Thứ Hai, 15/01/2018, 19:41 (GMT+7)
.
TRÁI VÚ SỮA TIỀN GIANG SAU KHI VÀO THỊ TRƯỜNG HOA KỲ:

Giải pháp giữ vững uy tín, thương hiệu

 Sau một thập niên đàm phán, ngày 26-12-2017, lần đầu tiên lô trái vú sữa của Tiền Giang và cũng là lô vú sữa đầu tiên của Việt Nam đã được Công ty TNHH Chế biến Xuất khẩu nông sản Cát Tường (gọi tắt là Công ty Cát Tường) xuất sang Hoa Kỳ và trở thành trái cây thứ 5 của Việt Nam được xuất sang thị trường này (sau thanh long, nhãn, chôm chôm và trái vải).

Sau lô xuất khẩu trái vú sữa đầu tiên đến nay, số lượng trái cây này xuất sang thị trường Hoa Kỳ đã tăng gấp 10 lần và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thị trường Hoa Kỳ đang phản hồi rất tốt đối với trái vú sữa.
Thị trường Hoa Kỳ đang phản hồi rất tốt đối với trái vú sữa.

ĐỘT PHÁ CHỈ SAU 3 THÁNG

Ngày 27-9-2017, cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) chính thức đồng ý cho phép Việt Nam được xuất khẩu trái vú sữa sang nước này. Sau đó một ngày, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức Đoàn công tác mời cả doanh nghiệp xuất khẩu trái vú sữa và Tùy viên Nông nghiệp thuộc Lãnh sự quán Hoa Kỳ  tại TP. Hồ Chí Minh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, khảo sát vùng trồng và đặt ra một số yêu cầu để có thể xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ.

Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và TX. Cai Lậy xác định vùng trồng vú sữa, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã lập các thủ tục để Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu vùng II cấp mã số, đồng thời tiến hành tập huấn cho nông dân ở các xã trồng vú sữa về kỹ thuật canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây vú sữa, nhất là không được sử dụng 5 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mà phía Hoa Kỳ cảnh báo mức dư lượng (đặc biệt là hoạt chất Carbendazim bị cấm sử dụng tại Hoa Kỳ) để nông dân biết mà thay thế bằng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh khác (ưu tiên thuốc sinh học) và hướng dẫn kỹ thuật bao trái trước khi thu
hoạch trái vú sữa khoảng 21 ngày...

Đến thời điểm này đã có 2 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã triển khai các hoạt động để xúc tiến việc xuất khẩu trái vú sữa, xác định gắn kết vùng trồng, định vị để cấp mã số với tổng diện tích trên 71,3 ha.

Trong đó, Công ty TNHH Đại Lâm Mộc (TP. Hồ Chí Minh) gắn kết và tiêu thụ sản phẩm trái vú sữa tại xã Bàn Long (huyện Châu Thành) với diện tích 10,7 ha/15 hộ nông dân; Công ty Cát Tường (tỉnh Tiền Giang) xác định vùng trồng và bao tiêu sản phẩm tại 2 xã Hữu Đạo và Long Hưng (huyện Châu Thành) với diện tích 22,5 ha/87 hộ nông dân, xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) với diện tích 10,64 ha/31 hộ nông dân và xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè) với diện tích 20 ha/50 hộ nông dân; Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) gắn kết vùng trồng tại xã Phú Phong (huyện Châu Thành) với diện tích 11 ha/ 43 hộ nông dân.

Hiện tại, khu vực phía Nam có 4 doanh nghiệp đã xuất trái vú sữa sang Hoa Kỳ gồm các Công ty Cát Tường, Đại Lâm Mộc, Vina T&T (mua sản phẩm của Công ty TNHH Đại Lâm Mộc) và Mộc Phát (đăng ký vùng trồng ở TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang).  Riêng tại Tiền Giang, hiện có 2 doanh nghiệp (Công ty Cát Tường, Công ty TNHH Đại Lâm Mộc) thu mua, bao tiêu trái vú sữa của nông dân theo mã số đã đăng ký để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trong đó Công ty TNHH Đại Lâm Mộc có bán sản phẩm cho Công ty Vina T&T để xuất khẩu.

Tại thời điểm này, các doanh nghiệp tại Tiền Giang triển khai mua vú sữa của các hộ dân đã được bấm mã số với giá hợp đồng dao động từ 27.000 -35.000 đồng/kg (tùy loại). Theo thông tin từ Công ty Cát Tường, đến ngày 10-1-2018, đơn vị đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ thông qua đối tác là Công ty Alchon Trading - USA được 24 container với số lượng gần 20 tấn.

 GIỮ VỮNG UY TÍN, THƯƠNG HIỆU

Theo thông tin từ Công ty Cát Tường, phản hồi từ đối tác tiêu thụ đối với trái vú sữa hiện hết sức tích cực. Cụ thể, tình hình tiêu thụ trái vú sữa tại thị trường Hoa Kỳ trong tuần qua rất tốt. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, để giữ ổn định và gia tăng việc tiêu thụ trái vú sữa tại thị trường vốn dĩ rất khó tính này, yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo các vấn đề về tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm (kể cả hình thức, mẫu mã)... nhằm giữ vững uy tín, thương hiệu sản phẩm, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Nhận thấy rõ vấn đề này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chuẩn bị triển khai các công việc như: Tăng cường công tác giám sát vùng trồng, giám sát diện tích sản xuất đã được cấp mã số và sản lượng thu hoạch tương ứng để bảo đảm chất lượng sản phẩm; chuẩn bị phối hợp với các địa phương trong tỉnh, các đơn vị chức năng (kể cả đơn vị thuộc Bộ) giám sát chặt chẽ việc kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận trong quá trình thu mua, xuất khẩu trái vú sữa, nhất là giám sát và xử lý nghiêm vi phạm về hoạt động mua bán tại địa bàn, không để xảy ra việc “pha trộn” sản phẩm từ vùng chưa được cấp mã số vào sản phẩm của vùng đã được cấp mã số.

Đồng thời, ngành cũng đề xuất các Bộ, ngành trung ương có liên quan tham gia cùng tỉnh trong thực hiện nghiệp vụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ về xuất xứ, chất lượng các lô hàng vú sữa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu; đề xuất các tham tán thương mại tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình thị trường nhập khẩu, kinh doanh trái vú sữa tại thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp, thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp trong nước để có định hướng sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là kịp thời chấn chỉnh các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu của trái vú sữa nói riêng và hàng nông sản Việt Nam nói chung...

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.