Thứ Hai, 15/01/2018, 19:59 (GMT+7)
.

Huyện Tân Phước chú trọng phát triển cây trồng chủ lực

Huyện Tân Phước là vùng “rốn lũ”, nhiễm phèn nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, cùng với ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao mức sống người dân.

Thu hoạch khoai mỡ.
Thu hoạch khoai mỡ.

CÂY KHÓM KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ

Khi huyện Tân Phước mới thành lập, cây khóm chỉ xuất hiện rải rác ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh..., nhưng đến nay hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có trồng khóm và được xem là cây trồng chủ lực trên vùng đất phèn mặn này, với diện tích hơn 16.000 ha.

Theo các hộ trồng khóm, thời gian trồng khóm cho đến khi thu hoạch mất khoảng 18 tháng. Trung bình 1 ha khóm sau khi trừ chi phí, nông dân có thể lãi khoảng 50 đến 60 triệu đồng/vụ. Không dừng lại ở đó, nhiều nông dân còn xử lý khóm cho trái đầu hoặc cuối vụ để bán được giá cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Nông dân Trương Hùng Minh, ngụ xã Mỹ Phước có nhiều năm gắn bó với cây khóm chia sẻ: “Khóm muốn bán được giá cao phải xử lý cho trái vào đầu hoặc cuối vụ, cùng với áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc sẽ cho hiệu quả rất cao. Chính cách làm này, hằng năm sau khi trừ các chi phí, hơn 4 ha trồng khóm của gia đình tôi cho lãi khoảng 300 triệu đồng”.

Với những đặc tính cũng như lợi nhuận của cây khóm mang lại, nhiều xã chọn cây khóm làm cây trồng chủ lực, đẩy mạnh mở rộng diện tích cây trồng này; đồng thời tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kêu gọi đầu tư đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Từ đó, cây khóm rất được quan tâm phát triển. Theo dự kiến, huyện Tân Phước mở rộng diện tích khóm trên địa bàn lên trên 20.000 ha đến năm 2020.

CÂY KHOAI MỠ TRÊN  VÙNG ĐẤT “CHẾT”

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, hiện toàn huyện có hơn 400 ha trồng khoai mỡ, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Hòa Đông, Thạnh Hòa, Thạnh Mỹ...

Thời gian trồng khoai mỡ kéo dài khoảng 4 đến 5 tháng sẽ cho thu hoạch bình quân khoảng 15 đến 18 tấn/ha. Hiện khoai mỡ được thương lái thu mua với giá hơn 10.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, mỗi ha khoai mỡ người trồng thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Các hộ trồng khoai mỡ ở đây cho biết, nhờ dễ trồng, chống chịu phèn tốt, vốn đầu tư không lớn nên thời gian qua khoai mỡ đã trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều xã, giúp nhiều hộ dân vùng đất mới vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Cu, xã Tân Hòa Đông, “ăn nên làm ra” nhờ cây khoai mỡ, cho biết: “Trồng khoai mỡ không khó, ít tốn công chăm sóc hơn so với các loại cây trồng khác nhưng cho lãi khá nên được nhiều người chọn trồng”.

Những năm gần đây, vì nhiều yếu tố dẫn đến diện tích khoai mỡ có xu hướng giảm dần. Dù vậy, nhiều xã trong huyện vẫn khuyến khích người dân duy trì và trồng xen canh 1 vụ khoai mỡ, 1 vụ màu để có giống khoai mỡ thay thế các loại cây khác trong tương lai. Hiện nay, niềm vui đến với người trồng khoai mỡ khi giá khoai mỡ đang tăng cao. Đây là động lực để người dân tiếp tục duy trì và giữ vững diện tích.

CÂY THANH LONG BÉN RỄ

Cây thanh long xuất hiện ở huyện Tân Phước cách nay khoảng 5 - 6 năm, sau thời gian phát triển, đến nay toàn huyện có hơn 430 ha, tập trung tại các xã Thạnh Tân, Hưng Thạnh, Tân Lập 1, Mỹ Phước… thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả trước đây.

Theo một số hộ trồng thanh long tại huyện Tân Phước, thanh long thích nghi tốt với thổ nhưỡng của vùng đất này, nếu biết cách xử lý đất, bón phân và chăm sóc theo khuyến cáo của các ngành chức năng thì năng suất, chất lượng trái thanh long không thua kém thanh long trồng ở các vùng khác trên địa bàn tỉnh.

Ông Ngũ Tấn Lũy, một trong những nông dân tiên phong, gắn bó với cây thanh long trên vùng đất Tân Phước cho biết: “Chỉ tính riêng vụ thanh long vừa qua, gần 1 ha thanh long ruột đỏ thu hoạch bán được giá cao, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 500 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cây lúa và các loại cây khác”.

Hiện tại, một số doanh nghiệp đã vào huyện Tân Phước đầu tư trồng cây thanh long với diện tích lớn như: Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường, Công ty Long Việt, Cơ sở đá hoa cương Công Sơn....

Hiện cây trồng này đang tiếp tục phát triển mạnh với nhiều diện tích đã được lên liếp, mô, cắm trụ xi măng chuẩn bị trồng. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng để người nông dân an tâm chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Theo lộ trình cũng như Nghị quyết của Huyện ủy Tân Phước đề ra đến năm 2020, huyện phấn đấu đưa diện tích thanh long trên địa bàn đạt 2.000 ha.

Nói về việc phát triển các loại cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Tân Phước Đỗ Vũ Thuận cho biết: “Với các loại cây trồng chủ lực, huyện đã có chủ trương phát triển theo từng giai đoạn cụ thể với từng đề án, quy hoạch, cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư… đảm bảo giữ được thế mạnh cũng như thương hiệu của những cây trồng này. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể của huyện cũng khuyến cáo người dân trồng và phát triển các loại cây màu trên những vùng đất kém hiệu quả hoặc trồng xen canh lúa - màu; trồng sen, bông súng, chanh… góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững”.

CAO NGUYÊN

.
.
.