Rải vụ - giải pháp cạnh tranh cho trái xoài ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có khoảng 42 ngàn ha xoài, hằng năm cung cấp trên dưới 450 ngàn tấn trái, chiếm 48% diện tích và 60% sản lượng xoài của Việt Nam.
ĐBSCL không chỉ là vùng trồng chủ lực và cung cấp phần lớn sản lượng xoài cho cả nước, mà còn là nơi có nhiều giống xoài ngon như cát Hòa Lộc, cát chu, cát núm (xiêm núm), thanh ca…, góp phần giảm nghèo và giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu.
Song, tình trạng “dội chợ”, “rớt giá” thường xuyên xảy ra đã làm giảm thu nhập của nhà vườn. Từ đó, việc tăng cường tổ chức sản xuất rải vụ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tính cạnh tranh thương mại của trái xoài ĐBSCL.
Xoài của Tiền Giang đang bị cạnh tranh mạnh từ xoài nhập khẩu. Ảnh: P.A |
ÁP LỰC CUNG - CẦU
Nhu cầu tiêu dùng xoài quanh năm, nhưng mùa vụ thu hoạch và cung ứng xoài cho thị trường của nhiều nước trên thế giới chủ yếu vào các tháng mùa hè. Xoài của ĐBSCL nói riêng và của Việt Nam nói chung cũng có mùa vụ thu hoạch tự nhiên vào các tháng mùa hè (tháng 4 - 6 âm lịch).
Đây là trở ngại lớn cho trái xoài ĐBSCL tham gia thị trường khi phải chịu cạnh tranh gay gắt với nhiều nước trồng và xuất khẩu xoài.
Mặc dù ở khu vực ĐBSCL, một bộ phận nhà vườn trồng xoài đã tác động điều chỉnh vụ thu hoạch theo hướng cho trái ngoài các tháng có nguồn cung thị trường xoài dồi dào.
Thế nhưng, phần lớn sản lượng xoài sản xuất ở các tỉnh, thành ĐBSCL hiện vẫn cho thu hoạch vào các tháng chính vụ cùng thời gian với mùa xoài tự nhiên của nhiều nước.
Bên cạnh đó, trong các tháng mùa hè, khi xoài thu hoạch theo mùa vụ tự nhiên cũng là lúc nhiều loại trái cây khác như thanh long, chôm chôm, mít, dứa (khóm), nhãn… từ nhiều địa phương trong nước cũng vào thu hoạch chính vụ.
Trong các loại trái cây ảnh hưởng lớn đến cầu thị trường xoài vào thời gian từ tháng 5 - 6 âm lịch, trái vải có tác động rõ rệt nhất. Thực tế cho thấy, gần như đã trở thành quy luật tương đối, mỗi khi mùa trái vải đến là cầu thị trường xoài và nhiều loại trái cây khác như chôm chôm, thanh long, khóm (dứa)... chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Câu chuyện mùa vải ảnh hưởng đến giá nhiều loại trái cây khác đã rõ, song bài toán cân đối cung - cầu thị trường trái cây, trong đó có trái xoài gần như đang bỏ ngỏ. Nhiều địa phương vẫn đang trong tình trạng bị động, để cho thị trường tự điều tiết.
Chế biến xoài được xem là khâu quan trọng để giảm sự quá tải cung xoài cho thị trường lúc rộ mùa tự nhiên, nhưng xem ra vẫn chưa làm được nhiều do không có nhiều nhà máy chế biến xoài tại các vùng sản xuất.
Mùa xoài năm nay (cuối tháng 5 đầu tháng 6 âm lịch), một số nhà máy chế biến xoài ở ĐBSCL bị quá tải, không thể nhập xoài tươi vào chế biến do công suất có hạn.
Việt Nam nằm trong nhóm 14 nước sản xuất xoài lớn của thế giới, hằng năm cung cấp khoảng 725 ngàn tấn. Nhu cầu tiêu thụ xoài hiện còn rất lớn, gồm thị trường nội địa và xuất khẩu, với nhiều sản phẩm xoài rất đa dạng như xoài ăn tươi, xoài chế biến. Trên thị trường thế giới, ngoài xoài tươi còn có nhiều sản phẩm chế biến từ xoài như nước ép xoài, xoài miếng, xoài ngâm giấm, thịt xoài, mứt xoài, xoài cô đặc, xoài sấy, lát xoài ngâm muối, bột xoài. Các nước có công nghệ chế biến xoài hiện đại và ngành công nghiệp chế biến hỗ trợ đắc lực cho ngành hàng xoài trong thời gian rộ mùa. |
Tính cạnh tranh hàng hóa trong các tháng xoài chính vụ không chỉ xảy ra giữa các loại trái cây với trái xoài, mà ngay cả chính trái xoài. Xoài sản xuất từ ĐBSCL chịu cạnh tranh với xoài sản xuất từ các vùng khác, như xoài từ các tỉnh Đông Nam bộ, các tỉnh miền Trung...
