Nhiều trạm cấp nước chưa đảm bảo chất lượng
Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều giải pháp để đưa nước sạch đến tận thôn, ấp, nhưng để mọi người dân có nước sạch sử dụng vẫn cần một thời gian dài.
Ông Lưu Kim Đỉnh và nhiều hộ dân ở xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo) phản ánh nước sinh hoạt kém chất lượng. |
TRÊN 45.000 HỘ DÂN SỬ DỤNG NƯỚC CHƯA ĐẢM BẢO
Nhiều người dân ở ấp Hòa Thành, xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo) phản ánh chất lượng nước sinh hoạt được cấp từ trạm cấp nước trên địa bàn quá kém, không thể sử dụng cho nấu ăn và một số sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, doanh nghiệp thu giá nước lại khá cao.
Ông Trần Hoàng Trúc cho biết, Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ cấp nước Lộc Tuyền (ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định) là đơn vị cung cấp nước cho người dân nơi đây. Gia đình ông sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt khoảng 2 năm nay.
Thế nhưng, thực tế nước chỉ sử dụng tốt được hơn 1 tháng đầu, sau đó nước chuyển sang mặn, không nấu ăn được; tắm giặt, rửa rau… cũng phải xả lại bằng nước mưa hoặc nước ngọt khác.
Không chỉ vậy, các vật dụng kim loại trong nhà khi tiếp xúc với nguồn nước này đều bị rỉ sét. “Chất lượng nước kém nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng, vì không còn cách nào khác”- ông Trúc bày tỏ.
Gần đó, ông Lưu Kim Đỉnh bức xúc: “Nước máy nơi đây kém chất lượng đã được người dân nhiều lần phản ánh đến lãnh đạo xã, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý đến nơi đến chốn. Hằng ngày, chúng tôi phải sử dụng nước kém chất lượng nên nguy cơ tiềm ẩn bệnh rất cao".
"Mặc dù người dân chủ động xây hồ, mua lu về trữ nước mưa nhưng cũng chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn. Nước mặn không thể dùng cho nấu ăn, nấu uống; giặt đồ cũng phải sử dụng gấp đôi xà phòng so với nguồn nước khác”.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hòa Định Phan Quốc Thắng cho biết, trạm cấp nước này đã đi vào hoạt động hơn 2 năm. Trước đây, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã đến lấy mẫu nước về kiểm tra.
Trong đó, chỉ có mẫu trong lần kiểm tra đầu tiên không đạt, còn các mẫu của những lần kiểm tra tiếp theo đều đạt. Từ năm 2017 đến nay, UBND xã Hòa Định không nhận kết quả lấy mẫu từ các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện nên không có căn cứ để giải quyết khiếu nại của người dân.
Qua phản ánh của người dân về chất lượng nước của trạm cấp nước trên không đạt, UBND xã đã mời doanh nghiệp này đến giải trình. Mỗi lần như vậy, doanh nghiệp cung cấp nước đều đưa ra các giấy tờ chứng minh nguồn nước đạt tiêu chuẩn nên UBND xã không có cơ sở xử lý.
