Khơi thông tiềm lực vùng ven biển
Đường, điện, nước ngọt đã được đầu tư cơ bản cho vùng ven biển Gò Công là tiền đề rất quan trọng giúp cải thiện cuộc sống người dân; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội để thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp (CCN) đã được quy hoạch.
Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam và Kho ngoại quan Sông Tiền Petro là một trong những dự án đầu tư đầu tiên vào khu vực ven biển phía Đông của tỉnh. |
1. Giờ đây, nếu có dịp về vùng ven biển Gò Công nhiều người sẽ ngạc nhiên, bởi điều kiện hạ tầng đã thay đổi đáng kể, nhất là hệ thống đường giao thông đã được kết nối liên vùng.
Ông Nguyễn Thanh Bình làm nghề khai thác hải sản gần cống Gia Thuận thuộc xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông nói với chúng tôi rằng, gần 60 năm gắn bó với mảnh đất này ông mới thấy diện mạo địa phương thay đổi nhanh như thế.
“Chú thấy đó, con đường nhựa to, đẹp nối từ Quốc lộ 50 xuống đây mới được làm xong. Mặt đường rộng, xe cộ chạy tấp nập, quê hương khác hẳn lên. Cả đời tôi không nghĩ địa bàn ven biển này được kết nối bởi con đường đẹp như thế”- ông Bình tự hào về quê hương của mình.
Tuyến giao thông mà ông Bình nhắc đến là đường tỉnh 871B có tổng chiều dài toàn tuyến là 7.320 m, điểm đầu giáp Quốc lộ 50 thuộc xã Tân Trung (TX. Gò Công), điểm cuối giáp với đường đê sông Vàm Cỏ thuộc xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông), vừa được thi công hoàn thành.
Khi được nâng cấp, mở rộng, nền đường rộng đến 17 m; trong đó, mặt đường rộng 12 m, lề mỗi bên 2,5 m, với kết cấu mặt đường láng nhựa phẳng phiu.
Trên tuyến giao thông huyết mạch này còn có 3 cây cầu bê tông cốt thép, rộng 13 m được xây mới. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án lên đến 272 tỷ đồng.
Tất nhiên, đường tỉnh 871B không chỉ góp phần quan trọng trong việc đi lại của người dân khu vực ven biển Gò Công, mà cùng với các dự án đầu tư trọng điểm khác, nhất là cầu Mỹ Lợi, sẽ góp phần rất lớn khơi dậy tiềm lực biển của Tiền Giang, nhất là phát triển công nghiệp khu vực ven biển.
Bởi tuyến đường tỉnh 871B nối thẳng vào khu, CCN đã và đang được hình thành khu vực ven biển thuộc huyện Gò Công Đông. Trước mắt là CCN Gia Thuận 1, CCN Gia Thuận 2 và Khu công nghiệp (KCN) Dịch vụ dầu khí Soài Rạp.
Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Trần Văn Thành cho biết, với những điều kiện về hạ tầng giao thông, điện, nước thuận lợi cho phát triển công nghiệp khu vực ven biển, tới đây địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn, cũng như tập trung cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng giải phóng mặt bằng, nhằm góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư vào khu vực ven biển thuộc huyện Gò Công Đông.
“Với lợi thế giao thông bộ và đường biển, hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến khu vực ven biển của huyện Gò Công Đông”- Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Trần Văn Thành cho biết.
2. Chủ trương khai thác lợi thế biển nhằm phát triển công nghiệp đã được tỉnh định hướng trong nhiều năm qua. Bằng chứng là KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp nằm trên địa bàn các xã Gia Thuận, thị trấn Vàm Láng thuộc địa bàn huyện Gò Công Đông được ra đời từ năm 2008, với diện tích hơn 285 ha do Tập đoàn Vinashin làm chủ đầu tư.
Từ năm 2011, KCN do Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do một số khó khăn, vướng mắc, cho đến nay KCN này mới chỉ lấp đầy hơn 13% diện tích đất công nghiệp, với 1 dự án đầu tư (Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, có công suất 100.000 tấn/năm, với diện tích sử dụng gần 23 ha), vốn đầu tư đăng ký hơn 2.175 tỷ đồng.
Hiện nay, KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp đã được Chính phủ đồng ý chuyển giao về cho tỉnh Tiền Giang quản lý, khai thác và tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trong thời gian tới.
Nằm trong khu vực ven biển Gò Công, cạnh KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp cũng đã thu hút được dự án thuộc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Dầu khí và Kho ngoại quan Sông Tiền Petro, hiện đang phát huy hiệu quả và ngày càng mở rộng quy mô hoạt động.
Làm việc với tỉnh gần đây, ông Mai Văn Huy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu cho biết, đến tháng 10-2018, công ty quyết tâm đưa tàu dầu đầu tiên vào cảng ở khu vực ven biển thuộc huyện Gò Công Đông.
Theo tính toán của công ty, ven biển Gò Công Đông là điểm chia sẻ mang tính chiến lược cho cả Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi đặc điểm của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có ở ven biển huyện Gò Công Đông có thể cập tàu có trọng tải từ 50.000 tấn trở lên. Đây cũng sẽ là cơ hội để khu vực phía Đông của tỉnh có điều kiện cất cánh trong tương lai.
Chưa kể, theo quy hoạch đến năm 2020, để khai thác lợi thế cửa sông Soài Rạp nằm trải dài từ thị trấn Vàm Láng đến các xã Gia Thuận, Bình Đông, Bình Xuân… thuộc huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công, một số khu, CCN khác cũng sẽ được hình thành.
Trước mắt là CCN Gia Thuận 1, với diện tích 50 ha, đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại ấp 5, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, với các ngành nghề thu hút đầu tư chủ yếu là công nghiệp cơ khí - lắp ráp; sản xuất gỗ; công nghiệp cao su (không chế biến mủ) và các sản phẩm từ plastic; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất vật liệu mới, sợi thủy tinh; sản xuất thiết bị hàng gia dụng (không thu hút ngành thuộc da); công nghiệp chế biến nông - lâm - sản; điện tử - điện lạnh; sản xuất dược phẩm, hóa dược, mỹ phẩm và thiết bị y tế.
CCN Gia Thuận 1 được đánh giá là có tuyến giao thông thuận tiện, dễ dàng kết nối với các khu vực lân cận, bởi chỉ cách TP. Hồ Chí Minh 40 km theo hướng cầu Mỹ Lợi, cách TP. Mỹ Tho 50 km, cách trung tâm huyện Gò Công Đông 20 km. Dự án CCN Gia Thuận 1 hiện do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, khu vực phía Đông của tỉnh còn dự kiến hình thành KCN Bình Đông, với diện tích 212 ha, hiện đang mời gọi nhà đầu tư mới có năng lực. Ngoài ra, tỉnh cũng định hướng thành lập và thu hút đầu tư phát triển CCN Long Bình, với diện tích 20 ha và CCN Mỹ Lợi, với diện tích 50 ha...
P.A