Không thu hút đầu tư bằng mọi giá
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là thu hút nhiều nguồn lực đầu tư trong và ngoài tỉnh, ngoài nước đưa vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhưng phải đảm bảo chọn lọc, với phương châm phát triển bền vững, cân bằng môi trường, hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.
Trải nhựa tuyến đường Ấp Bắc chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018. Ảnh: M.T |
Để thực hiện nguyên tắc trên, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo cơ quan chuyên môn phải chủ động làm tốt công tác quy hoạch, trong đó phải nâng cao chất lượng dự báo. Bởi, chỉ có dự báo đúng, xác định quy hoạch “chuẩn” mới có thể tránh được phát triển tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ, phát huy cao nhất nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế.
Từ quy hoạch chung, để phục vụ mục tiêu mời gọi đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương phải tổ chức lập, trình duyệt quy hoạch phân khu tại khu vực dự án trước khi tổ chức lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư.
Với cách làm này, quá trình thu hút đầu tư có thể chậm lại (chờ quy hoạch phân khu), nhưng sẽ đảm bảo cho các dự án khi vào đầu tư rất thuận lợi về thủ tục, phát huy ngay hiệu quả đầu tư nhờ phát triển đồng bộ với kết cấu hạ tầng khu vực dự án, từ đó đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Đây cũng là cơ sở để tỉnh lựa chọn nhà đầu tư có dự án đầu tư tốt; ngược lại, nhà đầu tư cũng thấy rõ được thuận lợi và yên tâm khi đầu tư...
Có thể thấy rằng, những năm gần đây, quan điểm chọn lọc trong mời gọi đầu tư đã được lãnh đạo tỉnh ngày càng chú trọng. Thực tế, đã từng có không ít trường hợp qua xem xét, tỉnh kiên quyết không tiếp nhận những dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc chủ đầu tư không đảm bảo về năng lực thực hiện dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đổi mới trong hoạt động thu hút đầu tư, chọn lọc những dự án phù hợp yêu cầu và ưu tiên phát triển của tỉnh, những năm gần đây, bên cạnh công tác nâng chất lượng quy hoạch gắn với đề xuất danh mục mời gọi đầu tư, tỉnh cũng tập trung huy động nguồn lực cả ngân sách và ngoài ngân sách (thông qua cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư) để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị và trung tâm thương mại, tạo đất “sạch” để thu hút doanh nghiệp (DN) có nhu cầu.
Một điểm nhấn quan trọng nữa là tỉnh luôn yêu cầu các ngành, các cấp trên địa bàn phải cải cách hành chính thật tốt và mạnh mẽ hơn nữa để hướng tới xây dựng chính quyền năng động, đồng hành, thân thiện, phục vụ DN và nhân dân, như: Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên, định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh, huyện với các DN, nhằm thông tin kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội và phổ biến đến DN các quy định mới, các nội dung cải cách quan trọng liên quan đến môi trường đầu tư.
Cùng với đó là quan tâm giải quyết nhanh các vướng mắc của DN trong quá trình sản xuất - kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm cung ứng nguồn lao động có trình độ, kỹ năng lao động và tác phong làm việc thật tốt cho các DN.
Qua đó triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ và nhất quán các chính sách ưu đãi đầu tư do Trung ương ban hành, cũng như nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp với thẩm quyền và điều kiện thực tế của tỉnh, nhất là để phát triển các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nhà ở công nhân, các dự án xã hội hóa, các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn...
Các nội dung trên đã, đang và sẽ tiếp tục là những điểm nhấn trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh nhằm kiến tạo môi trường đầu tư ngày càng có thêm sức hấp dẫn, trước mắt là chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư diễn ra vào cuối tháng 6 này.
Được biết, đến nay, tỉnh đã xúc tiến thu hút 27 dự án đầu tư, với tổng vốn trên 14.000 tỷ đồng và lập danh mục 7 dự án, với tổng vốn trên 7.000 tỷ đồng chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, lập đề xuất dự án. Tất cả sẽ được giới thiệu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018.
Q.A