Nan giải "bài toán" lao động nghề biển
Lao động nghề biển bây giờ thuê rất khó khăn. Đó là câu trả lời chung của nhiều chủ tàu khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh.
KHÓ TÌM “BẠN” ĐI BIỂN
Thiếu lao động đang là vấn đề đáng lo ngại trong phát triển nghề biển hiện nay. Không riêng ở Tiền Giang mà đây là tình hình chung của cả nước. Qua tiếp xúc, nhiều chủ tàu khai thác hải sản than rằng, lao động nghề biển đang rất khó tìm. Để có đủ số lao động cho chuyến biển, họ phải “chạy đôn chạy đáo” để tìm “bạn”.
Chị Lan, chủ tàu TG 91402TS (ngụ xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết, mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 3 tháng, tàu cần đến 7 người “bạn” để làm việc. Để có đủ số “bạn” cho mỗi chuyến biển, gia đình chị phải “chạy ngược chạy xuôi”, có lúc phải nhờ đến “cò” để tìm.
Chị Lan bày tỏ: “Tết Nguyên đán 2018 vừa qua, nhà tôi “ăn không ngon ngủ không yên” khi 3 người “bạn” vừa thuê (đã cho ứng tiền trước) trốn biệt tăm. Đến ngày khởi hành, tôi phải ráo riết tìm “bạn” để kịp cho chuyến ra khơi đầu năm. Số tiền cho “bạn” ứng trước coi như khó đòi do không có hợp đồng, biên nhận”.
Lao động nghề biển khan hiếm hiện vẫn là “bài toán” nan giải. Ảnh: Minh Thành |
Còn anh Ngô Thanh Phong (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) bày tỏ: “Bây giờ khó thuê lao động đi biển lắm! Có người ra tới biển rồi “giở chứng”, quá giang tàu dịch vụ hậu cần (vận chuyển, thu mua hải sản) quay về bờ. Lúc đó tôi vừa thiếu người, lại có nguy cơ mất tiền.
Do đặc thù riêng nên nghề biển cần đủ số lượng lao động mới có thể đảm đương được hết các công việc trên tàu. Do đó, nhiều chủ tàu khi gặp trường hợp lao động “nhảy tàu” phải lập tức tìm người thế chỗ”.
Theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 315 tàu khai thác hải sản, trong đó có khoảng 300 tàu có công suất máy trên 90 CV. Số lao động cần cho mỗi chuyến ra khơi trung bình từ 10 - 18 người/tàu.
Cụ thể, tàu dịch vụ hậu cần cần từ 10 - 12 lao động/tàu, còn tàu lưới đèn cần 16 - 18 lao động/tàu cho mỗi chuyến ra khơi. Từ đó, TP. Mỹ Tho cần khoảng 5.000 lao động làm việc cho các tàu khai thác hải sản.
Cũng theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, tiêu chí đầu tiên để các chủ tàu chọn lao động đi biển là trẻ, khỏe mạnh, chịu được sóng gió. Dù rất muốn tìm lao động có kinh nghiệm, được đào tạo qua trường lớp nhưng hầu như rất khó tìm được nguồn lao động này.
Nhiều chủ tàu cá phải “đỏ mắt” tìm “bạn” đi biển. |
CẦN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Theo nhận định của các ngành chức năng, một trong những nguyên nhân dẫn đến khan hiếm lao động nghề biển là do giữa chủ tàu và người lao động không có hợp đồng lao động.
Thông thường theo thỏa thuận giữa chủ tàu và người lao động là thành quả sau những chuyến biển sẽ được chia đều cho chủ tàu và người lao động hoặc chủ tàu 6 phần, người lao động 4 phần. Do đó, nếu tàu đánh bắt không hiệu quả thì người lao động sẽ nhảy sang tàu khác làm việc.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Phúc Luân cho biết, hiện có nhiều ngư dân ở các tỉnh bạn làm việc trên các tàu cá Tiền Giang và ngược lại. Đa phần họ có trình độ văn hóa thấp (phần lớn những người có trình độ văn hóa cao đều chọn làm việc trên đất liền). Đây là đặc thù của lao động trong lĩnh vực khai thác hải sản. Để tránh tình trạng người lao động đi biển “quỵt tiền”, thời gian qua Chi cục Thủy sản cùng với chính quyền địa phương vận động những chủ tàu cá thành lập các đội, tổ hợp tác, nghiệp đoàn để hỗ trợ nhau trong sản xuất, khi gặp sự cố trên biển. Đồng thời, cách làm này sẽ góp phần giải quyết vấn đề tranh chấp dẫn đến người lao động “quỵt tiền” của chủ tàu. Bên cạnh đó, đơn vị còn vận động các chủ tàu trong cùng tổ, đội hoặc nghiệp đoàn khi tiếp nhận người lao động từ tàu khác phải có giấy xác nhận không nợ tiền chủ tàu đã đi trước đó. Thực tế, có rất ít trường hợp người lao động “quỵt tiền” của chủ tàu tham gia các tổ, đội, nghiệp đoàn khai thác hải sản. Bên cạnh đó, các chủ tàu cần kiên quyết hơn trong việc ký hợp đồng lao động đối với các lao động làm việc trên tàu. |
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Phúc Luân cho biết, do là nghề vất vả, sống xa gia đình và tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi thu nhập lại không ổn định, nên nghề biển khó thu hút lao động.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp mở ra ngày càng nhiều đã thu hút lao động phổ thông, mang đến thu nhập ổn định hơn so với nghề đi biển.
Do đó, thời gian qua đã có sự chuyển dịch lao động trong lĩnh vực khai thác hải sản sang làm việc trong các khu công nghiệp hoặc tìm công việc khác trên đất liền. Hơn nữa, những năm gần đây, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ đóng mới tàu, nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ.
Từ đó, số lượng tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung tăng lên cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra sự khan hiếm lao động trong lĩnh vực khai thác hải sản.
Thực tế cho thấy, khan hiếm lao động nghề biển không phải là vấn đề mới; song cho đến nay “bài toán” này vẫn chưa có lời giải. Có thể nói, thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ đóng mới tàu, phát triển khai thác hải sản… Song phải thừa nhận rằng, thu nhập của lao động nghề biển vẫn còn khá bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết.
Từ thực tế đó, theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, bên cạnh những chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu, khuyến khích đánh bắt xa bờ, Nhà nước cần ban hành chính sách hỗ trợ đời sống của lao động nghề biển. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ sử dụng ngư cụ cho lao động nghề biển.
M. THÀNH