sẵn sàng. Cán bộ kỹ thuật của công ty thường xuyên có mặt tại vùng trồng được chọn để theo dõi, hướng dẫn nông dân bao trái, chăm sóc, kiểm tra mẫu… Riêng khâu chuẩn bị Lễ công bố, công ty đã lên kế hoạch khá chu đáo và chỉ chờ thời gian diễn ra.
Sau khi Hoa Kỳ cho phép trái vú sữa Việt Nam được nhập khẩu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tích cực xác định vùng trồng, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn bao trái và lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Võ Văn Men cho biết, tổng diện tích trồng vú sữa được chọn để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là 56,34 ha, với 177 hộ gồm: Xã Hữu Đạo, Bàn Long, Phú Phong, Long Hưng (huyện Châu Thành) và xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy). Trong đó, Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đã ký kết hợp đồng tiêu thụ trái vú sữa với đại diện tổ hợp tác (THT), HTX các xã Mỹ Long (13,58 ha), xã Hữu Đạo (10,1 ha) và xã Long Hưng (10,96 ha). Ngày 12-12 vừa qua, Chi cục đã tiến hành lấy mẫu vú sữa để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Công ty TNHH Đại Lâm Mộc đã ký hợp đồng tiêu thụ trái vú sữa với THT xã Bàn Long (10,7 ha). HTX Mỹ Tịnh An đã đến xã Phú Phong (huyện Châu Thành) xác định vùng trồng và đã làm thủ tục gửi Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II cấp mã số 11 ha, với 43 hộ.
KHẨN TRƯƠNG KHÔI PHỤC VƯỜN
Khôi phục lại vườn vú sữa, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng để xuất khẩu một cách bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, ngành chức năng đang hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật cần thiết để chặn đứng dịch bệnh và tạo điều kiện cho vườn cây phục hồi trở lại.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Võ Văn Men cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thực hiện 109 cuộc tập huấn tuyên truyền quy trình tạm thời về quản lý bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa; các biện pháp kỹ thuật sản xuất, bao trái và các điều kiện để trái vú sữa được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Xây dựng mô hình thử nghiệm 3 ha, với 9 hộ tham gia ở các xã: Vĩnh Kim, Hữu Đạo và Long Hưng (huyện Châu Thành); trong đó, cải tạo để phục hồi (2 ha); hiện đã cưa cành trẻ hóa 5 cây/vườn, các vườn còn lại đang giai đoạn cho trái, chờ thu hoạch xong sẽ tiến hành cưa cành, trẻ hóa. Đã lấy mẫu đất, rễ tại vườn trẻ hóa và các vườn trồng mới gửi phân tích tuyến trùng và hàm lượng vi sinh. Trồng mới (1 ha); hiện đang hướng dẫn nông dân tạo tán, tỉa cành.
Trong thời gian tới, Viện Cây ăn quả miền Nam sẽ nghiên cứu các kỹ thuật xử lý ra hoa thích hợp, kỹ thuật nhân giống, biện pháp thâm canh tiên tiến… giúp cây vú sữa khỏe, cho năng suất và sản lượng cao. Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: “Việc xác định một cách đầy đủ những tồn tại trong quá trình canh tác của nông dân, cần có khảo sát đúng mức của ngành chức năng về nguyên nhân gây bệnh cũng như suy thoái vườn vú sữa để có biện pháp khắc phục một cách phù hợp. Đặc biệt, hướng dẫn nông dân theo dõi, kiểm tra thường xuyên vườn cây để phát hiện sớm bệnh thối rễ trên cây vú sữa và áp dụng quy trình kỹ thuật xử lý được khuyến cáo… thì hiệu quả mang lại sẽ tốt hơn”.
Để khôi phục và phát triển bền vững cây vú sữa Lò Rèn, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Hóa cho rằng: “Ngành Nông nghiệp đang chú trọng đầu tư cải tạo và hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, kết hợp tập huấn khuyến nông, chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến cho nông dân chuyên canh vú sữa Lò Rèn. Trong đó, những vườn trồng mới phải bảo đảm các khâu thiết kế vườn, quy trình kỹ thuật lên liếp, chọn giống tốt, mật độ trồng, tỉa cành tạo tán và tỉa thưa trái trong suốt thời gian từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đối với vườn đã bị suy kiệt thì đánh giá mức độ và nguyên nhân, bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường bón phân hữu cơ, bón vôi, sử dụng các chế phẩm sinh học để cải tạo đất”.
Trái vú sữa Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là một trong những sự kiện quan trọng đối với ngành Nông nghiệp nước ta, là dấu mốc ghi nhận sự nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn. Đây còn là cơ hội cho những vùng chuyên canh vú sữa nổi tiếng của Tiền Giang.
SĨ NGUYÊN