.
TIẾN TỚI HỘI NGHỊ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TIỀN GIANG NĂM 2018

Thay đổi thực chất trong môi trường đầu tư

Cập nhật: 15:59, 27/06/2018 (GMT+7)

Quan điểm chung của tỉnh là hướng đến sự thay đổi thực chất trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là thông qua việc cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

1. Nhìn một cách tổng thể, nội dung cốt lõi được đặt ra trong Kế hoạch hành động của UBND tỉnh nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 19 ban hành ngày 15-5 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng cạnh tranh của tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo là tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh; tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN); nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững, dài hạn thông qua việc tiếp tục cải thiện các chỉ tiêu, chỉ số thành phần của PCI của tỉnh, tập trung vào các chỉ số thành phần có trọng số cao, điểm số xếp hạng thấp và những chỉ số thành phần ít được cải thiện, suy giảm.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Tiền Giang ngày càng được cải thiện.
Môi trường đầu tư, kinh doanh của Tiền Giang ngày càng được cải thiện.

Để cụ thể hóa từng bước đi, UBND tỉnh cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là cải thiện điểm số và PCI, phấn đấu đưa chỉ số này của tỉnh vào nhóm khá của cả nước.

Riêng năm 2018, tỉnh phấn đấu đưa PCI của Tiền Giang vào nhóm được xếp hạng khá và không có chỉ số thành phần đạt dưới điểm 6, tiếp tục duy trì và nâng cao điểm số của các chỉ số thành phần đã đạt trong các năm qua và không có chỉ số thành phần bị giảm điểm; khẩn trương khắc phục những chỉ số thành phần bị giảm điểm được đánh giá trong năm 2017 như: Gia nhập thị trường, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý.

Một trong những mục tiêu cụ thể được tỉnh đưa ra là phấn đấu cải thiện điểm số của từng chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh mỗi năm tăng từ 7 đến 10 bậc. Cụ thể, năm 2018 Tiền Giang nằm trong nhóm 30, đến năm 2020 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành có PCI cao, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành “Khá”.

Khi bàn luận về chủ đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là đề cập về PCI, ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội DN Tiền Giang đồng thời là Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, nếu nhìn từ thực tế vừa qua cho thấy, trong giai đoạn này lãnh đạo tỉnh có nhiều động thái rất quyết liệt để cải thiện hình ảnh của Tiền Giang.

Chưa kể, lãnh đạo tỉnh còn phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh, địa phương, các sở, ngành có nhiều hoạt động rất tích cực và có sức lan tỏa lớn nên thứ hạng PCI năm 2017 của Tiền Giang có cải thiện nhưng vẫn chưa xứng tầm với vị trí, điều kiện đặc thù của tỉnh.

Bởi Tiền Giang được xem là nơi thiên thời, địa lợi. “Không cần thiết phải chạy đua theo thứ hạng về PCI, bởi thứ hạng chỉ mang tính chất tham khảo. Một khi các sở, ngành, địa phương còn ì ạch; cơ chế chưa rõ ràng, còn tình trạng xin - cho thì rất khó đạt mục tiêu đề ra”- ông Đạo phân tích.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm cũng cho rằng, nếu đánh giá một cách sòng phẳng, môi trường kinh doanh của Tiền Giang đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, cùng với xu hướng chung, các tỉnh, thành cũng thay đổi rất nhanh, cải cách đồng đều nên độ chênh nhau giữa các tỉnh, thành không còn lớn, nên hạng mức trong PCI không còn là yếu tố quan trọng. Điểm quan trọng hơn là nhìn vào thực tế chuyển động, thay đổi thực chất của từng tỉnh, thành.

“Đối với Tiền Giang, với cách nhìn của cá nhân, thời gian qua lãnh đạo tỉnh cũng đã làm được nhiều việc cho doanh nhân, DN và phát triển chung của tỉnh thông qua các chủ trương chính sách và được cụ thể hóa bằng các chương trình thực hiện. Tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện hình ảnh, Tiền Giang cần làm tốt hơn những việc mà mình được phép làm”- ông Liêm nhấn mạnh.

2. Để tiếp tục cải thiện hình ảnh của Tiền Giang, nhất là PCI, Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND tỉnh giao là đầu mối chủ trì theo dõi và thực hiện giải pháp cải thiện Chỉ số gia nhập thị trường và Chỉ số hỗ trợ dịch vụ DN; theo dõi, tổng hợp quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao PCI Tiền Giang năm 2018.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thường xuyên đăng tải danh sách DN chậm triển khai hoạt động kinh doanh và tạm dừng kinh doanh; đăng tải danh sách dự án đầu tư chậm triển khai hoạt động, các dự án ngừng triển khai hoạt động trên Cổng thông tin của sở; thường xuyên rà soát các dự án đầu tư đã được cấp Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng có tiến độ triển khai chậm để đồng hành xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Quan điểm chung của tỉnh cũng rất rõ ràng là kiên quyết chấm dứt và thu hồi Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án và chậm triển khai thực hiện dự án để bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện.

Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018; tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông; tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả chất lượng phục vụ nhà đầu tư, tiến đến chính quyền điện tử.

Tỉnh cũng sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực... để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên, định kỳ giữa lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện với các DN đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm thông tin kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chưa dừng lại ở đó, tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác phối hợp xúc tiến đầu tư, giải quyết thủ tục đầu tư. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp chú trọng làm tốt công tác thẩm định dự án; thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực... để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó là tiếp tục triển khai thực hiện đề án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp; chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020...

P.A

.
.
.