Thứ Tư, 11/04/2018, 16:55 (GMT+7)
.

Góc nhìn khác về PAPI

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) được xem là góp phần chỉ ra những nội tại trong quản trị và hành chính công cấp tỉnh, dựa trên 6 chỉ số thành phần: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính (TTHC) công và Cung ứng dịch vụ công.

Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp đang được triển khai thực hiện.

Tỉnh đang quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến.                                                                                  Ảnh: Minh Thành
Tỉnh đang quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Minh Thành

Trên nền tảng chung đó, mỗi tỉnh, thành trên cả nước đều nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI hằng năm. Và tất nhiên, đó cũng là câu chuyện dài và không đơn giản. Nhìn về góc độ địa phương, Chỉ số PAPI của Tiền Giang trong những năm gần đây cũng có sự dao động theo hướng tăng giảm.

Đây có lẽ là xu thế chung, bởi mỗi tỉnh, thành đều không ngừng thay đổi phương thức điều hành, với quyết tâm thay đổi Chỉ số PAPI nói riêng và thay đổi hình ảnh địa phương nói chung.

Chỉ số PAPI năm 2017 của Tiền Giang vừa được công bố, tuy có một số chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2016 nhưng cũng cần được nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, ở nhiều khía cạnh hơn.

Bởi sự tăng giảm của các chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số PAPI dường như cũng chỉ mang tính nhất thời, chưa phản ánh toàn diện những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua.

Bởi trên thực tế, nếu soi rọi Chỉ số PAPI trong 5 năm gần đây, Tiền Giang cũng có nhiều chỉ số thành phần duy trì ở mức điểm số khá cao, trên 6 điểm, như: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; TTHC công và Cung ứng dịch vụ công. Còn nếu nhìn kỹ vào nội dung của từng chỉ số cũng cho thấy nhiều điểm sáng.

Chẳng hạn như Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công bao gồm 4 nội dung: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền; Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; Công bằng trong tuyển dụng vào Nhà nước và Quyết tâm chống tham nhũng đều duy trì ở điểm số khá cao qua nhiều năm, đặc biệt là ở nội dung Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền và Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công. Hay như Chỉ số TTHC công cũng duy trì ở mức điểm tương đối cao.

Chỉ số này được dựa trên 4 chỉ số nội dung: Chứng thực/xác nhận; Giấy phép xây dựng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và TTHC cấp xã, phường.

Nếu nhìn ở khía cạnh Chỉ số Cung ứng dịch vụ công của Tiền Giang cũng để lại nhiều điểm sáng. Điều này một phần được thể hiện qua sự quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, dù kết quả chưa thực sự như mong đợi, nhưng đã mang lại rất nhiều tiện ích.

Một trong những bằng chứng là, đến nay tất cả các TTHC của tỉnh đều được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh (motcua.tiengiang.gov.vn). Theo thống kê gần đây cho thấy, có hơn 1.600 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp đạt mức độ 2, hơn 815 dịch vụ đạt mức độ 3 và 226 dịch vụ đạt mức độ 4.

Có thể khẳng định rằng, dịch vụ công trực tuyến đã giúp người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, tìm hiểu về các TTHC qua môi trường mạng Internet mà không phải trực tiếp đến cơ quan cung cấp TTHC, góp phần giúp cơ quan nhà nước giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh, thuận tiện, khoa học hơn; người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các TTHC; đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ những cán bộ công quyền…

Nhìn ở khía cạnh khác, việc triển khai theo mô hình quản lý tập trung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh và đưa vào sử dụng chính thức tại 11/11 UBND cấp huyện, thị, thành và 173/173 xã, phường, thị trấn trên 6 lĩnh vực: Hành chính tư pháp, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội, lĩnh vực đất đai bước đầu phần mềm mang lại nhiều hiệu quả như: Hầu hết các quy trình, TTHC đã được cập nhật vào phần mềm, phục vụ giải quyết hồ sơ, TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, phục vụ người dân và doanh nghiệp tra cứu tình trạng hồ sơ qua mạng một cách tiện lợi, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí, giảm tình trạng hồ sơ trễ hẹn. Điều này một phần chứng minh tiến trình cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định.

Chưa kể, kết quả mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2017 (Vietnam ICT Index 2017) cũng cho thấy, Tiền Giang có nhiều chuyển biến khi được xếp thứ 9/63 tỉnh, thành.


Tất nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, mặc dù có rất nhiều cố gắng, quyết tâm của tỉnh và các sở, ngành, địa phương nhưng việc chuyển động Chỉ số PAPI là điều không dễ và cần phải có lộ trình.

Bởi trên bình diện tổng thể, muốn thay đổi Chỉ số PAPI còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, chưa kể yếu tố cạnh tranh trong cải cách giữa các tỉnh, thành với nhau.

Nhưng suy cho cùng, Chỉ số PAPI cũng góp phần giúp địa phương nhìn nhận lại một cách toàn diện hơn trong việc quản trị và hành chính công. Đó cũng là một xu thế tất yếu và đòi hỏi luôn có sự thay đổi…

ĐIỂM CHỈ SỐ PAPI CỦA TIỀN GIANG QUA 5 NĂM GẦN ĐÂY

 

Năm 2017

Năm 2016

Năm 2015

Năm 2014

Năm 2013

Tham gia của người dân ở cấp cơ sở

4.83

5.06

4.36

4.55

5.48

Công khai, minh bạch

5.21

5.80

4.95

5.39

5.79

Trách nhiệm giải trình với người dân

4.72

4.94

5.22

5.53

5.75

Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

6.96

6.99

6.15

6.47

7.60

Thủ tục hành chính công

7.30

7.25

6.96

6.94

7.34

Cung ứng dịch vụ công

6.62

6.52

6.42

6.74

6.69

CỘNG

35.64

36.56

34.06

35.62

38,65

(Nguồn: www.papi.org.vn)

 

P.A

.
.
.