Thứ Sáu, 03/08/2018, 15:10 (GMT+7)
.
Gò Công Đông:

Gian nan "về đích" huyện nông thôn mới

Để một huyện biển như Gò Công Đông đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020 là điều không dễ dàng. Bởi, cuộc sống của người dân các xã thuộc vùng bãi ngang ven biển còn khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém…

Tuy nhiên, với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, huyện Gò Công Đông đang nỗ lực “bứt tốc” để đạt chuẩn NTM đúng kế hoạch đã đề ra. 

Cây thanh long “bén rễ” trên vùng đất nhiễm mặn của xã Kiểng Phước và đang từng bước giúp nâng cao  cuộc sống người dân.
Cây thanh long “bén rễ” trên vùng đất nhiễm mặn của xã Kiểng Phước và đang từng bước giúp nâng cao cuộc sống người dân.

KHỞI ĐỘNG TỪ CÁC XÃ BÃI NGANG

Về 3 xã thuộc vùng bãi ngang ven biển của huyện Gò Công Đông trong thời điểm này, chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự đổi thay của những nơi này. Nhiều nhà tường, nhà ngói “đua nhau mọc lên”; các tuyến đường nối với trung tâm xã đã được nhựa hóa, dal hóa.

Nhiều mô hình hay, cách làm mới cũng từng bước hình thành. Ông Võ Văn Ra là người đầu tiên đưa cây thanh long về vùng đất nhiễm mặn ở ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước trồng. Thấy mô hình đạt hiệu quả cao, nhiều nông dân đã chuyển từ trồng lúa sang trồng thanh long.

Đến nay, diện tích trồng cây thanh long ở khu vực này đã tăng gần 50 ha và hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ông Ra cho biết, khu vực này là đất nhiễm mặn, trước đây người dân chỉ biết trồng lúa. Vì vậy, cuộc sống của đại đa số người dân gặp nhiều khó khăn.

Từ khi cây thanh long “bén rễ” nơi đây, cuộc sống người dân khu vực này dần khá lên. Người có đất thì chuyển sang trồng thanh long, người không có đất thì đi làm công cho những hộ trồng thanh long, mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng…

Đánh giá về những thay đổi ở các xã thuộc vùng bãi ngang ven biển này, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Hoàng Việt cho biết: Từ năm 2013 đến nay, các xã thuộc vùng bãi ngang ven biển đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Bộ mặt nông thôn của các xã bãi ngang ven biển có nhiều đổi thay; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Song, nếu so với các xã còn lại của huyện thì các xã vùng này còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội…

Kiểng Phước, Phước Trung và Gia Thuận là 3 xã thuộc vùng bãi ngang ven biển của huyện Gò Công Đông. Theo đánh giá, đến tháng 6-2018 xã Kiểng Phước đạt 13/19 tiêu chí, Phước Trung đạt 10 tiêu chí, xã Gia Thuận đạt 8 tiêu chí…

Trong đó, thu nhập bình quân đầu người của xã Kiểng Phước là 54,3 triệu đồng/năm, xã Phước Trung đạt 44 triệu đồng/năm và xã Gia Thuận là 32,3 triệu đồng/năm.

“Để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kéo gần khoảng cách phát triển của 3 xã này với các xã còn lại của huyện, Gò Công Đông đăng ký phấn đấu xây dựng 3 xã thuộc vùng bãi ngang ven biển này của huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020”- đồng chí Lê Hoàng Việt nói.

Để các xã nghèo của huyện Gò Công Đông lên NTM, đồng chí Lê Hoàng Việt cho biết: “Huyện sẽ huy động cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò Nhà nước và nhân dân rất quan trọng.

Nhà nước sẽ tập trung ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống...

Huyện ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ, ít kinh phí; đồng thời, tiếp tục triển khai, nhân rộng một số mô hình có hiệu quả như: Trồng thanh long tại xã Kiểng Phước, trồng dừa, sản xuất lúa chất lượng cao, trồng màu dưới chân ruộng tại xã Phước Trung… và nhân dân phải đồng lòng cùng Nhà nước”.

“BỨT TỐC” GIAI ĐOẠN CUỐI

Đến nay, huyện Gò Công Đông có 5/11 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2018, huyện phấn đấu công nhận thêm xã NTM là Tân Phước. Năm 2019, huyện đăng ký 2 xã đạt chuẩn NTM là Tăng Hòa và Tân Tây.

Đến năm 2020, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn NTM và huyện đăng ký đạt chuẩn huyện NTM đầu tiên của tỉnh.

Tuy vậy, hành trình để trở thành huyện NTM vào năm 2020 sẽ không dễ dàng. Bởi, bên cạnh các xã đạt NTM thì huyện phải đạt nhiều tiêu chí bắt buộc. Hiện huyện Gò Công Đông đã cơ bản đạt 4/9 tiêu chí về: Thủy lợi, sản xuất, an ninh trật tự - xã hội và chỉ đạo xây dựng NTM (với 7/14 chỉ tiêu).

Để đạt được điều đó, nhiều cán bộ lão thành của huyện Gò Công Đông cho biết, quan trọng là công tác tuyên truyền để địa phương và người dân nắm được những vấn đề sau khi lên NTM.

Bởi, hiện nay các xã nghèo không muốn thoát nghèo vì được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm y tế, chế độ quà cho người nghèo hằng năm…

“Đạt NTM thì tốt nhưng phải giữ được chất lượng. Đạt NTM mà chất lượng cuộc sống của người dân không được nâng lên thì rất khó giữ được chất lượng NTM. Điều quan trọng là chúng ta định hướng cho nông dân nơi đây trồng cây, con gì và lo đầu ra cho nông dân. Có như vậy, cuộc sống người dân nơi đây mới được nâng chất”- nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Đoàn Hồng Sỹ nêu ý kiến.

Theo Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Nguyễn Chí Trung, hiện nay từ hệ thống chính trị của xã đến người dân các xã nghèo đang rất quyết tâm thoát nghèo. Được sự đồng lòng này, huyện đang quan tâm sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo để đạt chuẩn NTM từ xã đến huyện.

Đến năm 2020, Gò Công Đông trở thành huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh sẽ là vinh dự rất lớn đối với huyện biển này. Không chỉ vậy, đây còn là bước tạo đà để các huyện khác trong tỉnh phấn đấu theo. Vì vậy, ngoài quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gò Công Đông thì cần sự hỗ trợ mạnh từ tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho rằng: “Xây dựng NTM đã khó nhưng giữ được nó càng khó hơn. Vì vậy, chúng ta cần có sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước mắt, ngành chức năng sẽ tính toán và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả ở khu vực này; ưu tiên các doanh nghiệp đủ sức đến đây thành lập nhà máy và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Yếu tố quan trọng nhất sau khi các xã và huyện Gò Công Đông đạt chuẩn NTM là nâng cao thu nhập cho người dân”.

SĨ NGUYÊN

.
.
.