Thứ Hai, 16/07/2018, 11:14 (GMT+7)
.

Chuyển hướng mạnh trong sản xuất lúa - gạo

Tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm thông qua các hình thức liên kết dọc, liên kết ngang đang được các thành viên của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) triển khai mạnh mẽ tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Công ty Lương thực Tiền Giang luôn liên kết chặt chẽ với HTX Hậu Mỹ Trinh thu mua lúa cho xã viên của HTX.						                                 Ảnh: SĨ NGUYÊN
Công ty Lương thực Tiền Giang luôn liên kết chặt chẽ với HTX Hậu Mỹ Trinh thu mua lúa cho xã viên của HTX. Ảnh: SĨ NGUYÊN

1. Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) là một trong những đơn vị thành viên của Vinafood 2 đi đầu trong việc thực hiện liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, nhất là vùng nguyên liệu theo hướng an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Tigifood Lê Thanh Khiêm nhấn mạnh, trong thời gian qua công ty đã thực hiện liên kết với đại diện của nông dân. Tùy theo tình hình thực tế, công ty đã linh hoạt áp dụng 1 trong 3 phương thức là đầu tư trọn gói, đầu tư một phần và không đầu tư mà chỉ bao tiêu lúa hàng hóa theo đặt hàng. Bên cạnh đó, Tigifood còn thực hiện liên kết ngang, đầu tư ứng trước giống lúa xác nhận thông qua các công ty, đại lý giống; thực hiện liên kết ngang cung ứng vật tư đầu vào (chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật - BVTV) và hướng dẫn, giám sát quy trình canh tác.

“Qua các mô hình liên kết, kết quả phân tích tồn dư thuốc BVTV bước đầu đạt rất khả quan, đáp ứng hoàn toàn tiêu chuẩn gạo an toàn theo Thông tư 50 của Bộ Y tế; tiệm cận sát với tiêu chuẩn xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản, EU và đạt xấp xỉ tiêu chuẩn FDA - Hoa Kỳ".

"Đặc biệt, với mô hình lúa - tôm, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV đã cho kết quả rất tốt, cả 13/13 chỉ tiêu thường gặp khi xuất khẩu đi Hoa Kỳ đều không phát hiện tồn dư thuốc BVTV”- ông Khiêm nhấn mạnh.

Trong mối liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa - gạo, vai trò của các hợp tác xã (HTX) đã và đang được nhấn mạnh, đặc biệt là thông qua HTX nông nghiệp thực hiện theo Quyết định 445 của Thủ tướng Chính phủ. Mối liên kết này cũng đang dần phát huy tác dụng khi có nhiều HTX đã và đang gắn kết bền chặt với các thành viên của Vinafood 2.

Trong chuỗi liên kết này cũng cần nhắc đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Tiến Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Ông Lê Thanh Hiệp, Giám đốc HTX cho biết, thời gian qua HTX đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp cung ứng đầu vào là Công ty Giống cây trồng Đồng Tháp, Công ty TNHH Bayer Việt Nam và Công ty Lương thực Đồng Tháp (thành viên của Vinafood 2).

Từ chỗ tổ chức thí điểm, đến nay quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng về diện tích và số hộ dân tham gia, bình quân từ 500 - 700 ha/năm và đang chuyển dần theo mô hình sản xuất lúa đảm bảo tiêu chí chất lượng cao và an toàn thực phẩm.

“Thông qua mô hình liên kết, HTX đã tranh thủ được nguồn lực đầu tư cho sản xuất, ứng dụng quy trình sản xuất mới, từ đó lợi nhuận tăng thêm của ruộng sản xuất trong mô hình so với ngoài mô hình từ 3,2 triệu đồng/ha lên 4,7 triệu đồng/ha".

"Chưa kể, chất lượng lúa - gạo được nâng lên rõ rệt và tạo thêm việc làm cho thành viên HTX thông qua khâu thu gom, vận chuyển lúa về nhà máy của Công ty Lương thực Đồng Tháp, với chi phí thu gom 240 đồng/kg. Chỉ tính trong năm 2017 và vụ đông xuân năm 2018, HTX đã giao cho Công ty Lương thực Đồng Tháp 2.262 tấn lúa, mang lại lợi nhuận cho HTX trên 90 triệu đồng…”- ông Hiệp cho biết.

