Thứ Bảy, 31/03/2018, 11:19 (GMT+7)
.

Nhọc nhằn với PCI

Kết quả về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy sự chuyển động mạnh mẽ của các tỉnh, thành trong cả nước.

Nhọc nhằn cải thiện PCI do nhiều chỉ số thành phần duy trì ở mức điểm thấp, trong đó có đào tạo lao động.
Nhọc nhằn cải thiện PCI do nhiều chỉ số thành phần duy trì ở mức điểm thấp, trong đó có đào tạo lao động.

1. Đánh giá trên bình diện tổng thể, điều tra PCI năm 2017 cho thấy tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp (DN) về triển vọng kinh doanh. 52% DN dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Tỷ lệ DN dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%. Cảm nhận tích cực về triển vọng phát triển còn rõ rệt hơn ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi có tới 60% DN cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Mục tiêu cải thiện PCI

Mới đây nhất, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động 61 ngày 14-3-2017, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 19 ngày 6-2-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Mục tiêu cụ thể trong năm 2017 được đề cập trong Kế hoạch hành động 61 là phấn đấu đưa PCI của tỉnh vào nhóm được xếp hạng trên trung bình và không có chỉ số thành phần đạt dưới điểm 5, tiếp tục duy trì và nâng cao điểm số các chỉ số thành phần đã đạt trong các năm qua, không có chỉ số bị giảm điểm.

Đồng thời, tỉnh phấn đấu cải thiện điểm số của từng chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh mỗi năm tăng từ 5 đến 7 bậc, năm 2017 ở nhóm 40 và đến năm 2020 đứng trong nhóm 20 tỉnh, thành có PCI cao, thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành “Khá”.

Trong xu hướng chung đó, PCI của Tiền Giang cũng được ghi nhận có sự chuyển biến khi đạt được 61,44 điểm, xếp hạng 40/63 tỉnh, thành (xếp vào nhóm Trung bình) và tăng 8 bậc so với PCI năm 2016.

Nếu soi rọi vào cơ cấu 10 chỉ số thành phần PCI năm 2017 của Tiền Giang có thể thấy rằng, có đến 7 chỉ số tăng điểm, tăng cao nhất là Tính năng động, với mức tăng 1,5 điểm (từ 4,08 điểm của năm 2016 đã tăng lên 5,58 điểm năm 2017) và Tiếp cận đất đai tăng với mức 0,65 điểm (từ 5,61 điểm của năm 2016 tăng lên 6,26 điểm vào năm 2017).

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2017 của Tiền Giang, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự có điểm số thấp nhất, chỉ đạt 4,84 điểm. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Gia nhập thị trường của Tiền Giang những năm gần đây luôn ở mức rất cao nhưng năm 2017 lại giảm điểm rất sâu (từ 8,88 điểm của năm 2016 xuống còn 7,48 điểm trong năm 2017, với mức giảm 1,4 điểm).

Gia nhập thị trường cũng là chỉ số thành phần có mức giảm điểm cao nhất của PCI Tiền Giang năm 2017. Nhìn một cách tổng thể, điểm số của PCI Tiền Giang năm 2017 có tăng điểm và tăng bậc xếp hạng so với năm 2016 nhưng nhóm xếp hạng lại tụt giảm (từ nhóm Khá của năm 2016 sang năm 2017 thuộc nhóm Trung bình). Điều này chứng tỏ sự trỗi dậy của các tỉnh, thành ngày càng mạnh mẽ.

Nhìn một cách tổng thể, trong 13 lần liên tiếp PCI được công bố, Tiền Giang chỉ có một lần duy nhất được xếp vào nhóm Tốt (năm 2009 đạt 65,81 điểm, xếp hạng 9/63 tỉnh, thành); đa số các năm được xếp vào nhóm Khá và Trung bình; riêng PCI năm 2014 của Tiền Giang được xếp vào nhóm Tương đối thấp.

Đánh giá chung cho thấy rằng, qua 13 năm điểm số PCI của Tiền Giang không cải thiện đáng kể và có xu hướng sụt giảm kể từ năm 2010. Còn nếu xét trong mặt bằng khu vực, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn là khu vực có nhiều tỉnh, thành được đánh giá có PCI thuộc nhóm Tốt và Rất tốt; đồng thời, cũng là khu vực năng động trong việc cải thiện PCI.

Đa số các tỉnh, thành được đánh giá ở mức xuất phát điểm là Khá, sau đó đều vượt lên ở mức Tốt và Rất tốt. Đa phần các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội tương đối giống nhau nhưng nhiều tỉnh đã đạt được sự nổi trội, cũng như sự cải thiện tốt về PCI như: Đồng Tháp, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh...

So với các tỉnh trong vùng, ngoại trừ năm 2009, Tiền Giang nằm trong nhóm 3 tỉnh có PCI cao; trong các năm còn lại, PCI của Tiền Giang còn khá khiêm tốn, đặc biệt từ năm 2013 đến năm 2016, PCI của Tiền Giang chỉ xếp trên PCI của tỉnh Cà Mau. Riêng năm 2017, PCI của Tiền Giang có sự thay đổi vị trí trong khu vực ĐBSCL, khi xếp 9/13 tỉnh, thành.

