Thứ Bảy, 27/01/2018, 07:19 (GMT+7)
.
"Kịch bản" mới cho cây ăn trái

Bài cuối: Tận dụng cơ hội để tăng tốc

Xuất khẩu (XK) rau quả vừa qua trở thành hiện tượng khi vượt cả mặt hàng dầu thô, gạo nhưng dường như dư địa vẫn còn rất lớn nếu được khai thác đúng mức tiềm năng và lợi thế hiện hữu.

Cần có nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội XK trái cây.
Cần có nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội XK trái cây.

1. Sự kiện lô trái vú sữa Việt Nam đầu tiên XK sang thị trường Hoa Kỳ vào cuối năm 2017 cùng với thông tin thị trường này đã chấp nhận trái xoài của Việt Nam đã mở ra cánh cửa rất lớn cho rau quả nói chung và trái cây nói riêng.

Nhưng thật ra, trong những năm gần đây, nhiều loại trái cây của Việt Nam, nhất là ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chiếm thị phần lớn trên bản đồ tiêu thụ trái cây thế giới.

Dẫn chứng từ thực tế cho thấy, Việt Nam hiện là nước có thị phần XK thanh long cao nhất ở châu Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, châu Âu và một số thời điểm tại thị trường Hoa Kỳ.

Đi kèm với việc chiếm giữ thị phần, giá trị XK thanh long của Việt Nam cũng tăng liên tục, từ chỗ chỉ hơn 57 triệu USD năm 2010 đã tăng lên hơn 483 triệu USD năm 2015 và đạt 900 triệu USD năm 2016, chiếm hơn 50% giá trị XK trái cây tươi cả nước.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện nay thanh long ruột trắng được đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng, có điều kiện sản xuất, thu hoạch quanh năm, đặc biệt là sản xuất trái vụ nhờ áp dụng kỹ thuật xông đèn.

Bên cạnh giá trị dinh dưỡng, nhờ hình thức và ý nghĩa tên gọi, tín ngưỡng thờ cúng của người châu Á nên trái thanh long có thị trường tiêu thụ khá tốt.

Một trong những điểm nhấn khác tạo ra không ít bất ngờ là giá trị XK chuối của Việt Nam cũng đã tăng rất nhanh, từ 1,1 triệu USD vào năm 2010 đã tăng lên hơn 44 triệu USD vào năm 2016. Theo đánh giá chung, chuối là một trong những loại trái cây có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Theo đánh giá chung của Bộ NN-PTNT, giá trị XK chuối toàn thế giới có xu hướng tăng liên tục, từ mức 8 tỷ USD vào năm 2009 đã tăng lên 9,7 tỷ USD vào năm 2013.

Nhưng thực tế cho thấy, XK chuối của Việt Nam hiện chiếm chỉ chưa đến 0,5% giá trị XK chuối của thế giới, nên còn rất khiêm tốn so với vị trí, tiềm năng, lợi thế hiện có và nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam có nhiều giống chuối đặc sản quý về kích cỡ, hương vị và giá trị sử dụng, được đánh giá có vị ngọt và màu sắc đẹp hơn so với chuối của Trung Quốc và Philippines - những quốc gia sản xuất, XK chuối chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường thế giới.

Một trong những điểm sáng khác là trái bưởi. Nhờ thị trường tiêu thụ được mở rộng, thời gian qua diện tích và sản lượng bưởi của cả nước cũng tăng liên tục.

Tính đến cuối năm 2016, tổng diện tích trồng bưởi đạt khoảng 60.000 ha, với sản lượng đạt hơn 500.000 tấn.

Theo đó, giá trị XK bưởi tươi của Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 1,35 triệu USD. Bộ NN-PTNT đánh giá, Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng bưởi lớn, chưa kể bưởi có ưu thế hơn các loại trái cây khác là dễ tồn trữ, thời gian bảo quản sau thu hoạch dài, vỏ dày, dễ xử lý ruồi đục trái.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều giống bưởi có giá trị hàng hóa, chất lượng cao, một số đã được XK (bưởi da xanh, Năm Roi).

Trên thực tế, giá trị XK bưởi trên thế giới không lớn, khoảng 1,1 - 1,2 tỷ USD/năm từ năm 2009 - 2013, nhưng XK bưởi của Việt Nam hiện rất khiêm tốn, chỉ chiếm 0,1% giá trị XK thế giới. Việt Nam hoàn toàn có điều kiện nâng cao thị phần, vị trí trong XK bưởi so với tiềm năng hiện có và nhu cầu của thế giới.

