Chuyện dài về lệch giá nông sản
Từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng, giá nông sản có sự chênh lệch lớn. Dù đã được đem ra “mổ xẻ” nhiều lần, nhưng “bài toán” này vẫn chưa được giải quyết
“THEO” NÔNG SẢN RA CHỢ
Sau tết, số lượng sa pô về chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) rất nhiều. Do đang vào mùa nên sa pô có giá không cao, trái loại 1 chỉ có giá trên 10.000 đồng/kg, trái loại 2 và 3 chỉ tầm 4.000 - 5.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối giá như vậy, nhưng khi đến tay người tiêu dùng, giá loại trái cây này được đẩy lên nhiều lần.
Cũng trong ngày, chúng tôi có mặt tại TP. Mỹ Tho và chứng kiến một người bày bán sa pô trên đường Nguyễn Trãi (phường 7) với giá 15.000 đồng/kg, (loại sa pô này ở chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg).
Từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng, giá nông sản có sự chênh lệch không nhỏ. |
Còn đối với các huyện phía Đông của tỉnh, sau tết, rau màu đồng loạt xuống giá gây khó khăn cho nông dân. Chúng tôi theo chân một thương lái đến mua rau màu tại ruộng ở huyện Gò Công Tây. Tại đây, nhiều loại rau màu có giá trung bình từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Chị Võ Thị Kim Hải (xã Bình Phú) có 2 công đất trồng mướp cho biết, những ngày gần đây, giá mướp được các thương lái thu mua chỉ khoảng 3.000 đồng/kg.
“Mướp được thương lái mua với giá 3.000 đồng/kg, nhưng tại một số chợ, mướp được bán với giá gấp 2 - 3 lần, thậm chí còn cao hơn. Không riêng gì vụ mướp này, những vụ trước, nhà tôi trồng dưa leo, khổ qua thì cũng bị tình trạng tương tự. Dịp tết, khổ qua tại các chợ “sốt giá” đến gần 50.000 đồng/kg, nhưng thương lái mua tại vườn chỉ hơn 20.000 đồng/kg”- chị Hải cho biết thêm.
Làm gì để không phải “giải cứu” nông sản? Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều cuộc “giải cứu” nông sản do nông sản làm ra không ai mua hoặc bán với giá “rẻ như bèo”. Ở tỉnh, sau tết, cải thìa giá rẻ như cho, nhiều nhà vườn phải nhổ bỏ, dẫn đến phải “giải cứu”. Có thể nói, chưa bao giờ các cuộc “giải cứu” nông sản lại diễn ra nhiều như vậy. Theo Tiến sĩ Lê Hữu Hải, hiện nay, nông dân còn sản xuất theo cảm tính, chưa nắm bắt nhu cầu của thị trường, trong khi đó công nghiệp phụ trợ như chế biến, bảo quản còn hạn chế dẫn đến cung vượt cầu. Do vậy, việc liên kết sản xuất và đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ gắn với vùng trồng là một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng trên. |
Để làm rõ sự lệch giá nông sản từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng, chúng tôi đã khảo sát giá các loại nông sản bán tại một số chợ.
Tại các chợ như chợ Cũ (phường 8) và chợ Mỹ Tho (phường 1, TP. Mỹ Tho), giá nhiều loại nông sản đều cao hơn gấp 2 - 3 lần so với tại vườn; thậm chí, có những loại còn cao hơn gấp nhiều lần.
Theo một số thương lái, sở dĩ có tình trạng lệch giá trong tiêu thụ nông sản là do trong quá trình vận chuyển dễ xảy ra tình trạng hư hỏng, giá lên xuống thất thường. Do vậy, thương lái thường “cơi” giá để bù vào những khoản rủi ro trên.
Theo một thương lái thu mua rau màu tại TX. Gò Công, thương lái đến mua nông sản của nông dân tại ruộng chỉ lời khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Sau đó, thương lái phải vận chuyển về để giao cho các chợ đầu mối. Tại đây, tiểu thương ở các chợ đến lấy hàng về bán cho người tiêu dùng. Như vậy, nông sản từ vườn phải qua 3 - 4 khâu trung gian mới tới tay người tiêu dùng nên làm giá nông sản đội lên nhiều lần so với giá gốc.
LỜI GIẢI NÀO?
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, do từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng, nông sản phải trải qua nhiều khâu trung gian nên dẫn đến việc lệch giá. Đó cũng là do nông dân không có sự liên kết với nhau. Nếu có tổ chức đứng ra làm đại diện cho nông dân thì sẽ giảm được khâu trung gian, từ đó sẽ giảm được khoản lệch giá từ người sản xuất đến người tiêu dùng.
Từ thực trạng giá mãng cầu Xiêm tại vườn chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng khi bán tại một số chợ lại có giá khoảng 25.000 đồng/kg, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông Nguyễn Trung Hòa cho biết, bên cạnh các khâu trung gian, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lệch giá trong tiêu thụ trái mãng cầu Xiêm là việc vận chuyển loại trái này rất khó, rất dễ dẫn đến hư hỏng. Vì vậy, thương lái sẽ bù phần hư hỏng bằng cách tăng giá bán. Hiện nay, địa phương đang cố gắng phát triển sản xuất gắn với sơ chế và chế biến.
Có thể nói rằng, việc “đội giá” để bù nông sản hư hỏng trong quá trình vận chuyển là một thực tế, nhưng mức lệch giá như thế nào hợp lý lại không dễ xác định. Còn nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy rằng, nhiều khâu trung gian trong tiêu thụ chỉ là bề nổi trong câu chuyện lệch giá nông sản.
Theo Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, đặc điểm của ngành Nông nghiệp tỉnh là nhỏ lẻ, người dân còn sản xuất theo cảm tính nên sự lệch giá nông sản từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng cũng là điều tất yếu. Những nguyên nhân khiến nông sản có sự chênh lệch lớn về giá là nông dân mạnh ai nấy làm, khâu bảo quản và chế biến sau thu hoạch còn rất yếu.
Do vậy, việc tiêu thụ nông sản hầu như chỉ phụ thuộc vào thương lái. Cụ thể, đối với cây sầu riêng ở tỉnh, hầu như chỉ tiêu thụ trái tươi, có rất ít sản phẩm được chế biến từ trái này. Trong khi ở Thái Lan, họ có khoảng vài chục sản phẩm được chế biến từ trái sầu riêng.
“Để nông dân không còn cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay cụ thể là sự lệch giá trong tiêu thụ nông sản, việc liên kết sản xuất là rất cần thiết. Việc thiếu liên kết, thiếu người đại diện dẫn đến sản xuất nông nghiệp vẫn cứ loay hoay với “bài toán” đầu ra.
Nếu có hợp tác xã đứng ra đại diện thu mua, tổ chức sản xuất thì sẽ giảm được sự chênh lệch giá trong tiêu thụ nông sản. Song, có một thực trạng là hiện nay nhiều hợp tác xã chỉ hoạt động trên danh nghĩa, hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến tình trạng không nhận được sự tin tưởng của nông dân. Câu chuyện liên kết sản xuất đã trở thành để tài đem ra bàn bạc nhiều, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được” - Tiến sĩ Lê Hữu Hải cho biết thêm.
MINH THÀNH