Nhìn nhận một cách công bằng, vị trí PCI của Tiền Giang khó thay đổi nhanh, một phần là do điểm số hằng năm của Tiền Giang đạt được tương đối thấp, nhưng phần lớn cũng do sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Điểm đáng chú ý trong PCI của Tiền Giang là có một số chỉ số thành phần có điểm số tương đối thấp và kéo dài nhiều năm, chẳng hạn: Dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động hay tính năng động… Các chỉ số này hằng năm cũng có sự biến động, nhưng điểm số phần lớn nằm ở mức thấp, đã phần nào ảnh hưởng đến điểm số chung của PCI Tiền Giang.

Thực tế cho thấy rằng, Tiền Giang phấn đấu cải thiện PCI thì các tỉnh, thành khác cũng cố gắng thay đổi hình ảnh. Các chuyên gia cho rằng, rất khó so sánh về mặt thứ hạng giữa các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Bởi lẽ Tiền Giang, đặc biệt là TP. Mỹ Tho, có lịch sử hình thành lâu dài, với hơn 4.000 DN đang hoạt động, nên đòi hỏi của các DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng “khắt khe” hơn so với các tỉnh, thành khác trong khu vực.

2. Mặc dù PCI năm 2017 của Tiền Giang cải thiện không đáng kể nhưng vẫn được ghi nhận từ các chuyên gia. Đây là điều rất tốt và thể hiện sự kiên trì của Tiền Giang. Điểm nhấn đáng ghi nhận là trong những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm đến các vấn đề của DN, nhất là thông qua các buổi đối thoại.

Đặc biệt là trong năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức 4 lần đối thoại với DN để giải quyết từng khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của DN. Các lần UBND tỉnh tổ chức đối thoại với DN vừa qua đã đi vào các trường hợp chi tiết, cụ thể và DN đã đón nhận những tháo gỡ trực tiếp từ Chủ tịch UBND tỉnh đối với từng vấn đề cụ thể. Đó là yếu tố quan trọng để DN thỏa mãn và an tâm phát triển sản xuất - kinh doanh. Điều này đã góp phần quan trọng vào sự cải thiện chỉ số PCI của Tiền Giang trong năm 2017.

Nhìn ở khía cạnh khác, thời gian qua Tiền Giang cũng được đánh giá là một trong những tỉnh, thành quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

Theo đánh giá của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh trên Cổng Thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia của Tiền Giang tiếp tục được rút ngắn và nhanh nhất so với 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Theo đó, thời gian giải quyết hồ sơ mới của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang) giảm từ 1,22 ngày năm 2016 xuống còn 0,81 ngày làm việc trong năm 2017; thời gian xử lý hồ sơ thay đổi từ 0,99 ngày năm 2016 xuống còn 0,49 ngày làm việc trong năm 2017. Điều này cũng được cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh ghi nhận.

Công bằng mà nói, lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm đến việc cải thiện PCI của Tiền Giang thông qua chủ trương, chính sách và nhiều hoạt động hỗ trợ DN cũng được các sở, ngành, UBND tỉnh thực hiện. Đặc biệt là vào năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 1420 về việc rà soát việc thực hiện hỗ trợ DN tác động đến PCI Tiền Giang.

Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 122 ngày 5-6-2015 thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh 2 năm 2015 - 2016. Song song đó, UBND tỉnh đã phối hợp VCCI  Chi nhánh Cần Thơ tổ chức 2 Hội thảo: Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 - tỉnh Tiền Giang (được tổ chức trong tháng 9-2015) và Hội thảo Xây dựng giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 - tỉnh Tiền Giang (được tổ chức trong tháng 3-2016).

Nhìn vào kết quả năm 2017 vừa được công bố cho thấy, PCI Tiền Giang dường như chỉ đạt mục tiêu tăng bậc (tăng 8 bậc so với năm 2016), còn các chỉ tiêu khác chưa đạt được, bởi vẫn còn chỉ số thành phần dưới 5 điểm (chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự chỉ đạt 4,84 điểm), có đến 3 chỉ số thành phần giảm điểm (Gia nhập thị trường, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự) và mục tiêu xếp hạng trên trung bình của nhóm Khá cũng chưa đạt được (năm 2017, PCI Tiền Giang xếp vào nhóm Trung bình).

Điều này một lần nữa cho thấy rằng, việc cải thiện PCI của Tiền Giang rất nhọc nhằn, mặc dù lãnh đạo tỉnh rất quyết tâm. Tuy nhiên, với đà quyết tâm như hiện nay, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng trong các năm tiếp theo PCI của Tiền Giang sẽ được cải thiện một cách đáng kể hơn…

Diễn biến PCI của Tiền Giang
qua các năm

STT

Năm khảo sát

Điểm

Xếp hạng

1

2005

55,90

27/42+

2

2006

52,32

33/63

3

2007

64,63

12/63

4

2008

57,27

21/63

5

2009

65,81

9/63

6

2010

59,63

24/63

7

2011

59,58

31/63

8

2012

57,63

29/63

9

2013

57,19

37/63

10

2014

55,11

52/63

11

2015

56,74

49/63

12

2016

57,25

48/63

13

2017

61,44

40/63

+ Năm 2005 PCI chỉ khảo sát trên 42 tỉnh, thành

PHƯƠNG ANH
 

.
.
.