Thứ Sáu, 16/03/2018, 16:47 (GMT+7)
.

Cân nhắc khi đầu tư cửa hàng kinh doanh xăng dầu

Khuyến cáo được đưa ra bởi các ngành chuyên môn là cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào cửa hàng kinh doanh xăng dầu (KDXD) trên địa bàn tỉnh.

Để minh chứng cho các khuyến cáo được đưa ra, Giám đốc một công ty KDXD có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, nếu so với sản lượng tiêu thụ trên tổng số cửa hàng, chưa kể lượng bán buôn, sản lượng tiêu thụ trên mỗi cửa hàng KDXD trên địa bàn tỉnh thực sự không lớn. Do vậy, một khi muốn đầu tư, xây dựng cửa hàng KDXD mới cần tính toán kỹ nhu cầu tiêu thụ, vốn đầu tư, suất đầu tư trên mỗi cửa hàng. Trong khi xu hướng chung ở một số nước lân cận, số đầu mối KDXD ngày càng thu hẹp từ kết quả của quá trình chuyển đổi hay sáp nhập và Việt Nam chắc chắn cũng theo xu hướng chung này do xu thế chuyển đổi nhiên liệu thay thế. Nếu nhìn về góc độ kinh tế, để đầu tư cho một cửa hàng KDXD, vốn đầu tư thấp nhất cũng khoảng 5 - 7 tỷ đồng và cao có thể hơn 20 tỷ đồng; chưa kể hiện nay mức chênh lệch được hưởng cho mỗi cửa hàng KDXD còn ở mức thấp. Tất nhiên, với quy định thông thoáng như hiện nay, cơ hội đầu tư KDXD sẽ tốt hơn nhưng cũng cần xác định kỹ vị trí đầu tư và đảm bảo bán hàng thu hồi vốn mới là điều quan trọng. “Yêu cầu chuyển đổi nhiên liệu nhằm đảm bảo yếu tố môi trường, tới đây chắc chắn nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ sụt giảm. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, nhiều người cũng trả giá khi tập trung nguồn lực đầu tư vào nhà máy xay xát hay đóng mới sà lan vận chuyển hàng hóa. Do vậy, đừng để bài học cũ lặp lại với ngành KDXD”- Giám đốc công ty KDXD trên cho biết.

Cần cân nhắc khi đầu tư vào cửa hàng KDXD. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Cần cân nhắc khi đầu tư vào cửa hàng KDXD. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Trên bình diện tổng thể, trong thời gian qua, tình hình KDXD trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều khởi sắc, số lượng cửa hàng KDXD cũng tăng nhanh chóng, chưa kể tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư mới trên lĩnh vực KDXD. Ông Mai Văn Huy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu cho biết, Nghị định 83 của Chính phủ đã mở ra cho các thành phần kinh tế khi đảm bảo được các điều kiện được tham gia việc phân phối, KDXD. Trong xu hướng chung đó, công ty mua lại 4 công ty hoạt động trên lĩnh vực KDXD trên địa bàn Tiền Giang (với khoảng 40 cửa hàng và hơn 30 đại lý trực thuộc) đang gặp khó khăn như: Chuẩn bị phá sản, nợ thuế và nợ lương người lao động.

Tuy nhiên, được sự góp sức của các cấp, các ngành, công ty đã thực hiện hoàn chỉnh việc tái cơ cấu, đến năm 2017 đã có tích lũy và đóng góp vào ngân sách của tỉnh, với khoảng 120 tỷ đồng. “Đến tháng 10-2018, công ty quyết tâm đưa tàu dầu đầu tiên vào cảng ở khu vực ven biển thuộc huyện Gò Công Đông. Theo tính toán của công ty, ven biển huyện Gò Công Đông là điểm chia sẻ mang tính chiến lược cho cả Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi, đặc điểm của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có ở ven biển huyện Gò Công Đông có thể cặp tàu có trọng tải từ 50.000 tấn trở lên. Tuy nhiên, công bằng mà nói, hiện nay đại lý KDXD có nguy cơ lỗ vốn nhiều hơn, chỉ có những nhà nhập khẩu xăng dầu được xem là có nhiều thuận lợi. Còn  đối với các đại lý hiện chỉ được hưởng khoảng 1.000 đồng từ chênh lệch giá bán trong KDXD nhưng phải chịu nhiều chi phí kinh doanh, cả lãi vay ngân hàng”- ông Huy cho biết.
Việc tính toán đầu tư, xây dựng cửa hàng KDXD cũng xuất phát từ thực tiễn trong thời gian qua.

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp KDXD do UBND tỉnh tổ chức gần đây, Giám đốc Sở Công thương Ngô Văn Tuấn cho biết, thời gian qua, hoạt động KDXD trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khá tốt. Số lượng và cơ cấu các doanh nghiệp KDXD trên địa bàn tỉnh đã phát triển và mở rộng về thành phần, loại hình kinh doanh. Điều này sẽ là cơ sở quan trọng góp phần làm tăng tính hiệu quả của mạng lưới cửa hàng KDXD trên địa bàn tỉnh trong những năm tới. Hệ thống bán buôn phát triển mạnh với 1 thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, 3 chi nhánh thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, 3 công ty con của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, 1 thương nhân phân phối xăng dầu và 3 tổng đại lý.

Mạng lưới cửa hàng KDXD trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh trong những năm gần đây nhờ hệ thống đường giao thông được nâng cấp. Theo số liệu điều tra khảo sát thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện có 510 cửa hàng KDXD đang hoạt động thuộc 328 doanh nghiệp là thương nhân đầu mối, chi nhánh thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu. “Với tổng số 510 cửa hàng KDXD trên 173 xã, phường, thị trấn, bình quân toàn tỉnh có 2,94 cửa hàng/xã,
phường; bình quân cứ 4,93 km2 có 1 cửa hàng và bình quân 1 cửa hàng phục vụ 3.396 người. Các chỉ số này so với cả nước và các tỉnh, thành khác trong khu vực là khá cao. Đối với tuyến Quốc lộ 1, Tiền Giang có 72 cửa hàng/72,8 km, bình quân 1 km có 1 cửa hàng (bình quân cả nước là 2 km  có 1 cửa hàng)”- Giám đốc Sở Công thương Ngô Văn Tuấn cho biết.

PHƯƠNG ANH

.
.
Liên kết hữu ích
.