Thứ Tư, 16/05/2018, 19:44 (GMT+7)
.

Liệu "kịch bản" cũ có lặp lại?

Sau thời gian dài chạm đáy, giá heo hơi trên địa bàn Tiền Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã chạm “đỉnh” mới.

Những ngày gần đây, giá heo liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại, gần nhất là chạm mức gần 47.000 đồng/kg.

Nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó, với mức giá bán hiện nay, người chăn nuôi hoàn toàn có lãi, thậm chí lãi khá cao.

Tuy nhiên, nếu nhìn trên phạm vi tổng thể, mức giá cao hiện nay chưa thể phản ánh được toàn diện hiệu quả của ngành Chăn nuôi heo; bởi trên thực tế nó còn tùy thuộc vào chất lượng, địa bàn chăn nuôi và cả số lượng heo mà người dân bán ra.

Giá heo hơi đang chạm đỉnh.
Giá heo hơi đang chạm đỉnh.

Việc tăng hay giảm giá bất kỳ một loại sản phẩm nào, trong đó có giá heo hơi, bao giờ cũng chịu tác động từ chính sức mua của yếu tố thị trường.

Thế nhưng, với sự biến động có dấu hiệu “bất thường” đối với giá heo gần đây đã tạo nên cảm giác vừa mừng nhưng cũng đặt ra không ít quan tâm đối với người chăn nuôi và cả ngành Nông nghiệp (NN).

Nhìn vào thực tế, chúng ta cần phải nói ngay rằng, vào thời điểm này của năm 2017, chăn nuôi heo trở thành là hiện tượng “nóng” nhất của ngành NN.

Bởi chưa bao giờ giá heo hơi lại xuống thấp như thế, chỉ dao động từ 27.000 đồng - 28.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ còn 22.000 đồng-25.000 đồng/kg. Và như thế, một cuộc “giải cứu” cũng được đặt ra nhằm cứu vãn ngành Chăn nuôi heo.

Việc giá heo xuống thấp kéo dài trong một thời gian đã gây nên rất nhiều hệ lụy, tác động trực tiếp đến ngành Chăn nuôi và từng hộ gia đình.

Có nhiều nguyên nhân nhưng cũng cần khẳng định ngay rằng, trước mức chạm đáy này, giá heo đã từng chạm “đỉnh”, đạt đến mức 55.000 đồng/kg và duy trì thời gian khá dài. Người dân đổ xô nuôi heo và chuyện gì đến cũng đã đến.

Hệ lụy của cơn biến động giá thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của ngành Chăn nuôi hay của từng hộ dân, mà còn tác động đến tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi và cả doanh nghiệp trong ngành cũng bắt đầu co cụm lại. Con số thống kê cho thấy, nếu tính đến ngày 1-3-2017, trên địa bàn tỉnh có 719.000 con heo, đến tháng 4-2018 chỉ còn 591.000 con.

Thống kê của ngành NN cũng cho thấy, từ giữa tháng 4 giá heo hơi được thương lái thu mua khoảng 37.000 - 40.000 đồng/kg và với giá này người chăn nuôi đã có lãi.

Thế nhưng, chỉ trong vòng 1 tháng gần đây, giá heo hơi tiếp tục đà tăng nhanh chóng. Câu hỏi đang được đặt ra là sau mức giá heo hơi chạm “đỉnh” lần này, liệu có xảy ra kịch bản cũ và hệ quả là các cuộc “giải cứu” hay không?

Tất nhiên, câu chuyện lên xuống giá một mặt hàng trong cơ chế kinh tế thị trường là hoàn toàn bình thường. Song, để tránh thiệt hại, người sản xuất, chăn nuôi cũng cần tính toán, cân nhắc.

Đối với chăn nuôi heo, ngành chủ lực của Tiền Giang, nhiều lần lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng đã đề cập, để nghề chăn nuôi heo phát triển bền vững cần xóa dần tình trạng nuôi nhỏ lẻ, hướng tới nuôi theo quy mô tập trung thông qua tổ hợp tác hay hợp tác xã và thực hiện xây dựng chuỗi liên kết nhằm nâng cao chất lượng, cắt giảm khâu trung gian, bảo đảm an toàn thực phẩm và điều tiết cung - cầu hợp lý. Và dĩ nhiên đây là bài toán khó hay nói đúng hơn là rất khó.

Nhìn từ thực tế, các nhà chuyên môn không ít lần lưu ý, thông thường khi giá tăng nông dân ùn ùn làm theo là chuyện hiển nhiên.

Chính vì thế, với giá heo tăng nhanh lần này, người chăn nuôi ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cần dè dặt khi nghĩ đến việc phát triển đàn.

Trao đổi với báo chí gần đây, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng nhận định rằng, hiện giá heo hơi dao động nhiều nơi và dự báo có thể tăng thêm.

Để duy trì được mức giá có lợi cho người nuôi như hiện nay, từ quý II-2017, Bộ NN-PTNT đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát số lượng đàn heo trong cả nước, không tăng đàn một cách cơ học.

Vấn đề cấp bách lúc này là người chăn nuôi cần thâm canh tăng năng suất và chất lượng đàn heo. Khi chăn nuôi phải chú ý việc xây chuồng trại chu đáo, vệ sinh, thức ăn bảo đảm chất lượng, kiểm soát chặt về kháng sinh; đồng thời, đầu tư tốt cho con giống và nên áp dụng biện pháp tăng đàn một cách tự nhiên.

Cần tránh tình trạng tăng đàn ào ạt khi đầu ra chưa mở rộng sẽ dẫn đến nguy cơ rớt giá trở lại. Nếu thực hiện được như thế có thể tránh được kịch bản cũ…

P.A

.
.
.