Thứ Sáu, 23/03/2018, 16:46 (GMT+7)
.
Chuyển đổi giống cây trồng:

Nan giải bài toán hiệu quả vững bền.

Cuộc họp đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ trái vú sữa trên địa bàn tỉnh và bàn giải pháp thực hiện trong thời gian tới do UBND tỉnh tổ chức gần đây cho thấy rằng, việc khôi phục và phát triển cây vú sữa không phải là câu chuyện dễ.

Bởi trên bình diện tổng thể, diện tích trồng cây vú sữa trên địa bàn tỉnh những năm gần đây giảm nhanh dưới tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là đất đai bị thoái hóa do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát chặt chẽ, hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giá cả biến động…

Hệ lụy dẫn đến là thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 1.100 ha trồng vú sữa, trong đó diện tích trồng vú sữa có khả năng cho trái khoảng 500 ha, còn lại được trồng xen với các loại cây trồng khác.

Nông dân vẫn cứ loay hoay chuyển đổi cây trồng.
Nông dân vẫn cứ loay hoay chuyển đổi cây trồng.

Nếu nhìn nhận một cách cụ thể hơn, xu hướng chuyển đổi diện tích trồng vú sữa ở các địa phương cũng có phần tác động từ các loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Trước tình hình thực tế như hiện nay, mong muốn chung của tỉnh, cũng như ngành Nông nghiệp là khôi phục và phát triển diện tích trồng vú sữa, bởi nó là một trong những loại đặc sản của Tiền Giang, chưa kể những thông tin lạc quan về khả năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Nhưng suy cho cùng, việc khôi phục và phát triển diện tích trồng vú sữa trên địa bàn tỉnh lại là câu chuyện dài và không đơn giản. Điều này đang đứng trước thách thức là niềm tin của người trồng vú sữa và sự quyết tâm của chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, nếu khôi phục và phát triển diện tích trồng vú sữa cần đi vào những giải pháp và hành động cụ thể trên nền tảng là sự đồng thuận của người dân và quyết tâm của chính quyền địa phương.

Thu hoạch Thanh Long.
Thu hoạch Thanh Long.

Nhìn ở khía cạnh rộng hơn, niềm tin người nông dân đối với từng loại cây ăn trái thời gian qua thực sự cũng chưa thật vững chắc.

Thực tế là nhiều bài học đã được rút ra và cái giá phải trả cho việc chuyển đổi giống sản xuất mang tính phong trào cũng không nhỏ. Vì thế, việc chuyển đổi cây vú sữa, hay các loại cây ăn trái khác trong thời điểm hiện nay liệu có lặp lại câu chuyện cũ.

Điều này không ai dám chắc, ngay cả công tác dự báo về nhu cầu tiêu thụ từng loại nông sản cũng đã được đặt ra. Thực tế là câu chuyện “giằng co” về chuyển đổi cây trồng đang diễn ra trên cây vú sữa vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, khi hiện người dân các huyện phía Tây của tỉnh cũng đang “khẩn trương” chuyển đổi diện tích cây trồng này sang trồng cây sầu riêng, mít Thái.

Hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo lãnh đạo huyện Cai Lậy, người dân phía Bắc Quốc lộ 1 của huyện đang trồng rất nhiều mít Thái và mang tính tự phát là do thời gian gần đây giá bán cao.

Thông tin về diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh gần đây tăng nhanh cũng đang đặt ra nhiều góc nhìn khác nhau, kể cả yếu tố lo lắng.

Bởi chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích trồng thanh long đã tăng đến trên 730 ha. Ngay trên địa bàn huyện Tân Phước, chỉ từ năm 2015 đến nay, diện tích trồng thanh long đã tăng gần gấp đôi, đạt hơn 500 ha và dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 1.000 ha. Trong đó, nhiều diện tích trồng thanh long được người dân chuyển đổi từ diện tích trồng khóm trước đây.

Trước thực tế này, bên cạnh hiệu quả từ cây thanh long mang lại, lãnh đạo huyện Tân Phước cũng lo lắng về tình hình tiêu thụ tới đây do diện tích cây trồng này tăng quá nhanh. Đó không chỉ là nỗi lo của huyện Tân Phước, mà còn đối với các vùng trọng điểm trồng thanh long khác, nhất là huyện Chợ Gạo; bởi để đầu tư cho 1 ha trồng thanh long người dân phải bỏ ra ít nhất 400 triệu đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, kể cả vốn vay.

Chuyển đổi đối tượng sản xuất không chỉ diễn ra đối với cây ăn trái, mà dường như là câu chuyện chung của ngành Nông nghiệp. Thực tế cho thấy, muốn giữ hay chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thì niềm tin của người nông dân là quan trọng nhất, được dựa trên nền tảng là hiệu quả mang lại một cách bền vững. Một khi hiệu quả mang lại ổn định thì người sản xuất sẽ tự giữ gìn và phát triển.

Trên bình diện chung hiện nay, Nhà nước cũng khó dựa vào giải pháp mang tính hành chính, mà cái chính vẫn là tư vấn và cảnh báo cho nông dân. Với những gì đã và đang diễn ra, việc xây dựng niềm tin cho người nông dân thực sự không là câu chuyện dễ…

P. A

.
.
.