Thứ Năm, 10/05/2018, 20:16 (GMT+7)
.

Xung quanh đề xuất "khai tử" xăng RON 95: Có độc quyền, lợi ích nhóm?

Những ngày qua, dư luận tiếp tục phản ứng khá gay gắt trước đề xuất “khai tử” xăng A95 và thay thế bằng xăng sinh học E5 RON 92 và E5 RON 95 (gọi tắt xăng E5). Nguyên nhân khiến người tiêu dùng không đồng thuận với đề xuất này có nhiều lý do. 
 

Nhiều loại xe không thể sử dụng xăng E5
Đó là khuyến cáo từ các hãng sản xuất xe. Cụ thể, các đời xe cũ trước đây thường sử dụng cao su tự nhiên sản xuất các chi tiết ở bộ phận cung cấp nhiên liệu thay vì sử dụng cao su nhân tạo như hiện nay. Vì thế, việc sử dụng xăng E5 cho các xe đời cũ, có động cơ cũ có thể làm trương nở cao su tại các chi tiết ở bộ phận nhiên liệu như gioăng, phớt...

Trong sách hướng dẫn sử dụng của Honda Việt Nam, tùy mẫu xe, hãng cũng đưa ra khuyến cáo: “Sử dụng xăng pha trộn có tỷ lệ cao hơn tiêu chuẩn có thể làm hỏng các chi tiết bằng kim loại, cao su, nhựa của hệ thống nhiên liệu”.
Vì vậy, theo đại diện của hãng xe này, đối với các mẫu xe đời cũ trước đây, khách hàng vẫn nên sử dụng các loại nhiên liệu như đã được khuyến cáo tại thời điểm đó. Vì trong nhiên liệu ethanol có một vài phụ gia có những tác động nhất định đối với một số động cơ trên xe. Một số chất xúc tác có thể ảnh hưởng đến hệ thống cung cấp nhiên liệu động cơ.

Còn đại diện Toyota Việt Nam cho biết, có thể có sự không tương thích nhất định giữa xăng E5 với một số xe đời cũ của Toyota được sản xuất trước năm 1997. Tuy nhiên, số lượng xe này tại Việt Nam hiện còn rất ít.
Tương tự, Yamaha Motor Việt Nam cho biết, đối với những mẫu xe đời cũ, đã được nhà sản xuất khuyên dùng xăng A92 hay A95, đến nay chỉ nên sử dụng đúng loại nhiên liệu đó thay vì dùng xăng E5 để đảm bảo sự an toàn và động cơ vận hành ổn định, tránh gặp phải sự cố ngoài ý muốn.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định, trên thị trường có những loại xe sử dụng được xăng E5, nhưng cũng có những loại xe sang như BMW, Audi, Lexus… không thể dùng xăng E5, mà bắt buộc phải dùng xăng RON95.
“Hiện chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh được rằng, nếu sử dụng xăng E5 là an toàn, bởi tính chất hóa học, tính chất cơ học, tính chất vật lý học của từng loại nhiên liệu rất khác nhau. Xăng có độ nhớt, có tính chất hóa học khác với ethanol. Độ bốc cháy của xăng cũng khác, độ bôi trơn khác nên không thể đánh tráo giữa ethanol và xăng được. Chẳng qua, nếu pha 5-10% ethanol vào xăng có thể chấp nhận được, nếu pha cao hơn nữa sẽ phá luôn bộ đốt của xe”, một kỹ sư lâu năm làm việc trong hãng Toyota Việt Nam khẳng định.

a
Người dân chưa chuộng lắm xăng E5.  Ảnh: VIỆT DŨNG

Sau 7 năm triển khai bán thí điểm xăng E5, vẫn còn nhiều nghi ngại trong người tiêu dùng, có ý kiến cho rằng khi sử dụng xăng E5, tiếng máy xe nổ to hơn, động cơ gằn hơn và có hiện tượng hơi lỳ ga, hao xăng, nóng máy... Điều đáng tiếc, sau ngần ấy năm với chủ trương lớn của Chính phủ đưa ra có lộ trình hẳn hoi, nhưng những nghi ngại mà dư luận đặt ra như vừa nêu lại không được cơ quan quản lý trả lời thỏa đáng. Các cuộc bàn luận giữa đại diện các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và cơ quan quản lý nhà nước liên tục được tổ chức nhưng kết quả đưa ra là “bắt” người dân phải sử dụng, không cần nêu thêm lý do. Trong khi đó, những băn khoăn về chất lượng hay đảm bảo nguồn cung, giá cả hợp lý hay chưa… lại không thấy đề cập đến.

