.
TIẾN TỚI HỘI NGHỊ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TIỀN GIANG NĂM 2018

Thước đo trong thu hút đầu tư

Cập nhật: 09:44, 20/06/2018 (GMT+7)

Một trong những yếu tố quan trọng được xem là thước đo trong việc cải thiện môi trường, thu hút đầu tư là hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và sự ra đời của các khu, cụm công nghiệp.

KCN Mỹ Tho được đánh giá hoạt động hiệu quả.  Ảnh: TRẦN LIÊM
KCN Mỹ Tho được đánh giá hoạt động hiệu quả. Ảnh: TRẦN LIÊM

So với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút đầu tư của Tiền Giang chưa phải là “nổi trội” nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng, nhất là thông qua các DN không ngừng mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh.

Một trong những DN được đánh giá thành công là Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Tiền Giang (tiền thân là Công ty Liên doanh Rượu bia BGI Tiền Giang được thành lập vào năm 1992).

Trải qua quá trình phát triển, đến nay Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Tiền Giang trở thành đơn vị đứng đầu trong việc nộp ngân sách ở Tiền Giang.

Đánh giá về yếu tố góp phần thành công, ông Trần Minh Triết, Phó Tổng Giám đốc công ty cho rằng, yếu tố đầu tiên là vị trí chiến lược của Tiền Giang, là cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại rất nhiều lợi thế để phát triển sản xuất - kinh doanh cũng như logistics tại khu vực.

Điểm thứ hai là cơ sở hạ tầng của Tiền Giang tương đối tốt, đặc biệt là tuyến đường cao tốc đầu tiên ở phía Nam là Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh và tương lai là tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

“Trong kế hoạch, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy với công suất 240 triệu lít mỗi năm, sử dụng công nghệ cũng như máy móc thiết bị hiện đại nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất - kinh doanh ngày càng hiệu quả, chất lượng tốt hơn”- ông Triết cho biết.

Ông Lee Yong Oh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Simone Việt Nam - Chi nhánh Tiền Giang (KCN Tân Hương, huyện Châu Thành) cho rằng, sự hỗ trợ ưu đãi đầu tư của Tiền Giang, giao thông nội bộ KCN như hệ thống điện, xử lý nước thải đầy đủ, đã đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động của các DN tại KCN; các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các DN hoạt động.
 

Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho là KCN đầu tiên của Tiền Giang được ra đời vào năm 1997 dựa trên một số DN hiện hữu, trong đó có Công ty Liên doanh Rượu bia BGI Tiền Giang, nên quá trình giải phóng mặt bằng cũng như thu hút đầu tư ở KCN này buổi đầu tương đối khó khăn. Thế nhưng, chỉ sau 5 năm hình thành, KCN Mỹ Tho được đánh giá hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Tiền Giang.

10 năm trở lại đây, số lượng DN trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên. Đây cũng là cơ sở để Tiền Giang hình thành thêm một số KCN khác. Tiếp đó, KCN Tân Hương ra đời, theo chủ trương hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang, đã nhanh chóng hấp dẫn các nhà đầu tư.

Chỉ khoảng 6 năm kể từ khi thành lập, 100% diện tích của KCN được lấp đầy với tiến độ nhanh và hiệu quả. Ông Ngô Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhựt Thành Tân, chủ đầu tư KCN Tân Hương đánh giá, Tiền Giang có vị trí rất thuận lợi là gần cảng hàng không, gần cảng vận tải biển và hệ thống giao thông tương đối đồng bộ. Đây là những điều kiện thuận lợi, tối ưu để thu hút các nhà đầu tư.

“Giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, cùng với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đi đôi với việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, trạm cung cấp điện, cùng các chính sách ưu đãi khác, KCN Tân Hương trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước”- ông Tuấn nhận định.

Dựa trên những thành công của các DN đầu tư tại Tiền Giang, KCN Long Giang, do Công ty TNHH Phát triển KCN Long Giang làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 540 ha ra đời cũng tạo hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhờ lợi thế về vị trí địa lý. KCN có vị trí tiếp giáp với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, gần Quốc lộ 1A, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 40 km.

Hiện KCN Long Giang đã lấp kín trên 70% diện tích đất cho thuê của KCN, hầu hết là các nhà đầu tư nước ngoài, đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chủ yếu hoạt động ở các ngành công nghiệp như: Dệt may, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, ống đồng, thép không gỉ…

Ông Tang Zhen Yu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển KCN Long Giang cho rằng, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã lắng nghe ý kiến và hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của DN, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thuế.

Nhiều DN nước ngoài khi đầu tư vào KCN Long Giang khẳng định: Chính sách ưu đãi đầu tư, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn điện sản xuất ổn định… là những yếu tố tích cực để các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở KCN Long Giang khẩn trương đầu tư và mở rộng sản xuất.

Tiền Giang chú trọng khai thác công nghiệp chế biến thủy sản.
Tiền Giang chú trọng khai thác công nghiệp chế biến thủy sản.

Có thể nói rằng, Tiền Giang cũng gặp không ít khó khăn trong việc hình thành các KCN trước sự cạnh tranh quyết liệt về ưu đãi đầu tư với các tỉnh, thành lân cận.

Thế nhưng, bằng tinh thần quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư công nghệ cao, góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước bình quân tăng cao.

Có thể nói, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN, cụm công nghiệp đã góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, từ khi các KCN, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ngày càng tăng.

Nếu như giai đoạn từ năm 1998 - 2000, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt trên 200 tỷ đồng, giai đoạn 2010 - 2015 đạt trên 144.000 tỷ đồng và trong 2 năm 2016 - 2017 đạt trên 110.000 tỷ đồng…

NHÓM PVKT

.
.
.