Bài 2: "Điểm nghẽn" chế biến
Một trong những khâu được đánh giá còn hạn chế trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu (XK) rau quả nói chung, trái cây nói riêng là chế biến nên giá trị gia tăng mang lại thực sự cho ngành hàng này chưa cao.
Chế biến xuất khẩu trái cây vẫn còn nhiều hạn chế. |
1. Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), các doanh nghiệp (DN) chế biến trái cây quy mô công nghiệp hiện tập trung ở 28 tỉnh, thành; riêng miền Nam có 56 DN, chiếm gần 40%. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân chỉ hơn 56%, nếu chỉ tính các DN ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ chiếm hơn 53%. Các DN chế biến trái cây quy mô công nghiệp sản xuất khoảng 464.000 tấn sản phẩm mỗi năm, trong đó đồ hộp và các sản phẩm tương tự chiếm khoảng 68% sản lượng chế biến, chuối sấy chiếm khoảng 12%, nước giải khát chiếm 10%, còn lại là các sản phẩm khác. Thực tế cho thấy, sản phẩm chế biến trái cây chủ yếu vẫn hướng vào thị trường XK mà chưa hoặc ít chú ý đến thị trường tiêu thụ trong nước.
Trong lĩnh vực chế biến trái cây hiện nay, các DN Nhà nước chiếm tỷ lệ chỉ hơn 4%, chủ yếu là các DN dân doanh. Nếu nhìn vào công nghệ chế biến, ngoại trừ các nhà máy được đầu tư trong giai đoạn trước, các nhà máy do nước ngoài đầu tư hoặc được xây dựng trong chương trình phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh hoặc trong các chương trình, dự án khác trong thời gian gần đây đều sử dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại như đóng gói của Tetra pak; công nghệ và thiết bị cô đặc có thu hồi hương; công nghệ và thiết bị sấy lạnh, sấy bơm nhiệt…
Nhận định về thực trạng chế biến XK, ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm XK Đồng Dao nhìn nhận, Việt Nam hiện nay có rất nhiều cơ hội để phát triển mở rộng hơn nữa về thị trường tiêu thụ và sản lượng cũng như chủng loại rau quả. Nếu tập trung kiểm soát tốt đầu vào, chúng ta hoàn toàn có thể XK được với số lượng gấp 5 đến 10 lần so với mức hiện nay trong thời gian gần nhất. Rau quả của Việt Nam hiện đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó 10 thị trường XK chính là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia… Các thị trường tiêu thụ rau quả như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ còn rất tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ rất lớn và hiện có xu hướng chuyển sang tiêu thụ hàng Việt Nam. Về công nghiệp chế biến rau quả, trước đây Nhà nước đã đầu tư quy hoạch, phát triển một số trung tâm chế biến rau quả tập trung, hiện đại. Tuy nhiên, cho đến nay đa phần các DN làm ăn không hiệu quả, phải dừng sản xuất hoặc phá sản, chỉ có một vài đơn vị thực sự đổi mới, năng động vẫn sản xuất hiệu quả, phát triển mở rộng và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. “Nhìn chung, các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau quả Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên thách thức với ngành công nghiệp chế biến là rất lớn; các sản phẩm chế biến đơn giản dưới dạng thô, chất lượng thấp, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao”- ông Đinh Cao Khuê cho biết.
Nếu nhìn ở khía cạnh khác, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, một trong những vấn đề tồn đọng lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến giá trị của trái cây Việt Nam là bảo quản sau thu hoạch. Khâu này hiện nay chủ yếu vẫn dùng biện pháp thủ công. Việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói bao bì, bảo quản không đúng cách dẫn đến tỷ lệ hư hỏng do giập nát, thối nhũn của trái cây rất cao (từ 25% - 30%). Trong khi công nghệ xử lý cơ bản sau thu hoạch là bảo quản lạnh đã được ứng dụng ở nhà sơ chế và đóng gói nhưng hiệu quả chưa cao, với nhiệt độ và phương thức vận hành bảo quản chưa phù hợp việc quản lý chuỗi lạnh sản phẩm. Trong khi đó, quá trình kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng trái cây tươi cũng chưa thường xuyên, đồng bộ và bị tách riêng rẽ thành nhiều khâu dễ gây thất thoát và tổn thất sau thu hoạch.
