Hướng tới vùng chuyên canh nông sản an toàn
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang tập trung xây dựng và phát triển vùng trồng rau và thanh long theo hướng an toàn nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hướng đến sản xuất an toàn, góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đây là nền tảng hình thành vùng chuyên canh đạt tiêu chuẩn tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm… Tuy vậy, sản lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường vì nhiều lý do khác nhau.
Trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP tại Nông trại Cát Tường. |
XÂY DỰNG VÙNG RAU MÀU AN TOÀN
Vùng chuyên canh rau màu của tỉnh đang được trồng tập trung tại các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và TX. Gò Công. Hiện nay, diện tích rau màu có trên 55,3 ngàn ha, cung cấp sản lượng trên 1 triệu tấn, với nhiều chủng loại khác nhau như: Rau ăn lá, ăn củ và rau gia vị.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Nguyễn Tấn Quốc, năm 2007 - 2010, Tiền Giang xây dựng Đề án “Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Tiền Giang”, với quy mô 500 ha và được triển khai ở 3 huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và TX. Gò Công.
Năm 2014, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng mô hình thí điểm chuỗi cung ứng thực phẩm rau an toàn tại Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Gò Công (TX. Gò Công) và HTX Rau an toàn Thạnh Hưng (huyện Gò Công Tây).
Năm 2015, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục xây dựng Dự án “Xây dựng và nhân rộng vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” và được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 100 ha.
Nói về tình hình liên kết và tiêu thụ rau an toàn, ông Nguyễn Tấn Quốc cho biết, tổng diện tích rau đạt VietGAP hiện nay trên 150 ha, cung cấp sản lượng hằng năm trên 18 ngàn tấn.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã cố gắng phối hợp xây dựng, gắn kết các chuỗi sản xuất - kinh doanh cho các Tổ hợp tác (THT), HTX thông qua các chương trình kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại và thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP. Hồ Chí Minh như: HTX Rau an toàn Gò Công, HTX Rau an toàn Thạnh Hưng, HTX Rau an toàn Tân Đông, HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh, Công ty TNHH Nông sản Gò Công, THT Rau an toàn Long Hưng, THT Sản xuất rau an toàn Thuận Hòa và HTX Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ Phú Quới.
Đánh giá việc xây dựng và nhân rộng vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, gắn kết chuỗi sản xuất - kinh doanh rau trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Hóa cho rằng, trên địa bàn tỉnh đã hình thành liên kết sản xuất và kinh doanh rau an toàn bền vững, đã tạo ra chuỗi cung ứng an toàn cho người tiêu dùng, cung cấp 5 - 6 ngàn tấn/năm.
Đây là tiền đề để nhân rộng và phát triển nhiều đối tượng khác, góp phần mở hướng đi mới cho ngành sản xuất rau an toàn bền vững tại Tiền Giang. Việc sản xuất này còn giúp nông dân tham gia có thu nhập ổn định, tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích sản xuất. Ngoài ra, những vùng rau này còn tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua HTX, THT.
Sản xuất rau ăn lá đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông). |
SẢN XUẤT THANH LONG THEO GAP
Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 ha trồng thanh long, sản lượng gần 60 ngàn tấn/năm và tập trung ở 4 huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước và Gò Công Đông. Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt về việc đăng ký sản xuất thanh long theo hướng bền vững (GAP) và ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã hỗ trợ cho 5 THT, HTX được chứng nhận VietGAP, với diện tích trên 60 ha, nâng tổng diện tích được chứng nhận GAP trên 315 ha. Tiền Giang đang phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng thanh long đạt trên 10.000 ha, trong đó có khoảng 4.000 ha đạt tiêu chuẩn GAP.
Việc quy hoạch vùng trồng đã có, vấn đề tiêu thụ sản phẩm này ở đâu? Ai thu mua cho nông dân? Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Nguyễn Tấn Quốc cho biết, trên địa bàn tỉnh có 45 doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến và đóng gói thanh long với sản lượng tiêu thụ trên 2.000 tấn/tháng; các cơ sở nhỏ và HTX tiêu thụ mỗi tháng khoảng 50 - 100 tấn. Hằng năm, các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp thanh long vào thị trường Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức, Bỉ, Na Uy, Trung Quốc…
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường Đoàn Văn Sang, doanh nghiệp đóng gói thanh long xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, với thương hiệu “Thanh long Cát Tường Tiền Giang”, chia sẻ: “Năm 2016, công ty đã xuất khẩu được 54.000 tấn và năm 2017 được khoảng 100.000 tấn. Hiện nay, công ty đã tổ chức được trên 20 đầu mối tiêu thụ trực tiếp tại các thành phố lớn của Trung Quốc, kể cả thủ đô Bắc Kinh”.
Trao đổi vấn đề này, Giám đốc HTX thanh long Mỹ Tịnh An Võ Chí Thiện cũng cho biết: “HTX chủ yếu sản xuất, thu mua cung ứng thanh long cho thị trường Trung Quốc. Gần đây, HTX liên kết với các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cung ứng nông sản và gia công đóng gói xuất khẩu thanh long theo yêu cầu sang các nước như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức… Trong năm 2015, HTX xuất hơn 300 tấn thanh long, năm 2016 và 2017 đã xuất được 1.000 tấn”.
Tuy vậy, việc sản xuất rau và thanh long theo hướng an toàn cũng còn nhiều khó khăn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Nguyễn Tấn Quốc cho biết, số lượng nông dân tham gia sản xuất rau, thanh long còn nhiều hạn chế so với quy mô của tỉnh. Việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa bền vững.
Sản xuất rau, thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị, bến ăn tập thể chiếm tỷ lệ nhỏ. Một số mô hình sản xuất rau, thanh long theo VietGAP chưa gắn kết được với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm…
Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là phát triển chuỗi giá trị; thay đổi mô hình sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu liên kết sang sản xuất quy mô lớn; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp và nông dân. Ngoài ra, ngành còn tập trung xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu sản phẩm rau, thanh long…
SĨ NGUYÊN