Thứ Sáu, 23/02/2018, 10:31 (GMT+7)
.

Những dấu ấn trong thu hút đầu tư

Mặc dù còn một số khó khăn nhất định, nhưng kết quả thu hút đầu tư của tỉnh qua gần nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã để lại khá nhiều dấu ấn quan trọng.

1. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc.

Theo đó, trong năm 2016, tỉnh đã chấp thuận cho 26 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư thu hút mới, đăng ký tăng vốn 8.004 tỷ đồng. Năm 2017, Tiền Giang tiếp tục thu hút được 17 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư thu hút mới, đăng ký tăng vốn 3.999 tỷ đồng.

Như vậy, qua gần nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, tỉnh đã thu hút được 43 dự án, với tổng vốn thu hút mới 12.003 tỷ đồng.

Tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
Tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Ở góc độ vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh đã thu hút mới được 20 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 407,4 triệu USD, đạt hơn 27% so với mục tiêu của nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 109 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.990 triệu USD. Theo đánh giá, thu hút FDI của tỉnh đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chỉ sau các tỉnh: Long An, Kiên Giang và Trà Vinh.

Nếu chỉ tính trong năm 2017, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đóng góp cho ngân sách 95,9 triệu USD, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 60.000 tỷ đồng.

Tiền Giang xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh nhanh nhất cả nước

Theo số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh trên Cổng Thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia của tỉnh Tiền Giang tiếp tục được rút ngắn và nhanh nhất so với 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Theo đó, thời gian giải quyết hồ sơ thành lập DN mới của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT tỉnh Tiền Giang) giảm từ 1,22 ngày năm 2016 xuống còn 0,81 ngày làm việc trong năm 2017; thời gian xử lý hồ sơ thay đổi từ 0,99 ngày làm việc năm 2016 xuống còn 0,49 ngày làm việc trong năm 2017.

Theo số liệu tổng hợp của Cục Đăng ký kinh doanh, trong năm 2017 Sở KH-ĐT Tiền Giang đã xử lý 3.867 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn đạt trên 99% và tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận đạt trên 95%. Trên cơ sở đó, Sở KH-ĐT Tiền Giang thông báo rút ngắn thời gian trả kết quả đối với thành lập mới DN xuống tối đa 2 ngày làm việc (quy định tối đa 3 ngày làm việc).

Đây là yếu tố tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, liên quan trực tiếp đến việc ra đời cũng như đăng ký điều chỉnh, thay đổi nội dung liên quan đến hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, liên quan đến lĩnh vực phát triển DN, trong năm 2017 UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thông qua nhiều giải pháp nên có đến 640 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký lên đến hơn 2.349 tỷ đồng. Riêng tháng 1-2018, có 80 DN thành lập mới, đây là số DN thành lập mới trong 1 tháng cao nhất từ trước đến nay.

Theo kế hoạch, trong năm 2018, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển DN, thu hút đầu tư góp phần tăng thu ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu có 730 DN thành lập mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Tiền Giang có vị trí địa lý khá thuận lợi để thu hút đầu tư. Là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL và nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt chỉ cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km. Chưa kể, trong thời gian qua, công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Đến nay, tỉnh đã lập và trình duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển đô thị; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề quan trọng để chào đón các nhà đầu tư.

Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động 113 ngày 30-5-2016 về cải thiện chỉ số PCI tỉnh Tiền Giang năm 2016 và thực hiện Nghị quyết 19 ngày 28-4-2016 của Chính phủ.

UBND tỉnh đã phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ tổ chức các hoạt động hội thảo, khảo sát doanh nghiệp (DN), xây dựng kế hoạch hành động nhằm cải thiện PCI; phối hợp với Báo Diễn đàn DN thực hiện chuyên đề “Tiền Giang: PCI và sự thịnh vượng”.

Tiếp đến, trong năm 2017, tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động 61 ngày 14-3-2017 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 19 ngày 6-2-2017 của Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được tập trung thực hiện.

2. Mặc dù đạt được nhiều dấu ấn nhưng công tác thu hút đầu tư cũng còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến thu hút đầu tư là do công tác chuẩn bị mặt bằng để phát triển các khu, cụm công nghiệp thực hiện còn chậm.

Tỉnh hiện chỉ có 120 ha “đất sạch” đã có hạ tầng tại KCN Long Giang để mời gọi đầu tư. Trong khi đó, công tác tiếp nhận KCN Dịch vụ Dầu khí đã cơ bản đàm phán xong nhưng việc chuyển giao về tỉnh còn chậm; việc triển khai các Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 và Gia Thuận 2 còn vướng mắc...

Nhìn một cách tổng thể, công tác quy hoạch chuyên ngành của tỉnh và các huyện vẫn còn bất cập, các quy hoạch chưa đánh giá, dự báo sát thực với yêu cầu phát triển của tỉnh và nhu cầu sản xuất - kinh doanh của nhà đầu tư.

Còn trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo đề nghị của nhà đầu tư, từ đó thời gian giải quyết thủ tục đầu tư kéo dài, công tác hướng dẫn nhà đầu tư chọn địa điểm cho dự án gặp lúng túng, công tác lập danh mục dự án mời gọi đầu tư còn gặp khó khăn.

Chưa kể, Luật Đầu tư và các luật có liên quan đến dự án đầu tư như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… trong thời gian qua thay đổi liên tục nhưng vẫn còn nhiều nội dung chồng chéo, Chính phủ đã phải chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa để đảm bảo tính đồng bộ.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương tuy có chuyển biến về ý thức cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng chưa có kế hoạch hành động thật tích cực, tính chủ động chưa cao.

Công tác cải cách hành chính tuy được tỉnh tập trung thực hiện nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn, PCI của tỉnh có tăng so với các năm trước nhưng xếp hạng còn thấp.

Qua rà soát tình hình tổ chức công tác xúc tiến đầu tư ở cấp huyện còn khó khăn, lúng túng trong công tác hướng dẫn về thủ tục đầu tư, cung cấp các thông tin về giá đất cho nhà đầu tư tham khảo, tổ chức thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư...

Nhiều giải pháp thu hút đầu tư

Một trong những giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư, theo Sở KH-ĐT, trong thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018, dự kiến tổ chức vào quý II-2018; tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông; tăng cường công tác hỗ trợ DN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ nhà đầu tư, tiến đến chính quyền điện tử.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực... để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản; duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên, định kỳ giữa lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện với các DN đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm thông tin kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phổ biến đến DN các quy định mới, một số nội dung cải cách quan trọng liên quan đến môi trường đầu tư; giải quyết nhanh chóng các vướng mắc của DN trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh…

PHƯƠNG ANH
 

.
.
Liên kết hữu ích
.