Lúa của nông dân trong mô hình Cánh đồng lớn ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) tập trung ra bờ kinh để bán  cho Công ty Lương thực Tiền Giang.
Lúa của nông dân trong mô hình Cánh đồng lớn ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) tập trung ra bờ kinh để bán cho Công ty Lương thực Tiền Giang.

2. Đánh giá hiệu quả thực hiện Cánh đồng lớn vụ đông xuân 2017 - 2018 do các thành viên của Vinafood 2 triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Vinafood 2 Lê Minh Trượng cho biết, trong vụ đông xuân 2017 - 2018, các đơn vị thành viên đã ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ khoảng 9.866 ha lúa thông qua các mô hình: Dự án Phát triển lúa - gạo bền vững giữa Vinafood 2 với Công ty TNHH Bayer Việt Nam, với diện tích sản xuất thí điểm 312 ha.

Trong đó, Tigifood liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) thực hiện 234 ha, Công ty Lương thực Sông Hậu liên kết với HTX Nông nghiệp Phước Trung (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) thực hiện 78 ha.

Bên cạnh đó là mô hình liên kết ngang với các đơn vị khác khoảng 3.806 ha. Còn mô hình liên kết với các HTX xây dựng vùng nguyên liệu, các công ty thành viên Vinafood 2 đã liên kết với 17 HTX, với diện tích 4.312 ha.

Ngoài ra, mô hình sản xuất lúa an toàn trên vùng lúa - tôm tại huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), các công ty thành viên sẽ tiếp tục liên kết sản xuất trong vụ mùa năm 2018.

Trong các mối liên kết này, chủng loại lúa giống được đánh giá là phù hợp với đầu ra theo nhu cầu của thị trường; chiếm tỷ lệ cao nhất là giống lúa thơm đặc sản như: Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM 4900... Chưa kể, Vinafood 2 hiện có 8 đơn vị thành viên kinh doanh  mặt hàng gạo đóng túi, với trên 32 nhãn hiệu gạo đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

“Thông qua hợp tác, liên kết, các doanh nghiệp đã cung ứng đầu vào cho sản xuất, theo nhu cầu sử dụng lúa giống, vật tư nông nghiệp của nông dân. Chất lượng lúa - gạo từ các vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình được nâng lên rõ rệt, cơ bản đạt chuẩn an toàn thực phẩm".

"Chất lượng, sản lượng lúa mua trong vùng nguyên liệu được chế biến, tiêu thụ cho phân khúc thị trường đòi hỏi chất lượng cao, như: Xuất khẩu gạo vào các thị trường thương mại; cung ứng gạo cho các doanh nghiệp làm nguồn nguyên liệu chế biến bún, bánh tráng; gạo an toàn cho các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, đóng gói cung ứng cho hệ thống siêu thị, nhà hàng…”- ông Trượng cho biết.

Từ những kết quả đạt được, theo lãnh đạo Vinafood 2, trong vụ hè thu và thu đông năm 2018, Vinafood 2 sẽ tiếp tục liên kết với HTX theo Quyết định 445 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới.

Theo kế hoạch, Vinafood 2 sẽ triển khai thực hiện liên kết sản xuất vụ hè thu năm 2018, với tổng diện tích 6.170 ha, thực hiện liên kết với 21 HTX; trong đó có 11 HTX liên kết theo Quyết định 445 và vụ thu đông năm 2018 với tổng diện tích 4.890 ha, thực hiện liên kết với 22 HTX (có 1 HTX theo Quyết định 445).

Vinafood 2 sẽ thực hiện nhiều giải pháp để việc liên kết với HTX nông nghiệp nhằm đạt được kết quả tích cực, như: Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền; đẩy mạnh vùng nguyên liệu sản xuất lúa - gạo chất lượng cao, an toàn thực phẩm; thực hiện đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất…

P.A

.
.
.