Kinh tế 2018: "Áp lực tăng trưởng là một thách thức lớn"
“Bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định cùng với những quyết tâm cải cách thể chế của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018,” tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trình bày quan điểm tại sự kiện công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 4/2017 của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ngày 16-1.
Công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 4/2017 của Viện, ngày 16/1. Ảnh: PV/Vietnam+ |
Năm 2017, kinh tế Việt Nam đạt cùng một lúc 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra. Hơn thế, tăng trưởng GDP cả nước đã đạt 6,81% và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,7%, vượt qua mọi dự báo trước đó của các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Không vội lạc quan
Theo báo cáo, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt qua 400 tỷ USD, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu cả năm đều tăng trưởng ấn tượng với mức tăng trên 20%, xuất siêu cả năm đạt 2,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng không nên quá chủ quan với những con số “đẹp,” thành tích xuất siêu của khu vực đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đóng góp phần quan trọng cho một năm thặng dư thương mại cao. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của nền kinh tế nội địa khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khối ngoại.
Việc cán cân thanh toán tổng thể thặng dư (tương ứng 3,4% GDP) đã giúp Ngân hàng Nhà nước bổ sung dự trữ ngoại hối đồng thời có thêm không gian duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhờ đó, lạm phát quý 4/2017 có diễn biến ổn định mặc dù có sự điều chỉnh giá tại các nhóm dịch vụ y tế, giáo dục và xăng dầu.
“Điều này phản ánh chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng của Ngân hàng Nhà nước cũng như nỗ lực của các cấp trong việc kiềm chề giá cả thị trường. Song, thách thức mới cũng xuất hiện, đó là việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ dồi dào để kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô trong giai đoạn sắp tới, ” ông Thành nói.
Triển vọng về kênh dẫn vốn
Năm 2017, thị trường chứng khoán chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục theo cùng xu hướng của thế giới.
Chỉ số VN-Index lại một lần nữa quay trở lại phá mức kỷ lục 1.000 điểm vào thời khắc cuối năm, đưa chứng khoán Việt Nam vào "top 5 thị trường chứng khoán tăng trưởng cao nhất thế giới.”
Tại sự kiện này, nhìn chung các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường chứng khoán khởi sắc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cổ phần hoá và thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước.
Trên thực tế, quá trình cổ phần hóa đã diễn ra rất mạnh mẽ trong năm qua và được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh tại năm 2018 với Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018).
Phân tích yếu tố nền tảng thị trường, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm là tốt, nhưng không nên quá hứng khởi. Bởi theo ông này, thị trường phát triển song chưa ổn định, các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, chỉ doanh nghiệp lớn mới phát hành được trái phiếu.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn rất khổ sở khi vay ngân hàng, trong tình trạng tài sản thế chấp không đủ, vay được là vội mừng mặc dù bị lãi suất cao. Thực tế, thị trường chứng khoán chưa thực sự là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Do đó, Chính phủ cần có kế hoạch nâng cấp thị trường chứng khoán để các doanh nghiệp SME có khả năng tiếp cận vốn,” ông Hiếu kiến nghị.
Thách thức từ nội tại
Theo ông Thành, năm 2017, Chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh của Việt Nam tăng 8 bậc. Bên cạnh đó, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2017-2018 vượt 14 bậc (Ngân hàng Thế giới công bố), phản ánh kết quả tích cực của ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách hành chính và môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, năm 2018 đánh dấu mốc thực hiện các cam kết hội nhập của Việt Nam từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, điều này mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho nền kinh tế. Khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, hàng hoá Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường các nước đồng thời hàng hoá nước ngoài cũng ồ ạt đổ vào Việt Nam.
“Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp nội địa là việc nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Thêm vào đó những vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế nếu không giải quyết triệt để sẽ là lực cản đối với phát triển,” ông Thành phát biểu.
Hiện, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp so với khu vực (bằng 1/14 Singapore, 1/6 Malaysia và 1/3 Thái Lan). Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, lợi thế về lao động giá rẻ cũng dần dần mất đi.
Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, nguyên nhân dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành chủ yếu từ khối doanh nghiệp nước ngoài, chứ không từ các doanh nghiệp Việt Nam, dòng vốn đầu tư trong nước hầu hết dẫn vào thị trường tài sản. Bên cạnh đó, vấn đề lớn để rút ngắn tốc độ phát triển đối với các nước xung quanh là năng suất lao động, song lại rất thấp.
Trước vấn đề từ nội tại, các chuyên gia thực hiện nghiên cứu Báo cáo lên tiếng, “trong bối cảnh tài nguyên quốc gia ngày càng cạn kiệt, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn”.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-2018-ap-luc-tang-truong-la-mot-thach-thuc-lon/484309.vnp)