Đào ao ương, nuôi cá tra: Cần thận trọng
Đó là khuyến cáo của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đối với các địa phương trong tỉnh. Bởi thực tế thời gian qua, giá cá tra nguyên liệu tăng, con giống khan hiếm dẫn đến nhiều doanh nghiệp và nông dân ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt chuyển đất trồng lúa sang đào ao ương, nuôi cá tra. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công văn hỏa tốc gửi một số tỉnh, thành để cảnh báo tình trạng trên, trong đó có tỉnh Tiền Giang.
Chúng tôi trở lại các xã ương cá tra nhiều của tỉnh như: Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy); Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè), không khí ương cá tra khá trầm lắng. Vài ao nuôi còn đang thả cá, một số ao đang cải tạo lại và nhiều ao phải “treo” để chờ thời điểm thích hợp thả cá.
Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thạnh Lộc Nguyễn Đặng Quốc Cường cho biết, trên địa bàn xã có 60,4 ha ương cá tra giống, tập trung ở ấp 1, 2, 3 và 4. Năm 2011, diện tích ương cá tra chỉ khoảng 10 ha, nhưng đến năm 2012, giá cá tra giống tăng rất mạnh nên diện tích tăng lên 69 ha.
Năm 2016 - 2017, giá cá tra giống giảm sâu nên nhiều hộ dân đã lấp ao để chuyển sang chuyên canh mô hình khác và diện tích ương giống cá này giảm xuống còn khoảng 60 ha. Trong thời gian gần đây, giá cá tra giống có biến động theo chiều hướng tăng nhưng thiếu bền vững. Vì thế, một số hộ dân không còn mạnh dạn đầu tư ao ương cá tra nữa.
Nói về việc chuyển từ đất lúa sang đào ao ương cá, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thạnh Lộc Nguyễn Đặng Quốc Cường cho biết, gần đây xã Thạnh Lộc không còn tình trạng người dân chuyển từ đất lúa sang ao nuôi cá. Một phần do ương cá tra không lời, một phần do quy định chặt chẽ của các ngành chức năng.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trịnh Công Minh, ngành Nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thị, thành tiếp tục triển khai nội dung quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng 2030; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời có giải pháp ngăn chặn đối với các tổ chức, cá nhân ngay khi bắt đầu đào ao ương, nuôi cá tra không phù hợp với nội dung quy hoạch. UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo các ngành chuyên môn kiểm tra, nắm bắt tình hình và không để xảy ra tình trạng người dân tự phát đào ao trên đất lúa để ương cá tra như trước đây. |
Trước đây, Mỹ Thành Bắc cũng là một trong những xã có người dân chuyển từ đất lúa sang đào ao ương cá tra khá nhiều.
Tuy vậy, vài năm trở lại đây, nông dân đã bắt đầu lấp ao để trồng lúa trở lại. Chủ tịch UBND xã Trần Văn Biên cho biết, vài năm trước, diện tích ao ương cá tra trên địa bàn xã khoảng 25 - 26 ha, nhưng do việc ương cá tra kém hiệu quả nên người dân lấp ao dần. Hiện tại, diện tích ương cá này chỉ còn trên dưới 21 ha.
Đặc biệt, sau khi ngành chức năng của tỉnh, huyện đến xã làm việc về vấn đề người dân tự ý chuyển đất trồng lúa sang đào ao ương cá, UBND xã Mỹ Thành Bắc đã có nhiều thông báo đến người dân về việc nghiêm cấm chuyển từ đất lúa sang đào ao ương cá tra.
Ngoài ra, UBND xã cũng cử cán bộ chuyên trách thường xuyên xuống địa bàn kiểm tra, nhắc nhở những người có ý định chuyển đổi từ đất lúa sang đào ao ương cá tra.
Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè Nguyễn Văn Thanh, Cái Bè có quy hoạch 100 ha nuôi thủy sản tại các xã Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B…
Tuy vậy, một số trường hợp ven khu quy hoạch, người dân thấy ương cá có hiệu quả nên tự ý chuyển từ đất lúa sang nuôi cá. Vấn đề này, các xã cũng có đề nghị bổ sung những diện tích phát sinh vào vùng quy hoạch.
Trao đổi về vấn đề ương cá tra hiện nay trên địa bàn tỉnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Hội cho biết, tổng diện tích ương cá tra giống trên địa bàn tỉnh hiện nay trên 306 ha/266 hộ, sản lượng cá giống khoảng 120 triệu con (cỡ 30 - 40 con/kg).
Trước đây, các xã Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc có hơn 100 ha ương cá tra giống, với đa số chuyển từ đất trồng lúa. Tuy nhiên, khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, diện tích ương cá tra giống khu vực này bắt đầu giảm xuống.
Nguyên nhân do chính quyền địa phương siết chặt ương, nuôi cá tra tự phát; do giá cá tra giảm sâu và người ương cá chịu thua lỗ kéo dài nên nhiều hộ đã san lấp ao.
SĨ NGUYÊN