Thứ Tư, 04/04/2018, 11:31 (GMT+7)
.

Kinh doanh online, có dễ?

Sản phẩm được người bán đăng trên mạng.
Sản phẩm được người bán đăng trên mạng.

Kinh doanh online (mua bán qua mạng) đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn, công việc tưởng như dễ dàng nhưng lại khá rủi ro.

NHIỀU TIỆN LỢI

Công nghệ thông tin phát triển, nhiều người bắt đầu lựa chọn hình thức kinh doanh online, với chủ yếu là người bán đăng sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… Phải nói rằng, lợi ích của kinh doanh online là người bán đầu tư vốn ít, không phải thuê mặt bằng, nhân công.

Ngoài ra, mua sắm qua online giúp khách hàng đỡ mất thời gian đi lại, sản phẩm đa dạng về mẫu mã. Em Thùy Quyên (huyện Cai Lậy) chia sẻ: “Bán hàng online đầu tư ít vốn, lại còn dễ dàng kết nối với khách hàng. Dù em còn đang đi học nhưng vẫn bán được, bình quân lãi khoảng 3 triệu đồng/tháng, giúp trang trải chi phí học tập, sinh hoạt”.

Cũng chọn kinh doanh online, chị Nguyễn Duy Kiều Chinh (phường 3, TP. Mỹ Tho) chia sẻ: “Tôi kinh doanh qua mạng từ năm 2016 vì lúc đó vô tình lấy được nguồn hàng giá tốt, muốn kiếm thêm thu nhập. Lúc đầu, tôi nhờ người thân quen, bạn bè ủng hộ, sau này có thêm nhiều khách mới đặt hàng. Kinh doanh online rất thoải mái và dễ dàng, mỗi tháng trừ chi phí, tôi còn lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng. Bây giờ đã có lượng khách ổn định nên sắp tới tôi sẽ nhập thêm nhiều mặt hàng để bán như: Quần áo, trà giảm cân, mật ong, tiêu…”. 

KHÔNG ÍT RỦI RO

Kinh doanh online đã trở thành trào lưu, đa phần người mua, bán đều qua thỏa thuận trên mạng và hầu như là khách lạ nên dễ xảy ra trường hợp đặt hàng nhưng lại không lấy, lừa đảo. Bên cạnh đó, nhà phân phối cũng tham gia bán hàng online nên gây không ít khó khăn cho người bán…

Chị Ngọc Thảo (huyện Tân Phú Đông) cho biết: “Hiện nay, có nhiều trường hợp nhà phân phối bán giá sỉ bằng với giá bán lẻ, thậm chí tham gia bán online, gây không ít khó khăn cho những người kinh doanh online nhỏ lẻ. Để khách hàng tin tưởng, tôi thường livestream các sản phẩm để khách có thể nhìn rõ”.

Thực tế cho thấy, giữa người mua và người bán online vẫn thường xuyên xảy ra “xung đột” về chất lượng, mẫu mã khi sản phẩm không như lời người bán đã tư vấn.

Không ít trường hợp người kinh doanh online nhập hàng nhưng không bán được dẫn tới lỗ vốn; có sản phẩm bị hỏng, vỡ do quá trình vận chuyển, người bán đành ngậm ngùi chịu mất vốn.

Việc bán và mua online đều phải qua khâu trung gian, đó là bên vận chuyển hàng hóa, phí này đôi lúc cao hơn cả phần lãi nên cũng gây trở ngại trong việc mua, bán qua hình thức này…

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Nguyễn Thị Nga cho biết, kinh doanh online tạo nhiều thuận lợi cho người bán lẫn người mua.

Tuy nhiên, cũng có nhiều đối tượng kinh doanh với hành vi gian dối, lừa đảo như giao hàng không đúng giá trị, không đúng chất lượng làm ảnh hưởng xấu tới người kinh doanh chân chính.

Thời gian qua, Hội đã tiếp nhận vài trường hợp phản ánh của người dân như: Khách mua chiếc điện thoại nhưng khi nhận lại là bộ đồ nữ và chai nước rửa bình sữa; khách đặt chai sữa tắm và nước hoa cao cấp trị giá hơn 6 triệu đồng nhưng nhận là chai sữa tắm có giá chỉ hơn 100.000 đồng…

Nhận được đơn khiếu nại, Hội đã phối hợp với các ngành liên quan ngăn chặn kịp thời và lấy lại tiền cho người mua. Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân cảnh giác khi mua hàng online.

Cụ thể, khi mua hàng online, người dân nên chọn các địa chỉ đáng tin cậy, có thông tin liên lạc rõ ràng, hàng hóa có giá trị; đồng thời, yêu cầu bên bán hỗ trợ các thủ tục về hợp đồng mua bán, phiếu bảo hành, hóa đơn để có cơ sở giải quyết dịch vụ sau bán hàng.

         LÝ OANH

.
.
.