Thứ Tư, 28/02/2018, 21:15 (GMT+7)
.

Ai "gánh" thuế môi trường của xăng dầu?

Tăng thuế môi trường kịch khung với mặt hàng xăng dầu sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao, đẩy gánh nặng thu ngân sách lên người nghèo.
Đây là nhận xét của một số chuyên gia đối với đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường tại dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính vừa đưa ra.

a
Biểu khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung. Đồ họa: Quang Thắng/zing

Ngân sách sẽ tăng thu hơn 15.500 tỉ đồng/năm

Dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít…
Về nguyên nhân tăng, Bộ Tài chính lý giải vì mức thu thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang bị giảm mạnh.
Đặc biệt năm 2017, số thu nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN giảm 97% so với năm 2016. Mặt khác, theo Bộ Tài chính, hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và Châu Á nói chung.

Đồng thời, theo quan điểm của Bộ Tài chính, xăng, dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm... Do đó, bộ này cho rằng, Chính phủ cần thiết điều chỉnh nâng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học).Theo Bộ Tài chính, nếu đề xuất được chấp thuận, ngân sách sẽ tăng thu hơn 15.500 tỉ đồng/năm.

Con cá, quả trứng cũng tăng giá”

Phản biện lại đề xuất trên chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lý do Bộ Tài chính đưa ra vì thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực là không thuyết phục.
“Trong đề xuất này quyền lợi của người dân chưa được xem xét đến. Bởi hiện tại, xăng dầu cõng quá nhiều loại thuế và phí. Một lít xăng bán ra thị trường hiện phải chịu thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 9%. Tổng tiền thuế khoảng 7.000 đồng/lít xăng. Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế”, ông Long nói.
Mặt khác, theo quan điểm của ông Long, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tác động trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế. Chưa kể, chi phí sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh mức sống còn thấp.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định, nếu tăng kịch khung thuế môi trường vào xăng dầu sẽ làm tăng phí, tăng giá thành của tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế, từ mớ rau, con cá, quả trứng cũng sẽ tăng giá. Điều này sẽ đẩy gánh nặng lên vai của người dân, đặc biệt là người nghèo.
Đồng thời, ông Doanh cũng cho rằng, việc tăng thuế môi trường đối cới các mặt hàng xăng dầu cần phải được xem xét một cách thận trọng bởi nếu tăng thuế môi trường kịch khung sẽ thúc đẩy lạm phát tăng cao.

TS Lê Đăng Doanh kiến nghị, trong trường hợp Bộ Tài Chính muốn tăng thu ngân sách để bù lại khoản hụt thu từ việc giảm thuế của các hiệp định FTA thì Bộ Tài chính nên tính đến các khoản thu còn dư địa như: thu thuế đối với các hộ kinh doanh có trên 10 lao động, tăng thuế hoặc siết chặt thu đối với các mặt hàng trốn thuế qua biên giới…

Theo enternews.vn

 

.
.
.