Khởi sắc từ chính sách "tam nông"
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết 26 về “tam nông”), lĩnh vực “tam nông” trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
HTX Thanh long Mỹ Tịnh An là một trong những HTX kiểu mới, kiểu mẫu ở tỉnh. |
“ĐÒN BẨY” TỪ NGHỊ QUYẾT
Hơn 10 năm trước, lúa, nếp là cây trồng chủ lực ở xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo). Từ khi thực hiện Nghị quyết 26 về “tam nông”, xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó diện tích trồng lúa, nếp dần chuyển sang trồng bưởi da xanh, mận, dừa… Về chăn nuôi, xã đã phát triển nuôi gà ri, gà vàng… cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Chủ tịch UBND xã Lương Hòa Lạc Võ Văn Thảo cho biết: “Lĩnh vực “tam nông” trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân dần được nâng lên. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của xã đã hơn 41 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,1%. Bên cạnh đó, bộ mặt nông thôn của xã cũng có nhiều thay đổi, hạ tầng giao thông được đầu tư đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của người dân…”.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên có tổ chức, không mang tính tự phát. |
Thực tế cho thấy, thời gian qua huyện Tân Phú Đông đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025”.
Theo đó, cây lúa đã từng bước được thay thế bởi cây sả và mãng cầu Xiêm. Và hiệu quả kinh tế từ 2 loại cây trồng này mang lại đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Theo Tỉnh ủy, mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2020, về nông nghiệp là giá trị tăng thêm khoảng 4%/năm; cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản chiếm 31,3% - 32,7% GRDP toàn tỉnh. Về nông dân, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 60%; giải quyết 90% lao động nông thôn có việc làm ổn định; thu nhập bình quân của dân cư nông thôn lớn hơn hoặc bằng 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4%; 100% dân cư sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Về nông thôn, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới… |
Còn nói đến huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy, cây sầu riêng đã giúp nhiều người dân nơi đây vươn lên làm giàu, đời sống ngày càng sung túc hơn. Về các xã Tam Bình, Long Trung, Long Khánh…, chúng tôi không khó nhận ra sự đổi thay ở vùng chuyên canh sầu riêng này so với trước đây.
Những con đường trải nhựa, dal thẳng tắp, những ngôi nhà tường được xây dựng khang trang tạo nên diện mạo mới.
Ông Đặng Văn Tám (61 tuổi, xã Long Khánh, TX. Cai Lậy) gắn bó gần 10 năm với cây sầu riêng hào hứng kể: “Trước đây, nhà tôi trồng lúa bị chuột phá hoại nên thất mùa hoài. Từ đó, tôi mới chuyển sang trồng sầu riêng và cho thu nhập ổn định hơn”.
Cũng theo ông Tám, với 2 ha đất trồng sầu riêng, nếu trúng mùa, được giá có thể thu lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm. Nhà nào trồng càng nhiều sầu riêng thì càng khấm khá. Do đó, đời sống người dân nơi đây cứ sau một mùa sầu riêng lại sung túc hơn.
Nói đến lĩnh vực “tam nông”, không thể không nhắc đến việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Trong đó, việc hình thành các hợp tác xã (HTX) kiểu mới là một trong những minh chứng cho sự thay đổi này.
Có thể nói, HTX Thanh long Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) là một trong những HTX kiểu mới, kiểu mẫu ở tỉnh. Những năm đầu khi mới thành lập, thanh long của HTX chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất sang Trung Quốc.
Sau đó, do nhận thấy hiệu quả kinh tế thấp và chưa đáp ứng được kỳ vọng của nông dân nên HTX đã mạnh dạn vận động các thành viên chuyển sang sản xuất theo hướng an toàn và được các thị trường “khó tính” chấp nhận.
“Hiện nay, ngoài việc xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường “khó tính”, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với HTX để lấy hàng xuất khẩu. Chính nhờ cách làm và hiệu quả mang lại, ngày càng có nhiều nông dân muốn vào HTX” - Giám đốc HTX Mỹ Tịnh An Võ Chí Thiện cho biết.
CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN “TAM NÔNG”
Thực tế cho thấy, dù tỉnh đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng phi nông nghiệp, nhưng phải thừa nhận rằng, trong khoảng 5 - 10 năm tới, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng đối với tỉnh. Từ thực tế đó, việc đầu tư phát triển lĩnh vực “tam nông” cần được chú trọng.
Nếu nhìn tổng thể, dù lĩnh vực “tam nông” có nhiều khởi sắc so với trước đây, nhưng vẫn còn không ít hạn chế như: Sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, đầu ra chưa ổn định...
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tỉnh sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại; phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ; ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng, mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với củng cố, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác…
Lĩnh vực “tam nông” ở tỉnh ngày càng khởi sắc. |
Với những kế hoạch đề ra để phát triển lĩnh vực “tam nông” của tỉnh trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, tỉnh Tiền Giang cần phát huy vai trò, khuyến khích nông dân tham gia vào lĩnh vực “tam nông”.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng chí Cao Đức Phát đã đưa ra cách làm giúp địa phương “gỡ khó” đối với các công trình giao thông.
“Hiện nay, khi thực hiện các công trình giao thông, một số tỉnh, thành phía Bắc sẽ khoán vật liệu xây dựng cho các xã. Tỉnh Tiền Giang nên nghiên cứu cách làm này để áp dụng đối với thực hiện công trình giao thông trong xây dựng nông thôn mới” - đồng chí Cao Đức Phát cho biết.
Bên cạnh đó, đồng chí Cao Đức Phát còn cho rằng, địa phương nên lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới không phải là chương trình đầu tư vốn từ ngân sách nhà nước, mà phải khuyến khích người dân cùng tham gia, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đối với các xã đã ra mắt nông thôn mới, trọng tâm sau năm 2020 là phải đi vào chiều sâu, gắn với việc nâng chất các tiêu chí. Đồng thời, đồng chí lưu ý tỉnh nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng có tổ chức, tránh tình trạng tự phát…
M. THÀNH