Phát triển kinh tế vườn trên huyện cù lao
Tuy không có nhiều loại cây ăn trái như các địa phương khác, nhưng kinh tế vườn vẫn được xem là kinh tế mũi nhọn của huyện Tân Phú Đông.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng huyện Tân Phú Đông đến năm 2025”, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp.
Bên cạnh các giống cây trồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, cho hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, huyện Tân Phú Đông còn chú trọng phát triển các giống cây trồng đặc sản, nhất là cây mãng cầu Xiêm, làm cơ sở phát triển kinh tế vườn cùng với duy trì ổn định diện tích vườn dừa, cây trồng truyền thống trên đất cù lao.
Nhà vườn xã Tân Phú chăm sóc cây mãng cầu Xiêm. |
Thực tế lâu nay, dừa là một trong những cây trồng chủ lực của huyện, tập trung nhiều nhất ở các xã Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh và Phú Thạnh, với diện tích hơn 3.000 ha.
Nhiều hộ dân nhờ trồng dừa mà ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, gần đây giá dừa không ổn định (hiện giá dừa đang xuống rất thấp) gây nhiều khó khăn cho người trồng. Để nông dân không đốn dừa chuyển sang trồng các loại cây khác, UBND huyện đã đề xuất tỉnh hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha dừa (tổng diện tích hỗ trợ gần 2.700 ha dừa, với số tiền 4,4 tỷ đồng).
Cùng với đó, vài năm gần đây, người dân trong huyện cũng đã tập trung cải tạo các vườn dừa già cỗi, thay các giống dừa truyền thống bằng các giống dừa trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngành Nông nghiệp huyện cũng đã duy trì mô hình nuôi ong ký sinh thả vào các vườn dừa tiêu diệt bọ cánh cứng để bảo vệ cây trồng này.
Trong phát triển kinh tế vườn, nếu dừa là cây trồng chủ lực thì mãng cầu Xiêm được xem là cây trồng đặc sản của huyện cù lao. Những năm qua, diện tích mãng cầu Xiêm liên tục tăng qua từng năm, nâng diện tích cây ăn trái đặc sản này đến nay lên gần 1.000 ha; trong đó, có hơn 70% diện tích đang cho trái ổn định.
Gần đây, các ngành chức năng đã xây dựng quy trình “Quản lý bệnh khô cành, thối rễ” và nhà vườn đã từng bước áp dụng theo quy trình trên nên tình hình dịch bệnh khô cành, thối rễ trên cây mãng cầu Xiêm không còn đáng ngại như trước đây. Cây trồng này đã giúp cho nhiều hộ dân không những thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên khá, giàu.
Chính vì vậy, trong quá trình tham gia thực hiện Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng, nông dân huyện đã ưu tiên lựa chọn cây mãng cầu Xiêm thay thế cây lúa kém hiệu quả. Tính đến nay, có 5/6 xã của huyện đã trồng được cây mãng cầu Xiêm (ngoại trừ xã Phú Tân).
Có thể nói, trong thời gian qua, cây mãng cầu Xiêm đã mang lại nguồn lợi đáng kể, góp phần cùng với cây dừa tạo nên thế mạnh trong phát triển kinh tế vườn trên huyện cù lao.
Tuy nhiên, do tình trạng cung vượt cầu, giá cả của 2 loại trái cây này không ổn định đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, thế mạnh của cây dừa và mãng cầu Xiêm của huyện chưa được phát huy và khai thác đúng mức, dẫn đến vườn cây phát triển chưa tốt, năng suất không ổn định, phẩm chất trái không đồng đều, sản xuất còn manh mún, sự gia tăng diện tích còn mang tính tự phát, sản lượng chưa đáp ứng theo quy mô sản xuất hàng hóa.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng trong vùng sản xuất còn yếu kém, hiện trên địa bàn huyện chưa có cơ sở chế biến, tiêu thụ các trái cây này, chủ yếu phụ thuộc vào tư nhân mua bán lẻ, dẫn đến đầu ra bấp bênh, gây bất lợi cho người trồng.
Để tiếp tục mở rộng diện tích vườn dừa và mãng cầu Xiêm trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện, Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng của huyện Tân Phú Đông đến năm 2025; đồng thời, để nâng cao hiệu quả các giống cây trồng chủ lực và đặc sản của huyện, cần có giải pháp đồng bộ như tập trung củng cố, phát huy hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác hoặc liên doanh sản xuất tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp vật tư phân bón và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị hàng hóa khép kín đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, trước mắt huyện Tân Phú Đông khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài huyện mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế tại địa phương, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu; đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật thông qua các điểm trình diễn, tập huấn, hội thảo, tham quan mô hình kinh tế vườn đạt hiệu quả cao.
Từ đó, nhà vườn có điều kiện học tập, ứng dụng có hiệu quả, mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị phục vụ sản xuất để sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế vườn của huyện trong thời gian tới.
HỮU DƯ