Thuế nhập khẩu giảm, ô tô lại tăng giá
Kể từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm xuống mức 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Tuy nhiên, giá xe trong nước bao gồm cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp nội địa đã không giảm như người tiêu dùng kỳ vọng, thậm chí còn tăng mạnh.
Lượng xe nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, mặc dù thuế nhập khẩu xe từ ASEAN giảm mạnh. Ảnh minh họa: TL |
Trước khi bước vào năm 2018, thời điểm thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nền kinh tế trong ASEAN vào Việt Nam giảm từ mức 30% về 0% theo cam kết trong ATIGA, người tiêu dùng đã kỳ vọng mua được xe nhập khẩu với giá giảm. Thế nhưng, trên thực tế, giá xe đã tăng lên một cách đáng kể (xe nhập khẩu nguyên chiếc lẫn xe lắp nội địa). Ví dụ, các mẫu xe lắp ráp SUV Mazda CX5 2018 tăng đồng loạt 30 triệu đồng ở các phiên bản, Mazda 6 cũng tăng 20 triệu đồng và các dòng Mazda khác do Trường Hải lắp ráp đều tăng ít nhất 10 triệu đồng mỗi chiếc. Các dòng xe Honda CRV nhập khẩu đều tăng thêm ít nhất 25 triệu đồng nhưng lại không có hàng để bán. Qua sự ghi nhận của TBKTSG Online, xe nhập khẩu từ ASEAN hay ngoài khu vực này không hề giảm giá bán, kéo theo giá xe trong nước cũng tăng cao.
Điều đáng nói không phải là yêu cầu của ATIGA, chỉ những xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khu vực ASEAN đạt mức 40% thì thuế nhập khẩu mới bằng 0%, mà chính sự tác động của những chính sách khác ở Việt Nam đã khiến nguồn cung xe nhập khẩu trở nên khan hiếm, dẫn đến hàng đội giá. Do đó, nguồn cung trong nước thắng thế và cũng tăng giá theo.
Khi mua một chiếc xe ô tô, người tiêu dùng sẽ phải chịu 3 loại thuế chính đó là thuế nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Cách tính các loại thuế này như sau: - Thuế xe ô tô nhập khẩu: Thuế nhập khẩu xe ô tô từ các nước ASEAN là 30% (về mức 0% từ 1-1-2018) và từ ngoài khu vực là 70%. - Thuế tiêu thụ đặc biệt: Tùy thuộc vào mỗi loại xe mà thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có sự khác nhau đáng kể. Nhìn chung, thuế tiêu thụ đặc biệt của dòng xe dưới 9 chỗ tại Việt Nam sẽ vào khoảng 40-150%. - Thuế giá trị gia tăng (VAT): Đối với ô tô, thuế VAT được tính là 10% của giá sau thuế tiêu thụ đặc biệt. |
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1 chỉ có 17 xe du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống được nhập về, bằng 14% so với cùng kỳ. Nửa đầu tháng 12 chỉ có 10 xe nhập về. Riêng xe tải và các chủng loại xe khác vẫn nhập bình thường, nhưng chủ yếu từ Nga, nơi đang được ưu đãi theo Hiệp định kinh tế Á-Âu. Lý do xe nhập khan hiếm là do Nghị định 116/2017 về điều kiện nhập khẩu kinh doanh ô tô yêu cầu các nhà nhập khẩu phải có chứng nhận chất lượng kiểu loại xe , kiểm tra thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu, quy định đường thử đối với các nhà sản xuất...
Phía các nhà nhập khẩu xe như Toyota hay Ford đã phản đối các loại giấy mà họ cho rằng chưa có thông lệ quốc tế, đồng thời tạm dừng nhập khẩu xe đến hết tháng 3 vì chưa đủ giấy tờ. Kể cả các dòng xe lắp ráp tại Thái Lan cũng tạm dừng để bổ sung giấy tờ mới. Xe nhập khan hiếm dẫn đến xe lắp ráp trong nước có điều kiện tăng giá như đã nói ở trên. Cộng với hàng chục loại thuế như tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và gần chục loại phí “đánh” vào một chiếc xe mới có thể lăn bánh nên xe ô tô nhập khẩu hay lắp ráp về Việt Nam trong quí 1 năm nay đã không hề giảm như kỳ vọng được chờ đợi.
(Theo thesaigontimes.vn)