Thứ Sáu, 20/07/2018, 10:16 (GMT+7)
.

Nhìn vào GRDP

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế (Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh - GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2018 của Tiền Giang có giảm hơn so với cùng kỳ của năm 2017, chỉ tăng 7,23%, do nhiều yếu tố tác động.

Chăn nuôi sụt giảm là một trong những tác nhân ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế  của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018.
Chăn nuôi sụt giảm là một trong những tác nhân ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018.

1. Kịch bản, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang năm 2018 dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội năm 2017; dự báo tình hình trong và ngoài nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; mục tiêu, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Do đó, chỉ cần một trong những yếu tố này biến động thì các kịch bản, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng sẽ ảnh hưởng.

Nhìn vào thực tiễn vừa qua cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang cũng phần nào chịu tác động từ những yếu tố này.

Cũng cần nhìn nhận vào thực tiễn rằng, tại thời điểm triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thống kê công bố số liệu GRDP của Tiền Giang trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 27.521 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng trưởng 9,56% (khu vực 1 tăng 6,7%, khu vực 2 tăng 17,3% và khu vực 3 kể cả thuế sản phẩm tăng 6,5%).

Dựa trên số liệu này, Cục Thống kê tỉnh công bố tại thời điểm xây dựng kế hoạch năm 2018 (tháng 10-2017), GRDP (theo giá so sánh năm 2010) cả năm 2017 của tỉnh đạt 55.269,3 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2016 (đạt 50.709,9 tỷ đồng).

Theo số liệu GRDP trong 6 tháng đầu năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) của Tiền Giang đạt 29.356 tỷ đồng cho thấy, quy mô của tỉnh chỉ sau tỉnh Long An. Theo đó, khu vực 1 tăng 3,33%, chỉ cao hơn tỉnh Bến Tre và tỉnh An Giang, trong khi nhiều tỉnh, thành tăng rất cao: Cà Mau tăng 11,68%, Kiên Giang tăng 10,79%, Đồng Tháp tăng 9,44%, Cần Thơ tăng 8,17%... Điều này rất khó lý giải với tình hình thực tế của tỉnh. Khu vực 2 của Tiền Giang tăng 14,2%, chỉ sau tỉnh Long An (15,72%) và Hậu Giang (16,14%). Khu vực 3 của tỉnh tăng 5,8%, chỉ cao hơn tỉnh Hậu Giang (5,37%).

Nhìn vào thực tế trong 2 năm gần đây (2016, 2017), tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang luôn đứng thứ 2 hoặc thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau tỉnh Long An và có thể là Trà Vinh), nhưng số liệu trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang chỉ cao hơn 5 tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang, Cà Mau và Bến Tre; trong khi lĩnh vực nông nghiệp, giá các loại trái cây như sầu riêng, bưởi da xanh, thanh long thường ở mức khá cao.

Ngay ở năm 2016, với ảnh hưởng lớn của hạn, mặn, nông nghiệp Tiền Giang cũng tăng 4,6% và tổng GRDP tăng 8,4%, đứng thứ 3 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài chỉ tiêu tăng trưởng GRDP, các chỉ tiêu khác như: Thu ngân sách, phát triển doanh nghiệp đứng thứ 4/13 tỉnh, thành (sau tỉnh Long An, TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang); xuất khẩu đứng thứ 2/13 tỉnh, thành…

Trên cơ sở số liệu dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn với mục tiêu chung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 9% - 9,5% và chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người đạt 48 - 48,2 triệu đồng.

Tuy nhiên, số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 30-11-2017, GRDP ước cả năm 2017 của Tiền Giang đạt 55.308,6 tỷ đồng, năm 2016 là 51.484,6 tỷ đồng, tăng 7,43% so với cùng kỳ năm 2016.

Mức tăng trưởng này khá thấp làm ảnh hưởng đến mục tiêu, kế hoạch năm 2018 mà UBND tỉnh đã trình Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.

Nhìn một cách tổng thể, trong 6 tháng đầu năm 2018 các ngành kinh tế của tỉnh như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ có hướng tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (chỉ cung cấp chỉ số là tăng trưởng GRDP chung và từng khu vực theo số tương đối), GRDP trong 6 tháng đầu năm 2018 của Tiền Giang chỉ tăng 7,23%; trong đó khu vực 1 tăng 3,33%, khu vực 2 tăng 14,2% và khu vực 3 tăng 5,8%.

Thế nhưng, nếu nhìn vào số liệu của các ngành và thực tế đời sống dân cư cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục ổn định và phát triển theo chiều hướng tích cực.

Cụ thể là thu ngân sách tăng hơn 6 tháng đầu năm 2017 khoảng 829 tỷ đồng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong vòng nhiều năm, lần đầu tiên sau nhiều năm sản lượng lương thực tăng 5,5%, sản lượng thủy sản tăng 4,3%...

2. Cần phải khẳng định ngay rằng, trong những tháng đầu năm 2018 tỉnh đã triển khai quyết liệt để thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh thông qua các chương trình, kế hoạch hành động.

Thế nhưng, GRDP của Tiền Giang trong 6 tháng đầu năm 2018 chưa được như kỳ vọng của nhiều người. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông, lâm, thủy sản (khu vực 1).

Theo số liệu được công bố, khu vực này chỉ tăng trưởng khoảng 3,33%, ước đạt gần 11.491 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) và thấp hơn 0,34 điểm % so với cùng kỳ năm 2017.

Điểm đáng chú ý trong nhóm này là sự sụt giảm trong lĩnh vực chăn nuôi, giảm đến 3% so cùng kỳ (đàn heo đạt hơn 447.000 con, giảm 35% so cùng kỳ; đàn gia cầm đạt 11,9 triệu con, giảm 3% so cùng kỳ) nên đã góp phần kéo giảm nhịp độ tăng của khu vực 1. Đây cũng là một trong những tác nhân chính ảnh hưởng đến GRDP trong 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh.

Tuy nhiên, trên bình diện tổng thể, việc tính toán giá trị tăng thêm cho khu vực 1 theo phương pháp giá cố định, theo đánh giá chung, hiện còn một số hạn chế nhất định (hiện nay Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp tính toán giá trị khu vực 1 theo đơn giá so sánh năm 2010 nhân (x) với sản lượng hằng năm) nên có thể chưa phản ánh đúng tình hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nội bộ ngành nông, lâm, ngư nghiệp, chủng loại nông sản, nhất là đối với những loại nông sản chủ lực của tỉnh có giá trị kinh tế cao như: Xoài, thanh long, bưởi da xanh…, trong khi cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm, thủy sản còn chiếm đến 42% trong cơ cấu kinh tế chung của Tiền Giang.

Lý giải thêm về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh dẫn chứng, đối với thanh long trong bảng giá năm 2010 chỉ có 1 loại giá là 8.058 đồng/kg, nhưng hiện nay trên địa bàn Tiền Giang chuyển dịch phần lớn sang thanh long ruột đỏ, với giá bán dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Đối với sầu riêng cũng tương tự.

Trên thực tế, nhiều loại trái cây của tỉnh giá hiện nay cách rất xa so với giá năm 2010, lý do không phải do trượt giá mà do có sự chuyển đổi cây trồng sang cây có giá trị cao hơn nhưng chưa được phản ánh trong giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010.

Dựa trên những hạn chế như thế, tỉnh đã có kiến nghị Tổng cục Thống kê nghiên cứu tính toán giá trị khu vực nông, lâm, thủy sản theo phương pháp Chỉ số giá để thay thế phương pháp giá cố định…

NHÓM PVKT

.
.
.