Nói về nước sinh hoạt tại cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: “Việc cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân cần phải hướng đến không còn trạm cấp nước kém hiệu quả, không đảm bảo chất lượng; nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh và sử dụng nước từ các nhà máy nước tập trung; hệ thống cấp nước phải phủ khắp để dẫn nước sạch cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của tất cả hộ dân…”. Trước mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phải phối hợp với các địa phương triển khai chặt chẽ các mục tiêu đã đặt ra và tiến hành kiểm tra, xử lý các đơn vị cung cấp nước không đảm bảo vệ sinh. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 567 trạm cấp nước đang cung cấp cho trên 354 ngàn hộ dân nông thôn. Trong đó, 436 trạm có chất lượng nước đạt Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT quy định về chất lượng nước sinh hoạt, đang cung cấp cho trên 309 ngàn hộ dân nông thôn; còn 131 trạm có chất lượng nước chưa đạt Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT quy định về chất lượng nước sinh hoạt, đang cung cấp cho trên 45 ngàn hộ dân nông thôn.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp, tính đến ngày 15-3-2018, qua tổng hợp, rà soát, hoạt động cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: 57 trạm cấp nước hoạt động kém hiệu quả, chủ yếu ở tổ hợp tác cấp nước sinh hoạt (50 trạm) cần phải có giải pháp củng cố, nâng chất hoặc chuyển đổi sang mô hình khác hiệu quả hơn; còn nhiều trạm cấp nước chưa đạt quy chuẩn quy định, khoảng 38 ngàn hộ chưa tiếp cận nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC ĐƯA RA
Theo đánh giá, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh và tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh đến ngày 15-3-2018 đã đạt mục tiêu Nghị quyết 14 ngày 11-1-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X đề ra trong năm 2018.
Tuy vậy, cấp nước sinh hoạt nông thôn vẫn còn một số hạn chế nhất định như trạm cấp nước hoạt động kém hiệu quả, không cung cấp đủ nước trong phạm vi cấp nước được duyệt, chất lượng nước chưa đạt quy chuẩn còn khá cao.
Từ đó dẫn đến nguy cơ ngưng hoạt động của các trạm cấp nước trên khá cao, không duy trì được tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung nếu không được quản lý, củng cố, nhất là đối với tổ hợp tác, hợp tác xã cấp nước.
Trước tình hình trên, Chi cục Thủy lợi đề ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng trên trong thời gian tới. Cụ thể là 57 trạm cấp nước hoạt động yếu kém cần khoan giếng mới, đấu nối các trạm cấp nước kế cận hay đấu nối với nguồn nước Nhà máy nước Đồng Tâm… để cải thiện chất lượng nước.
Đối với 40 trạm cấp nước bị nhiễm arsen cần khoan giếng mới thay thế giếng cũ, đầu tư hệ thống xử lý, lắng lọc, chuyển đổi loại hình quản lý, hòa mạng với nguồn nước có chất lượng tốt hơn.
Còn 60 trạm cấp nước bị nhiễm sắt cần khoan giếng mới thay thế giếng cũ, vệ sinh, xúc rửa hệ thống xử lý; đấu nối vào nguồn nước Nhà máy nước Đồng Tâm. Đối với 17 trạm cấp nước nhiễm mặn cần khoan giếng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý.
Theo Chi cục Thủy lợi, trong năm 2018, kinh phí để đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn trên 317 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị, tổ chức, cá nhân cấp nước dùng vốn tự có để thực hiện đầu tư gần 150 tỷ đồng, vay vốn Quỹ Phát triển Pháp trên 120 tỷ đồng, đề nghị ngân sách hỗ trợ gần 47 tỷ đồng. |
Nói về giải pháp cụ thể, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho biết, các huyện, thị phía Đông và TP. Mỹ Tho sẽ sử dụng toàn bộ nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm, Nhà máy nước Bình Đức, Nhà máy nước Mỹ Tho.
Cùng với đó là tiến hành cải tạo các tuyến ống cũ quá niên hạn sử dụng, đã xuống cấp theo lộ trình; đầu tư phát triển mới các tuyến ống chuyển tải, tuyến ống phân phối để đảm bảo cung cấp đến nhân dân trên vùng cung cấp hiện hữu theo đúng quy hoạch.
Còn các huyện, thị phía Tây sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ do nguồn nước vẫn đảm bảo cung cấp cho toàn khu vực. Tuy nhiên, về lâu dài khu vực này cần phải xây dựng các nhà máy nước mặt nhằm cung cấp nguồn nước ổn định cho người dân như: Xây dựng các tuyến ống chuyển tải, trạm bơm tăng áp và các tuyến ống phân phối để chuyển tiếp nguồn nước sạch từ các nhà máy nước tập trung phân phối cho toàn khu vực.
SĨ NGUYÊN