Thông tin thị trường Hoa Kỳ đồng ý nhập khẩu xoài của Việt Nam, tiếp theo trái vú sữa, được đưa ra vào cuối năm 2017 cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho loại trái cây đặc sản này.

Thực tế cũng cho thấy, xoài là một trong những loại trái cây được sản xuất và tiêu thụ lớn trên thế giới, giá trị XK xoài của Việt Nam cũng tăng nhanh qua các năm, từ 0,46 triệu USD vào năm 2010 đã tăng lên hơn 35 triệu USD năm 2016.

Chưa kể, xoài Việt Nam có lợi thế là có thể sản xuất rải vụ thu hoạch tại khu vực ĐBSCL (vùng xoài lớn nhất cả nước), có một số giống xoài địa phương ngon, đã và đang tham gia XK như xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc nên hoàn toàn có thể gia tăng XK trong thời gian tới…

2. Nếu nhìn một cách tổng thể, Trung Quốc hiện là thị trường lớn tiêu thụ trái cây tươi của Việt Nam, đáng chú ý nhất là trái thanh long.

Thế nhưng, theo phân tích của Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp (DN) XK thanh long sang Trung Quốc hầu hết chỉ làm dịch vụ XK, không có liên kết với các cơ sở trồng thanh long, cơ sở chế biến cũng như bao gói nhãn mác mang tên của DN.

Thanh long XK sang thị trường Trung Quốc có đến gần 90% là XK theo hình thức biên mậu hoặc DN Việt Nam chỉ tham gia làm dịch vụ XK cho DN Trung Quốc, thanh long XK phân phối đến người tiêu dùng Trung Quốc theo bao bì, nhãn mác của DN Trung Quốc.

Thời gian gần đây, một số DN đã bước đầu xây dựng theo hướng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến sơ chế, chế biến đóng gói, tạo thương hiệu riêng và XK đến các khách hàng thường xuyên có ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài hoặc tạo mối liên kết với cơ sở trồng thanh long theo hướng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tự sơ chế, chế biến, đóng gói theo bao bì và nhãn mác của mình và ký hợp đồng với đối tác tại nước XK.

Trên địa bàn Tiền Giang, phát huy lợi thế nằm trong vùng trọng tâm phát triển cây ăn trái nói chung, thanh long nói riêng, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc trồng và XK trái thanh long Tiền Giang mang thương hiệu Cát Tường.

Đến nay, công ty đã tiếp tục nhân rộng diện tích trồng thanh long lên hơn 100 ha, cho sản lượng hằng năm hơn 4.000 tấn trái. Ngoài thanh long, gần đây công ty còn tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh và khu vực như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng, bưởi da xanh…

Theo ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc công ty, trong thời gian tới công ty tiếp tục duy trì và phát triển nhà máy đóng gói xử lý bằng hơi nước nóng và nhà máy đóng gói trái tươi phục vụ cho thị trường Hoa Kỳ; đưa công nghệ bảo quản sau thu hoạch vào thực hiện.

Đồng thời, công ty xây dựng hệ thống kho lạnh sức chứa 5.000 - 6.000 tấn nhằm đảm bảo thu mua nguồn trái cây đạt chất lượng vào mùa cao điểm; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ từ con giống, kỹ thuật chăm sóc cho đến thu hoạch, đóng gói, chế biến bảo quản và tiêu thụ theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP với các hợp tác xã, tổ hợp tác thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, bưởi da xanh… theo hướng sạch, an toàn; xây dựng nhà máy chế biến đông lạnh và các sản phẩm rau quả chế biến khác nhằm phát huy tối đa lợi thế trong việc tiêu thụ toàn bộ sản phẩm trái cây.

Mặc dù diện tích, sản lượng tiêu thụ cũng như kim ngạch XK rau quả nói chung, trái cây nói riêng đã tăng liên tục trong những năm gần đây, nhưng dường như vẫn còn một số “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giá thành và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhóm quả tươi XK của Việt Nam hiện đang là thách thức lớn, đặc biệt là trong số các thị trường khó tính đối với việc nhập trái cây tươi, nổi bật là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Yêu cầu cơ bản đối với rau quả xuất vào nhóm thị trường này là phải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tuân thủ không sử dụng một số nhóm thuốc trừ dịch hại nhất định.

Còn nếu nhìn ở góc độ giá thành, hiện tại mức giá thành thành phẩm trái cây Việt Nam tại thị trường khó tính đang ngang bằng với mức giá cạnh tranh.

Để đạt được mức XK hiện nay, nhiều DN đã phải chịu rất nhiều nguy cơ lỗ vốn. Đó là một trong những vấn đề cần được nhìn nhận lại…

PHƯƠNG ANH

.
.
Liên kết hữu ích
.