2. Kết thúc năm 2017, XK rau quả của Tiền Giang tăng gần 20% về lượng và 4,4% về trị giá, với các sản phẩm chủ yếu như: Nước dứa cô đặc, khóm đông lạnh, thanh long, sầu riêng, dứa đóng hộp… sang Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản... Tuy nhiên, cũng tương tự như tình hình chung của cả nước, khó khăn của XK các mặt hàng này là do hạn chế về kỹ thuật, công nghệ chế biến dẫn đến giá thành sản xuất cao, nên khả năng cạnh canh thấp. Theo đánh giá của Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến rau quả có quy mô khá là: Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang (huyện Châu Thành), Công ty TNHH Long Uyên chi nhánh Tiền Giang (huyện Châu Thành), Công ty TNHH Hưng Phát (Khu công nghiệp Mỹ Tho), Công ty TNHH MT (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh) và Công ty TNHH Chế biến nông thủy sản Hải Thành (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh) được đầu tư khá hiện đại, với công suất khoảng 269 tấn nguyên liệu/ngày.
Tuy nhiên, tồn tại chính của rau quả chế biến trên địa bàn tỉnh hiện nay là sản phẩm còn đơn điệu, chất lượng nguyên liệu không đồng đều, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, cơ chế đối với vùng nguyên liệu chưa bền vững; mối quan hệ giữa người cung ứng và DN chế biến còn lỏng lẻo.
Theo đánh giá chung, việc khai thác nguồn nguyên liệu rau quả trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, các DN vẫn chưa phát huy hết công suất hiện có (chỉ sử dụng khoảng 60% - 90% công suất). Ngoài việc thu mua nguyên liệu trong tỉnh, các DN phải thu mua nguyên liệu từ các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất. Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành chế biến rau quả Tiền Giang là ngoài cây khóm, các loại rau quả còn lại chưa đáp ứng nhu cầu của công nghiệp chế biến về chất lượng, chủng loại, giá thành và số lượng do sản xuất không tập trung. Bên cạnh đó, rau quả còn là mặt hàng dễ biến động về số lượng, chất lượng do bị tác động bởi các yếu tố khách quan như dịch bệnh, thời tiết.
Còn theo đánh giá của Sở NN-PTNT, sản lượng trái cây của Tiền Giang đạt khoảng 1,3 triệu tấn mỗi năm nhưng chế biến chỉ chiếm dưới 10%, gồm: Khóm, nhãn, sa pô dưới dạng nước đóng hộp hoặc nước cô đặc. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do hệ thống chế biến chưa được đầu tư tương xứng, liên kết giữa sản xuất, chế biến còn yếu; người tiêu dùng ít biết đến sản phẩm chế biến của DN trong tỉnh; đồng thời, các DN công nghiệp chế biến chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như đầu tư công nghệ mới. Thực tế cho thấy, hiện có khoảng 98% sản lượng trái cây nhà vườn bán cho thương nhân, 2% còn lại bán cho DN XK. Tiếp đó, thương nhân phân loại trái cây và bán cho 3 đối tượng: DN XK chiếm gần 70%, chợ đầu mối chiếm khoảng 27%, số còn lại được bán lẻ ra bên ngoài. Ở góc nhìn khác, hiện có đến 75% - 80% lượng trái cây của Tiền Giang được tiêu thụ trong nước, còn lại XK dưới dạng tươi qua các thương nhân trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. Chưa kể, các bên tham gia hoạt động chuỗi giá trị về sản xuất, tiêu thụ trái cây gần như độc lập, chưa liên kết và hợp tác với nhau dẫn đến chia sẻ lợi nhuận giữa các bên chưa hợp lý (nhà vườn hưởng lợi ít nhất). Đây là vấn đề còn nan giải cần được giải quyết.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận rằng, tiềm năng của ngành chế biến rau quả Tiền Giang còn rất lớn do nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng tăng, trong khi điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Tiền Giang và các tỉnh lân cận rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại rau quả. Chính vì vậy, để ngành công nghiệp chế biến rau quả phát triển đòi hỏi các DN một mặt phải đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh công tác tìm đầu ra, đổi mới công nghệ để giảm giá thành, mặt khác phải có sự liên kết chặt chẽ trong khâu quy hoạch vùng nguyên liệu, tuyển chọn giống cây trồng, tăng sản lượng và hạ giá thành nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến rau quả…
PHƯƠNG ANH (Còn tiếp)