Grab mua Uber, có đáng lo?
Uber sẽ có 27,5% cổ phần sau sáp nhập vào Grab. Nguồn: AP |
Không phải đến khi Grab mua Uber thì việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) mới diễn ra ở Việt Nam.
Điều này đã trở thành bình thường từ nhiều năm nay, chỉ khác là số phận người lao động cũng như quyền lợi khách hàng của các thương vụ mua bán ấy không được đặt ra như trong vụ Grab mua Uber.
Cách đây 2 tháng, nhân sự kiện tài xế Grab không đồng tình với cách tính chiết khấu mới của Grab mà không biết “nhờ cậy” tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi, đã có chuyên gia cho rằng, các tài xế nên lập ra nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi của mình. Một tổ chức đứng ra đấu tranh chắc chắn sẽ mạnh hơn từng cá nhân. Tổ chức công đoàn hiện có ở nhiều DN vận tải, và thường chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người lao động trong DN. Trong khi đó, mối quan hệ giữa tài xế và Grab hay Uber cơ bản là mối quan hệ đối tác cùng làm ăn. Đến bây giờ cũng vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, các tài xế phải liên kết lại để đấu tranh nếu Grab có hành vi o ép.
Quay trở lại câu chuyện Grab mua Uber, thương vụ sáp nhập có tạo thế cho Grab độc quyền trong lĩnh vực taxi không? Việc này chỉ có thể khẳng định khi có đánh giá của ngành chức năng về thị phần của từng hãng taxi. Hiện ngoài Grab, ở TPHCM còn có Vinasun, Mai Linh, Phương Trang... Trong đó, Vinasun cũng đã lắp đặt công nghệ kết nối với khách hàng. Trên cả nước, Grab chỉ mới được cấp phép hoạt động ở vài thành phố lớn. Tết Mậu Tuất vừa qua, việc Vinasun không tăng giá cước, theo nhiều chuyên gia vận tải, đã có tác dụng “không cho Grab muốn tăng giá bao nhiêu cũng được”. Thị trường vận tải hành khách bằng taxi tại TPHCM hầu như chỉ căng thẳng, khó gọi xe vào các dịp lễ, tết. Bình thường, theo một chuyên gia trong ngành vận tải, tỷ lệ kilômét có khách trên kilômét vận doanh chỉ hơn 60%.
Với mức cung cầu như thế, DN nào có thể “làm mưa, làm gió”? Chưa kể đến một thực tế khác, hiện nay nhiều hãng taxi thường “đóng đô” ở các đầu mối giao thông như bến xe, trung tâm thương mại, bệnh viện..., “người lạ” khó chen chân vào. Hầu hết tài xế của Grab và Uber “chạy lẻ”, cơ hội nào cho họ chen chân vào các “lãnh địa” kia?
Nói tóm lại, cứ chờ một thời gian nữa xem sao. Có thể thấy, đây cũng là cơ hội cho các hãng taxi truyền thống tổ chức lại hoạt động và vận hành công nghệ mới để tham gia cuộc chơi. Còn các bác tài, cần nhanh chóng liên kết lại dưới một tổ chức hiệp hội, hoặc dựa vào tổ chức công đoàn tại DN, hợp tác xã vận tải mà mình đăng ký hoạt động, để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài ra, cũng phải nói, trong thời công nghệ 4.0 sẽ còn nhiều người lao động bị “đẩy” ra đường. Đau! Buồn! Nhưng cách tốt nhất để tồn tại là nhanh chóng chuyển đổi, bởi nếu không thay đổi, thì sẽ phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi.
(Theo sggp.org.vn)