Trung tâm thương mại phải rộng 10.000m2. Bộ Công thương nói gì ?
Dự thảo Nghị định phát triển và quản lý phân phối yêu cầu trung tâm thương mại rộng trên 10.000m2; yêu cầu các nhà bán lẻ siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, qua internet, bưu điện...
Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối do Vụ Thị trường trong nước soạn thảo đã nhận được nhiều bình luận phản đối từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương đã can thiệp quá sâu vào quyền tự do thương mại khi đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe đối với ngành hàng bán lẻ, siêu thị, chợ…
Theo đó, dự thảo Nghị định này yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại mỗi năm chỉ được thực hiện 3 đợt giảm giá, mỗi lần giảm giá phải áp dụng trên 70% số mặt hàng đang kinh doanh. Đợt khuyến mãi sau phải cách đợt trước ít nhất 30 ngày…
Cùng với việc quy định chi tiết về tần suất khuyến mại, Bộ Công Thương cũng quy định khá chi tiết về tiêu chuẩn của siêu thị với yêu cầu phải “có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000 m2” và phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Cùng đó, siêu thị phải có "các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại"...
Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý phân phối trung tâm thương mại rộng trên 10.000m2; yêu cầu các nhà bán lẻ cho biết yêu cầu siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, qua internet, bưu điện... |
Như Diễn đàn Doanh Nghiệp đưa tin trước đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, đề xuất mới của Bộ Công Thương có bóng dáng như một dạng giấy phép con mới và còn can thiệp vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư.
Đại diện nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ… cũng cho rằng, các yêu cầu của Bộ Công thương là quá cứng nhắc, khó áp dụng đại trà và không phù hợp với các quy luật của thị trường. Do đó, Bộ Công thương cần xem xét lại dự thảo trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Về vấn đề này, mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đây mới là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Khi đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, mục tiêu Bộ Công Thương đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp. Ngoài ra cũng nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối; bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tại các kênh phân phối này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
"Bộ Công Thương hoan nghênh mọi ý kiến góp ý đối với đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối được hoàn thiện. Với mục tiêu đã nêu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
(Theo enternews.vn)