Thứ Tư, 04/04/2018, 11:30 (GMT+7)
.

Chấn chỉnh để giữ thương hiệu cho vú sữa xuất khẩu

Nhu cầu nhập khẩu trái vú sữa của thị trường Hoa Kỳ rất lớn, dẫn đến một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ở Việt Nam quan tâm số lượng mà “quên” chất lượng, mẫu mã. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến trái vú sữa của Việt Nam ở thị trường này.

Đến nay, ngành chuyên môn khẳng định đã chấn chỉnh tình trạng trên, còn nông dân cho rằng tiếp tục canh tác theo những yêu cầu của phía đối tác để trái vú sữa tiếp tục được xuất khẩu đi Hoa Kỳ.

Thu hoạch vú sữa ở xã Bình Trưng (huyện Châu Thành).
Thu hoạch vú sữa ở xã Bình Trưng (huyện Châu Thành).

NGƯỜI TRỒNG KỲ VỌNG

Tham gia cung cấp trái vú sữa xuất khẩu đi Hoa Kỳ, ông Hồ Văn Tuấn, ấp Phú Hòa, xã Phú Phong (huyện Châu Thành) đang có 0,7 ha trồng vú sữa theo các yêu cầu của thị trường này. Hái những trái vú sữa cuối mùa đãi khách, ông Tuấn tâm sự: “Nhà vườn rất vui mừng khi nghe thông tin loại trái cây này được xuất đi Hoa Kỳ. Việc xuất khẩu trái vú sữa vào thị trường nào không quan trọng, mà chủ yếu là thay đổi được cách canh tác, đầu ra ổn định, giá trị trái cây này được nâng lên”.

Trong vụ vú sữa vừa qua, gia đình ông Tuấn thu hoạch 0,7 ha được 16 tấn trái, bán với giá từ 15.000 - 32.000 đồng/kg (tùy chất lượng, tùy thời điểm), sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 150 triệu đồng. “Khu vực này, người trồng vú sữa không nhiều nên việc tham gia vùng trồng để xuất khẩu sang Hoa Kỳ rất khó.

Tuy vậy, nhà tôi vẫn tham gia, vì vừa qua chúng tôi được tập huấn và đã áp dụng thành công việc sản xuất vú sữa theo yêu cầu của thị trường này. Kết quả, ngành chức năng của tỉnh thông báo chuẩn bị cấp mã số vùng trồng nơi đây và đã có doanh nghiệp bao tiêu trái vú sữa để xuất sang Hoa Kỳ”.

Là một trong những nhà vườn tham gia xuất khẩu trái vú sữa sang Hoa Kỳ trong vụ vừa qua, ông Huỳnh Văn Thọ, ấp Nam, xã Long Hưng (huyện Châu Thành) phấn khởi: “Gia đình tôi trồng 0,4 ha vú sữa Lò Rèn được hơn 7 năm tuổi. Trong vụ rồi, tôi bán được hơn 6 tấn trái. Thật ra, giá chênh lệch giữa xuất khẩu, thương lái mua không nhiều, chỉ khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg, nhưng điều quan trọng là khi tham gia vào xuất khẩu nhà vườn đã nâng cao kỹ thuật canh tác, áp dụng được những quy trình canh tác theo hướng thân thiện với môi trường”.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh một số thông tin bất lợi, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu trái vú sữa, ông Thọ cho biết: “Trong đợt trái đầu vụ, doanh nghiệp chọn trái vú sữa xuất khẩu có phần thoáng hơn, một phần do trái đầu vụ có chất lượng và mẫu mã đẹp. Khoảng vài tháng trở lại đây, doanh nghiệp bao tiêu trái vú sữa xuất khẩu lựa chọn nghiêm ngặt hơn; tỷ lệ trái được chọn chỉ khoảng 30% - 60% trên một đợt hái do một phần cuối vụ nhà vườn lơ là trong chăm sóc, cũng như chất lượng trái không còn lớn, đẹp như trước”.

CHẤN CHỈNH YẾU KÉM

Xung quanh trái vú sữa gặp một số vấn đề khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Do nhu cầu của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ về trái vú sữa của Việt Nam rất lớn nên một số doanh nghiệp tranh thủ thu mua xuất khẩu mà ít quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, nhất là ruồi đục trái.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, tính đến cuối tháng 2-2018, cả nước có 13 doanh nghiệp xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ, với số lượng 240 tấn. Đây là số lượng tương đối lớn trong khoảng thời gian ngắn sau khi phía Hoa Kỳ chính thức cho nhập khẩu trái vú sữa vào thị trường này. Sau khi có thông tin trục trặc trong việc xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu và đã chấn chỉnh vấn đề này”.

Theo đó, những doanh nghiệp được cấp mã số vùng trồng, có vùng nguyên liệu và có bao trái thì tiếp tục xuất khẩu nhưng phải tăng cường kiểm soát ruồi đục trái. Đối với những doanh nghiệp không đáp ứng được những vấn đề trên thì tạm dừng xuất khẩu, đến khi đủ tiêu chuẩn mới cho xuất khẩu tiếp.

Từ thực tế trên, Tiền Giang tiếp tục tập huấn cho nông dân phòng trừ sâu, bệnh trên cây vú sữa, hướng dẫn bao trái và sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp xác định vùng trồng mới để được cấp mã số, mở rộng vùng trồng được cấp mã số.

Tiền Giang cũng yêu cầu các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vú sữa phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên môn để được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP cho các vùng trồng đã được cấp mã số trong tỉnh và tiến tới chứng nhận VietGAP.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh rất kỳ vọng vào việc xuất khẩu trái vú sữa vào thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ. Bởi đây là bước đệm để đưa các loại nông sản khác vào thị trường này, cũng như các thị trường khó tính khác.

Chính vì vậy, ngành đang triển khai thực hiện mô hình quản lý bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa, xây dựng “Dự án thí điểm khôi phục cây vú sữa Lò Rèn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện.

Trong đó, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi toàn diện để đảm bảo điều tiết nước tốt cho vùng trồng; thiết kế lại hệ thống mương, liếp trồng vú sữa theo quy cách, sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, gắn mã số toàn bộ vùng trồng; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao quy trình quản lý bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa đã ban hành như: Trồng giống sạch bệnh từ cây đầu dòng và vườn đầu dòng; chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu, bệnh, sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc hữu cơ vi sinh, sinh học; bao trái, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, sản xuất vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, ngành cũng tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, lấy liên kết chuỗi làm trung tâm; củng cố, nâng chất các hợp tác xã, tổ hợp tác để thực hiện liên kết chuỗi; thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, duy trì việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ và mở rộng sang các thị trường khác.

SĨ NGUYÊN

.
.
.