Điều đáng nói là hầu hết xoài trồng từ các địa phương này cũng cho thu hoạch chủ yếu vào các tháng mùa hè. Nguồn cung cho thị trường xoài nội địa không chỉ trong nước, mà còn từ nhập khẩu, nhất là từ Campuchia.
Với lợi thế giá rẻ, xoài keo nhập khẩu từ Campuchia đã và đang cạnh tranh mạnh mẽ với xoài của Việt Nam; trong đó, xoài ĐBSCL chịu ảnh hưởng lớn và trực tiếp từ xoài của Campuchia nhập vào nước ta.
Thị trường xuất khẩu xoài ĐBSCL chủ yếu là Trung Quốc, nhưng trong các tháng xoài thu hoạch rộ cũng là lúc nhiều loại trái cây khác cũng thu hoạch khiến cung trái cây xuất khẩu cho thị trường này quá lớn, nhất là trái vải, thanh long, mít, dưa hấu...
Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường nội địa “dội chợ” đã làm giá xoài giảm sâu. Thực tế là trong thời gian nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2018, xoài cát chu tại ĐBSCL chỉ có giá 6.500 - 9.000 đồng/kg (xoài cát chu trái vụ 16.000 - 25.000 đồng/kg), các giống xoài khác cũng nằm trong tình trạng giảm giá mạnh so với các tháng trái vụ.
RẢI VỤ VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Nắm được quy luật tương đối của giá xoài trong các tháng trái vụ luôn cao hơn chính vụ, nhiều nhà vườn trồng xoài ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang… đã tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu và nguồn nước dồi dào, kết hợp sử dụng hóa chất điều tiết sinh trưởng và một số loại phân bón lá có chứa nhiều lân và kali để xử lý xoài ra hoa trái vụ.
Nhìn chung, kỹ thuật xử lý ra hoa xoài trái vụ không quá phức tạp, ngày nay không ít nông dân có thể áp dụng khá thành thạo và có thể chuyển giao cho nhiều nhà vườn khác áp dụng. Vấn đề là khâu tổ chức sản xuất xoài trái vụ còn rất bất cập, mỗi nhà vườn không thể biết được có bao nhiêu nhà vườn khác cũng xử lý ra hoa trái vụ cùng thời gian như mình.
Điều này dẫn đến tình trạng tuy xoài trái vụ nhưng đôi khi sản lượng xoài cung cho thị trường tăng vọt do nhiều người cùng xử lý và cho xoài chín cùng lúc. Trong những lúc đó, ngay cả xoài trái vụ giá cũng không cao, rủi ro cho người xử lý xoài trái vụ khó tránh khỏi.
Từ đó có thể thấy rằng, nhà vườn ở ĐBSCL có thể chủ động cho xoài ra hoa theo ý muốn, nhưng vấn đề cần chú trọng là khâu tổ chức sản xuất và cung ứng xoài trái vụ sao cho hợp lý.
Làm được điều này không dễ, bởi diện tích trồng xoài phân bố hầu hết ở các hộ nông dân với quy mô nhỏ lại thiếu liên kết. Dù vậy, vẫn có giải pháp khắc phục tình trạng trên nếu các nhà vườn, các địa phương liên kết với nhau cùng giải quyết. An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang là 4 tỉnh có diện tích và sản lượng xoài lớn nhất ở ĐBSCL (chiếm 80% sản lượng xoài của cả vùng ĐBSCL).
Thiết nghĩ, sự phối hợp cùng nhau giữa các địa phương này để đẩy mạnh khâu tổ chức sản xuất, điều phối sản lượng và xây dựng các tổ chức nông dân, liên kết giữa các tổ chức nông dân trong cùng địa phương, giữa các tỉnh với nhau, liên kết với các nhà chế biến, nhà xuất khẩu; cùng nhau hoạch định chiến lược phân bổ, rải vụ xoài được xem là giải pháp hữu ích trong việc điều tiết cung - cầu, giá cả xoài và là điều kiện tiên quyết cho trái xoài ĐBSCL nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
HỮU TIẾN