Đại hội ASOSAI lần thứ 14: Toàn văn Tuyên bố Hà Nội
Trong khuôn khổ Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á 14 (ASOSAI 14) diễn ra từ 19 - 22-9, các thành viên ASOSAI đã nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nội, Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố này.
Quang cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ hai Đại hội ASOSAI 14. Ảnh: TTXVN |
TUYÊN BỐ HÀ NỘI
1. Đại hội ASOSAI lần thứ 14 được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 19 - 22-9-2018. Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Việt Nam là một sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn nhất của ASOSAI với sự tham gia của khoảng 350 đại biểu từ 46 quốc gia và một số tổ chức quốc tế, đại diện cho các Cơ quan kiểm toán nhà nước tối cao trong khu vực châu Á. Cùng với Đại hội, Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là một diễn đàn nhằm chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm và các thông lệ tốt nhất về kiểm toán công và các chủ đề liên quan.
2. Đại hội ASOSAI 14 và Hội nghị chuyên đề 7 mang đến cơ hội đúng lúc để trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến kiểm toán công, đặc biệt là kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng Đại hội ASOSAI 14 là bước quan trọng để hiện thực hóa các quan điểm của Cơ quan Kiểm toán tối cao các nước trong khu vực châu Á về hợp tác trong lĩnh vực kiểm toán công, trong đó ASOSAI đóng vai trò chủ đạo, nhằm thảo luận các cách thức triển khai những ý tưởng này thông qua nỗ lực hành động chung. Đại hội đã thống nhất các hành động được đề xuất và thông qua Tuyên bố Hà Nội.
3. Tuyên bố Hà Nội là văn kiện chính thức quan trọng của Đại hội ASOSAI 14 nhằm truyền tải thông điệp quan trọng nhất của Đại hội ASOSAI 14 và Hội nghị chuyên đề 7 và phản ánh những ý tưởng và đề xuất của ASOSAI đối với cộng đồng khu vực và thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công. Tuyên bố Hà Nội khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu trên cơ sở kết quả thảo luận về chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững."
4. Trải qua 40 năm trưởng thành và phát triển kể từ khi Hiến chương ASOSAI ra đời, ASOSAI đã khẳng định vai trò là một tổ chức hợp tác đa phương hàng đầu ở Châu Á nhưng sự chênh lệch giữa các SAI thành viên đã tồn tại từ rất lâu và vẫn đang là một trong những vấn đề cần giải quyết.
5. Chúng tôi, kiểm toán viên nhà nước đại diện cho các Cơ quan Kiểm toán tối cao trong khu vực Châu Á đến từ 46 quốc gia, tề tựu tại Hà Nội Việt Nam, đã thảo luận chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững" nhằm chia sẻ kiến thức và tăng cường năng lực trong bối cảnh vai trò mới.
Tuyên bố
6. Chúng tôi tiếp tục triển khai sứ mệnh của ASOSAI trong việc thúc đẩy chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực của các SAI thành viên, trong đó chú trọng phát triển kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững của các quốc gia và của khu vực.
7. Chúng tôi tiếp tục hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn để tạo động lực mới cho hợp tác ASOSAI, nhằm phát huy mọi tiềm năng của các SAI thành viên và đưa ASOSAI như là một tổ chức khu vực hình mẫu lên một tầm cao mới. Nhận thức về những thách thức quan trọng mà các SAI thành viên chúng ta đang đối mặt, chúng tôi cùng hợp tác và thực hiện những hành động sau:
Đề xuất
1. Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI, song song với hoạt động phát triển năng lực cho các SAI thành viên trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững
8. Chúng tôi quyết tâm tiếp tục cố gắng thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức và tăng cường năng lực toàn diện trên các khía cạnh sau:
(i) Tăng cường năng lực chuyên môn: Xây dựng các phương pháp kiểm toán phù hợp; Xây dựng các hướng dẫn kiểm toán; Phát triển đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên; Thúc đẩy việc lập kế hoạch và quản lý công tác chuyên môn; Tăng cường đảm bảo chất lượng.