Giá ethanol liên tục tăng
Một vấn đề khác, nguồn cung cho xăng E5 có đảm bảo, do ai cung cấp… cũng là một “bí ẩn” mà người dân cần câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà quản lý. Bởi tính đến thời điểm hiện nay, dù Bộ Công thương và các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều cam kết đảm bảo nguồn cung, nhưng lại rất lúng túng khi thị trường trong nước, hiện chỉ có duy nhất Công ty TNHH Tùng Lâm là đơn vị sản xuất ethanol. Trước đó, cả nước có khoảng 7 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol các loại. Tuy nhiên, phần lớn nhà máy này đã phải tạm dừng sản xuất vì không có thị trường tiêu thụ, trong đó bao gồm cả 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học thua lỗ của Bộ Công thương!

Trong khi đó, hiện việc cung cấp ethanol chỉ phụ thuộc vào 2 nhà máy sản xuất gồm Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Đồng Nai (sản lượng 6.000m3/tháng) và ethanol Quảng Nam (sản lượng 10.000m3/tháng) đều thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tùng Lâm. Theo công bố của Bộ Công thương, tổng sản lượng ethanol Công ty Tùng Lâm cung cấp ra ngoài thị trường hiện nay khoảng 200.000m3/năm, tương đương khoảng 200 triệu lít, đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 (tương đương 3 triệu tấn) xăng sinh học E5 mỗi năm.

Điều dư luận đặt vấn đề về lợi ích nhóm, tạo thế độc quyền rất đáng quan tâm. Bởi trên thực tế, sau khi “khai tử” RON 92 để dùng E5 RON 92, giá ethanol liên tục tăng, từ khoảng hơn 13.000 đồng/lít từ tháng 10-2017, đến kỳ điều chỉnh gần đây nhất đã tăng lên 14.488 đồng/lít (chưa VAT). Chỉ trong vòng nửa năm, giá ethanol đã tăng gần 1.500 đồng, buộc giá xăng E5 cũng phải tăng tương ứng.

Theo lý giải của Tổng giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm Vũ Kiên Chỉnh cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, giá liên tục tăng do giá sắn - nguyên liệu để sản xuất ethanol tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng theo. Vấn đề đặt ra là với quy hoạch phát triển nông nghiệp nói chung và sắn nói riêng ngày càng bị thu hẹp theo chủ trương chung. Đến một lúc nào đó, giá sắn tiếp tục “nhảy múa” từng ngày và ông chủ Tùng Lâm lại đưa ra lý giải như trên, chắc chắn giá xăng E5 sẽ nhảy vọt và thiệt hại người tiêu dùng lãnh đủ, còn lợi nhuận sẽ chảy vào túi “nhà” độc quyền phân phối nguyên liệu ethanol.

Mới đây, nhằm thực hiện lộ trình thay thế 100% xăng RON 92 bằng xăng E5 trên toàn quốc từ năm nay, cơ quan quản lý đang tính đến việc khôi phục Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất, một trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ của ngành công thương, vào quý 1-2018. Tuy nhiên, dù có nhà máy này, nguồn cung nhiên liệu vẫn cần đảm bảo ổn định về giá, và quan trọng là chất lượng. Muốn người dân tự giác dùng xăng E5 để bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý cần công bố rõ ràng chất lượng xăng sinh học pha chế tại Việt Nam và giá cả phải đảm bảo ổn định.

(Theo sggp.org.vn)

 

.
.
.