Thứ Sáu, 14/09/2018, 11:11 (GMT+7)
.

Được gì khi trồng lúa theo công nghệ cao?

“Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho nông dân so với sản xuất truyền thống; nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng lúa - gạo, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa - gạo”.

Đó là mục tiêu của Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên, dự án vừa triển khai tại địa bàn huyện Gò Công Đông thì nhiều nông dân đã bày tỏ băn khoăn và đặt ra nhiều vấn đề về dự án này.

Máy cấy “3 trong 1” là một trong những giải pháp kỹ thuật sẽ được đưa vào áp dụng trong Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.                                                                            Ảnh: SĨ NGUYÊN
Máy cấy “3 trong 1” là một trong những giải pháp kỹ thuật sẽ được đưa vào áp dụng trong Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: SĨ NGUYÊN

Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng mức đầu tư trên 2.332 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trên 112 tỷ đồng, vốn đối ứng khoảng 2.220 tỷ đồng. Dự án thực hiện tại 13 xã thuộc 4 huyện sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh là: Các xã Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè); Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy); Vĩnh Hựu, Long Vĩnh, Long Bình và Bình Tân (huyện Gò Công Tây); Phước Trung, Bình Nghị, Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông).

Thế nhưng, dự án vừa tiến hành họp dân để triển khai thí điểm ở huyện Gò Công Đông thì đã có nhiều nông dân bày tỏ băn khoăn như: Dự án đã nghiên cứu kỹ về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết ở vùng đất này chưa, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ gì khi triển khai thí điểm cũng như nhân rộng sau này?...

Nông dân Nguyễn Văn Tơn, ấp Hiệp Trị, xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông) bày tỏ, diện tích trồng lúa ở vùng Gò Công nhỏ và mặt ruộng giữa các nơi không đồng đều, nếu sử dụng công nghệ tưới ngập khô xen kẻ thì sẽ có nơi nước nhiều, có nơi bị thiếu nước...

Cùng quan điểm với ông Tơn, ông Bùi Thanh Diệp, ấp Nghĩa Chí, xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông) đặt vấn đề, sau khi tham gia dự án, nông dân được hưởng lợi gì, đơn vị nào bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận của người trồng lúa trong dự án có cao hơn so với người sản xuất theo kiểu truyền thống không?...

Ngành chuyên môn kiểm tra các khay mạ trước khi cấy bằng máy công nghệ cao.
Ngành chuyên môn kiểm tra các khay mạ trước khi cấy bằng máy công nghệ cao.

Giải đáp các thắc mắc của nông dân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Văn Hóa cho biết, trong vụ đông xuân tới, máy móc và công nghệ sẽ được lắp đặt ở những diện tích nằm trong dự án. Đối với băn khoăn của người dân về mặt ruộng không đồng đều giữa các vùng, ngành tiến hành quy hoạch theo từng khu (những nơi mặt ruộng cao thành một khu, những nơi đất thấp thành một khu).

Riêng chính sách hỗ trợ trong quá trình thí điểm và nhân rộng, Nhà nước sẽ hỗ trợ 40% chi phí đầu tư sản xuất, 60% còn lại do hợp tác xã và nông dân tự đầu tư. Về đầu ra sản phẩm, những diện tích tham gia dự án sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm...

Theo dự án, năm 2018 tỉnh xây dựng 2 điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với 16 ha; năm 2019 xây dựng 2 điểm với 20 ha và nhân rộng 780 ha; năm 2020 nhân rộng 2.300 ha và năm 2021 - 2025 nhân rộng 12.240 ha. Tổng diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 trên 15.300 ha.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Hóa cho biết thêm, thông qua dự án này, các diện tích cánh tác lúa đều có hệ thống cảm biến và hệ điều hành thông minh trong quản lý nước, phân bón và thiết kế, sử dụng phần mềm quản lý ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Song song đó, dự án ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như sử dụng máy cấy với 3 chức năng (cấy lúa, bón phân; phun thuốc trừ ốc bươu vàng, thuốc trừ cỏ); sử dụng phân bón thông minh (bón phân 1 lần cho cả vụ lúa) và ứng dụng đồng bộ các giải pháp về giống lúa và thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn, chất lượng lúa - gạo.

Từ dự án sẽ hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa - gạo từ đầu vào phân bón thông minh, đầu ra sản phẩm lúa - gạo chất lượng cao, có nhãn hiệu hàng hóa, giá trị sản phẩm gia tăng và lợi nhuận tăng thêm khoảng 30%.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Hóa, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa là nền tảng giải quyết tăng năng suất lao động, tăng năng suất và chất lượng lúa - gạo, tăng thu nhập, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của lúa - gạo trên thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Các nội dung dự án phù hợp chủ trương của Nhà nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đáp ứng nhu cầu trong thực tiễn sản xuất nên có khả năng nhân rộng.              

SĨ NGUYÊN

.
.
Liên kết hữu ích
.