(ii) Tăng cường năng lực tổ chức: Lập kế hoạch chiến lược; Xây dựng và quản lý các nguồn lực; Nâng cao công tác quản trị và trách nhiệm giải trình.
(iii) Tăng cường năng lực ứng phó với môi trường bên ngoài: Hợp tác trao đổi kinh nghiệm; Tăng cường hợp tác với các tổ chức bên ngoài.
2. Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu
9. Nhận thức về những cơ hội mới và những thách thức đang nổi lên trong quá trình toàn cầu hóa và những biến đổi của khí hậu, chúng tôi tôn trọng những nguyên tắc chung trong việc INTOSAI có thể đóng góp vào chương trình nghị sự phát triển của Liên hợp quốc đến năm 2030 về vấn đề phát triển bền vững, trong đó chú trọng quản trị tốt và tăng cường chống tham nhũng thông qua một số phương pháp tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững như sau:
(i) Đánh giá tính sẵn sàng của hệ thống quốc gia trong việc báo cáo tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, theo đó kiểm toán việc thực hiện và độ tin cậy của dữ liệu do hệ thống cung cấp;
(ii) Thực hiện kiểm toán hoạt động đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của các chương trình trọng yếu của chính phủ có đóng góp theo từng khía cạnh của từng mục tiêu phát triển bền vững;
(iii) Đánh giá và hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu phát triển số 16 của Chương trình Nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc liên quan đến tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ quan kiểm toán;
(iv) Mô hình hoạt động đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, bao gồm việc kiểm toán và lập báo cáo.
10. Chúng tôi gặp nhau vào thời điểm tình hình khu vực và thế giới đang chứng kiến những tác động khó lường và phức tạp của biến đổi khí hậu, với sự nổi lên của ô nhiễm môi trường, sự nóng dần lên của trái đất và mực nước biển đang dâng cao và các nguyên nhân khác đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của con người. Vấn đề môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu và đặt ra nhiều thách thức đối với toàn cầu. Chủ đề Hội nghị về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững đã giúp cho các SAI thành viên có cái nhìn sâu sắc về vấn đề mang tính thời sự và tìm ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện kiểm toán đạt được thành công các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường tại từng quốc gia, khu vực và trên thế giới.
11. Chúng tôi khẳng định lại mong muốn hướng tới sự tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển bền vững thông qua một số biện pháp:
(i) Tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, phổ biến các chuẩn mực và tài liệu hướng dẫn về lĩnh vực kiểm toán môi trường giữa các SAI thành viên;
(ii) Tổ chức các khóa đạo tạo chuyên sâu về kiểm toán môi trường;
(iii) Khuyến khích việc thực hiện các cuộc kiểm toán chung phối hợp giữa các quốc gia theo chức năng nhiệm vụ của SAI và cam kết xây dựng các cơ chế, quy trình để hỗ trợ cho hoạt động này;
(iv) Vận động các quốc gia thành viên xây dựng những quy định pháp lý, văn bản pháp luật về quản lý môi trường từ đó tạo ra các hành lang pháp lý để các cơ quan kiểm toán tối cao đóng vai trò trong việc giám sát việc triển khai các quy định này;
(v) Xây dựng báo cáo khu vực về lĩnh vực kiểm toán môi trường;
(vi) Ở tầm chiến lược, ban hành các quy định về kiểm toán môi trường để tạo cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của SAI để các SAI tiến hành kiểm toán môi trường một cách thông thoáng và hiệu quả theo chức năng nhiệm vụ của SAI;
(vii) Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức bên ngoài như Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI WGEA), các cơ quan của Liên hợp quốc (UN) như Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP - United Nations Environment Program); Ủy ban của liên hợp quốc về phát triển bền vững (UNCSD)... Cùng nhau, chúng ta sẽ thành công.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/dai-hoi-asosai-lan-thu-14-toan-van-tuyen-bo-ha-noi/525947.vnp)