Thông điệp cốt lõi cho Đồng bằng sông Cửu Long
Thông điệp cốt lõi của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm hỗ trợ cho Nghị quyết 120 của Chính phủ là chủ đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Hà Lan phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ đưa ra bàn thảo tại hội thảo vừa được tổ chức tại TP. Cần Thơ nhằm truyền tải những thông điệp chính đến với cán bộ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; giúp các địa phương chủ động hơn trong công tác quản lý và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
ĐBSCL cần sức bật mới. Ảnh: Duy Khương |
Theo góc nhìn của các chuyên gia, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, do tác động của BĐKH, phát triển không theo quy hoạch và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến tương lai ĐBSCL.
“Những thành tựu trong hơn thập kỷ qua đã đưa ĐBSCL thành một trong những vùng dẫn đầu về xuất khẩu nông nghiệp trên thế giới. Vậy dưới tác động của BĐKH phải có chiến lược như thế nào? Chiến lược, chính sách và hiện trạng canh tác hiện tại cần phải được suy nghĩ như thế nào trong điều kiện khó khăn về nguồn nước và tài nguyên đất đai khác ở ĐBSCL?- Đó là những nội dung chính được đưa ra bàn thảo trong khuôn khổ hội thảo với quy mô lớn lần này.
Thực tiễn của ĐBSCL cho thấy, công tác quy hoạch hay chiến lược sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp của toàn vùng đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, chồng chéo dẫn đến kém hiệu quả. Chẳng hạn, chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của các địa phương cũng làm “lần mò’’ chưa có nghiên cứu bài bản, khoa học.
Từ đó, điều kiện sinh kế của người dân trong vùng chưa tương xứng với vị thế và điều kiện hiện hữu của ĐBSCL. Từ thực tiễn như thế, các chuyên gia đã đánh giá cao Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2012 (Kế hoạch ĐBSCL).
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về BĐKH cho rằng, Kế hoạch ĐBSCL được xem là mở ra đường hướng phát triển cho cả vùng trong tầm nhìn xa hơn, hướng đến các chiến lược về nông nghiệp, tập trung vào các hoạt động nông nghiệp về BĐKH và phát triển kinh tế - xã hội với việc đa dạng hóa sản phẩm nên đòi hỏi sự cần thiết về đầu tư và thay đổi tư duy trong nông nghiệp.
Sạt lở đang là mối đe dọa của ĐBSCL. |
Để cụ thể hóa các bước đi trong Kế hoạch ĐBSCL và Nghị quyết 120 của Chính phủ, các nhà khoa học cũng xác định, phân chia ĐBSCL thành các tiểu vùng để phát triển, như: Vùng thượng nguồn, Vùng giữa và Vùng ven biển.
Theo đó, về dài hạn, Vùng thượng nguồn là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, bảo đảm dự trữ chiến lược cho an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu và vùng chuyên canh cá tra theo hướng hiện đại, bền vững lớn nhất trên thế giới. Do vậy, chiến lược sinh kế chính đối với tiểu vùng này là phải chuyển từ sinh kế dựa chủ yếu vào sản xuất lúa 3 vụ sang sinh kế đa dạng hòa hợp với lũ.
Vùng ven biển là vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong điều kiện BĐKH, nhưng cũng có điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Về dài hạn, đây là vùng trọng điểm chuyên canh về nuôi trồng thủy sản của cả nước, hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025.
Do vậy, chiến lược sinh kế chính đối với tiểu vùng này là chuyển đổi sang thủy sản chuyên canh bền vững thông minh chống chịu với BĐKH kết hợp với phục hồi rừng ngập mặn.
Trong khi đó, Vùng giữa là vùng trọng điểm về trái cây của cả nước phục vụ xuất khẩu, bên cạnh các vùng chuyên canh rau màu, sử dụng đất linh hoạt để chuyển sang trồng lúa khi cần thiết.
Chiến lược sinh kế chính là chuyển từ diện tích lúa 3 vụ và vườn tạp sang chuyên canh cây ăn trái, chuyên canh cây công nghiệp và chuyên canh rau màu, bên cạnh phát triển thủy sản nước lợ ở mức độ vừa phải.
Đại biểu thảo luận xác định chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. |
Điểm cơ bản của hội thảo lần này là các đại biểu trong nước và quốc tế đã tích cực bàn thảo để xác định các chiến lược, giải pháp cho ĐBSCL.
Đặc biệt là xác định các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả hay việc xác định chuỗi giá trị trên từng loại sản phẩm chủ lực của ĐBSCL.
Tất nhiên, việc đánh giá đúng thực trạng, định hình các chiến lược phát triển cho ĐBSCL là bước đi đúng, phù hợp với thực tiễn đang được đặt ra. Song, suy cho cùng, để khôi phục và đánh thức vị thế của ĐBSCL còn là chặng đường dài và phức tạp.
Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng, một lần nữa truyền đi những thông điệp về các chiến lược, giải pháp phát triển ĐBSCL trước những nguy cơ, thách thức đã và đang hiện hữu.
PHƯƠNG ANH - MINH THÀNH